Trà Đạo dưỡng tâm, Trà Đạo giáo hóa
- Thiên Cầm
- •
Vạn vật trên thế gian đều có đạo tuần hòan, tức là vạn vật đều có quy luật và phép tắc tự thân. Trà đương nhiên cũng có Trà Đạo.
Nhắc tới Trà Đạo tự nhiên cũng không thể không nhắc tới “Trà Kinh”. Muốn đọc sách về trà thì sự lựa chọn hàng đầu cũng là cuốn “Trà Kinh”.
Lục Vũ, tác giả của cuốn “Trà Kinh” là một cô nhi, sinh trưởng trong một ngôi chùa, dưới sự dẫn dắt của một vị tăng nhân, ông khổ công đọc các kinh điển tu hành. Bởi lẽ vị tăng nhân thích thưởng trà, nên Lục Vũ cũng dần quen theo, và sớm đã luyện được kỹ nghệ pha trà.
Sau này, khi rời khỏi ngôi chùa, hành tẩu nơi thế gian, Lục Vũ vẫn vô cùng yêu mến trà đạo. Tinh thần của Tam giáo cùng với những trải nghiệm gian khổ của bản thân Lục Vũ đã giúp ông viết nên bộ “Trà Kinh”, lưu truyền thế gian, trở thành kinh điển của văn hoá trà.
Vị tăng nhân muốn Lục Vũ tu Phật, nhưng ông lại tu hành theo một Đạo khác. Kẻ thế tục muốn Lục Vũ làm quan, nhưng ông lại không muốn làm quan. Cả đời Lục Vũ chỉ vì muốn lưu lại trà đạo. Có lẽ đây cũng là sứ mệnh trời phú cho ông, để chúng sinh trong cõi hồng trần nhờ trà mà có thể tu tâm dưỡng đức.
Chữ “Trà 茶” gồm chữ “Nhân 人”, bộ “Thảo 艹” và chữ “Mộc 木”, nghĩa là con người ở giữa thảo mộc, bầu bạn với thảo mộc. Nguyên liệu làm trà vốn là thứ âm lạnh, kết tinh tinh hoa của thảo mộc. Trà sinh trưởng nơi gian khó, nội tâm cô độc, nghĩa là ở xứ cao hàn, không hòa lẫn với sự ồn ào ganh đua, danh lợi nơi trần thế.
“Trà Kinh” nói rằng: “Trà chi vi dụng, vị chí hàn, vi ẩm tối nghi tinh hành kiệm đức chi nhân”, nghĩa là trà tính lạnh, cần kiệm, thích hợp cho người tu hành đức độ. Những người chăm chỉ hành đức chủ yếu chỉ tăng nhân, đạo sỹ, Nho sinh, và những người tu luyện khác. Họ yêu cầu với lời nói và hành vi rất cao, rất thuần, rất nghiêm. Tính họ cần kiệm, thích tĩnh lặng, ít tham dục, ít tạp niệm. Họ thường mượn sức mạnh của trà để nội tâm trở nên thanh tịnh, giảm thiểu dục vọng.
Đối với những người tu luyện mà nói, trà cũng như linh đơn vậy. Người tu luyện thường cầu tĩnh tại, mà trà lại có tính kiệm, có thể ức chế dục niệm, khai mở tâm linh, hai điều kết hợp với nhau rất tài tình.
Mặc dù trà có thể giải khát, khiến đầu óc tỉnh táo, dùng để chữa bệnh và dưỡng sinh, nhưng công dụng quan trọng nhất của trà là để dưỡng tâm. Vậy nên Lục Vũ mới nhấn mạnh rằng cảnh giới tối cao của Trà Đạo nằm ở chỗ “Trung hòa”.
“Trung hòa” là tư tưởng nhân cách tối cao của Nho gia, là phẩm chất tự thân, tự túc được tôn sủng của bậc thánh nhân.
“Trung” nghĩa là không thiên lệch, không dựa dẫm, không bị kinh động bởi ngoại vật, nội tâm không chút gợn sóng. “Hòa” là đối đãi một cách bình hòa với vạn vật, là chung sống hài hòa với con người, với sự vật, với quỷ Thần, ai lo phận nấy mà không tranh. Cho nên trồng trà, pha trà, thưởng trà không việc nào là không thể hiện ý nghĩa giáo hoá, tính “Trung hòa” trong đó.
Nơi thích hợp nhất để trồng trà là những vách núi trong rừng. Nơi ấy vừa hướng về ánh mặt trời, lại vừa có bóng râm, vì tính hàn cần ánh mặt trời để trung hòa với nó. Nước pha trà cần là nước chảy chậm tại những ao những suối có nhũ thạch. Nước chảy ra từ rừng sâu sẽ không bị ô nhiễm, nước chảy trên đá không nhanh không chậm, phù hợp với sự trung hòa cần có.
Toàn bộ nghệ thuật pha trà đều cần làm được “Hoãn – thư thái”, “Mạn – chậm rãi”, “Viên – tròn đầy”, mới có thể đạt tới sự “trung hòa” cực điểm. Thưởng trà cần tĩnh tâm, tĩnh tại, chuyên nhất để thân tâm ở trong trạng thái “trung hòa”. Nghĩa là từng bước trong việc pha trà không có bước nào không dẫn dắt, giáo hoá con người về bản chất của sự trung hòa. Do vậy tiêu chuẩn của trà ngon là nơi sinh trưởng phù hợp với trung hòa, cách pha phù hợp với sự trung hòa, người pha trà tính tình cũng cần trung hòa, nếu không trà sẽ kém chất. Hơn nữa trà nghệ là một loạt động tác tuần hoàn khi pha trà, mắt nhìn như đang biểu diễn, thực tế lại hiển lộ thiên cơ.
Ngày nay, việc “đấu trà” chỉ là thói quen đấu đá trên thị trường. Bán trà với giá trên trời chỉ là trò lừa của thương lái. Tất cả điều này chẳng liên quan gì tới trà đạo. Đồ pha trà và nghệ thuật pha trà dẫu rất đẹp mắt, nhưng đôi khi chỉ còn là biểu diễn, không có chút liên hệ gì tới tâm đạo. Người tầm thường dẫu nếm được trà ngon, thì trà cũng chẳng thể ích gì, không thể tẩy tịnh bụi đất nơi sâu thẳm trong tâm họ. Họ khó có thể đề cao, kỳ thực lại khiến trà vấy bẩn.
Công dụng trọng yếu nhất của trà là giáo hoá. Trà cũng giống như vật minh xét. Con người cần hiểu rằng: Nhân sinh nhất thế cũng giống như thảo mộc nhất thu, vạn sự như mộng, chớp mắt đều sẽ qua đi.
Theo Vision Times tiếng Trung
Thiên Cầm biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa trà đạo Lục Vũ Trà Kinh