Nếm trà hiểu thấu đạo lý nhân sinh
- An Hòa
- •
Cổ nhân cho rằng: “Dùng Trà có thể hành Đạo, dùng Trà có thể đạt được chí thanh cao”. Như vậy, “Trà Đạo” là gì? Vì sao “nếm trà” có thể hiểu thấu đạo lý nhân sinh?
Thời nhà Đường có một người tên là Lục Vũ đã thông qua quan sát nghiên cứu về trà nhiều năm mà viết ra cuốn “Trà kinh”. Cuốn sách này tổng kết ra một danh mục các loại trà, phương pháp hái trà, pha trà và nếm trà. Đồng thời Lục Vũ còn xây dựng cho nghệ thuật uống trà một loại ý nghĩa văn hóa sâu sắc, bước đầu hình thành trà đạo. Bởi vậy, người đời sau tôn xưng Lục Vũ là “Thánh trà”. Vậy trà đạo mà ông lưu truyền là như thế nào?
Sự kết hợp giữa “Trà” và “Đạo”
Văn hóa trà đạo thể hiện đặc điểm của truyền thống văn hóa tinh thần phương Đông, là sự kết hợp của “Trà” và “Đạo”.
Lão Tử từng nói: “Đạo khả Đạo phi thường Đạo” (Tạm dịch: Gọi là Đạo cũng được, nhưng là Đạo phi thường). Ông cũng nói: “Đại Đạo tràn ngập trong mọi thứ, có thể thao túng mọi thứ”. Có thể thấy rằng, “Đạo” là không chỗ nào không có mặt.
Vậy, “Đạo” thực ra là gì? Trong tác phẩm kinh điển “Trung Dung” của Nho gia Trung Quốc có giảng: “Mệnh trời gọi là tính, thuận theo tính gọi là Đạo”.
Kỳ thực, ý nghĩa chân chính của “Đạo” là mách bảo cho chúng ta biết rằng: Sự sinh tồn của vạn sự vạn vật trong vũ trụ, bao gồm cả sự vận chuyển của Thiên thể, sự sinh sôi của loài người, sự thay đổi của các triều đại, sinh lão bệnh tử của con người, đều là vận hành theo Đạo, đều là có quy luật nhất định. “Thành, Trụ, Hoại, Diệt” của vật chất chính là quy luật của vũ trụ. Cho nên con người có thể “phản bổn quy chân”, trở về với bản tính tiên thiên của mình, bởi vì bản tính tiên thiên của con người là chất phác, là thiện lương, là câu thông với vũ trụ. Như vậy mới có thể đạt tới cảnh giới “Thiên nhân hợp nhất”. Đây chính là “Đạo” mà người tu hành thời xưa thường nói đến.
Bởi vì “Đạo” thể hiện phép tắc và quy luật của vũ trụ và nhân sinh, nên người xưa không tùy tiện nói về Đạo, cho rằng ấy là điều vô cùng cao thâm, không thể nói rõ ràng ra được. Con người ngày nay đều bị hai chữ “Mê tín” ngăn trở mà rời xa “Đạo”.
Nói về Đạo, có thể nhiều người sẽ nghĩ tới Nhật Bản, trà có trà đạo, hoa có hoa đạo, hương có hương đạo, kiếm có kiếm đạo, luyện võ thuật cũng có nhu đạo. Nhưng kỳ thực, hết thảy các ngành các nghềtrong xã hội phương Đông thời cổ đại đều có “Đạo”. Hơn nữa mọi người cũng đều có tâm “cầu Tiên mộ Đạo”, bởi thế mà người xưa nếm trà cũng có Trà Đạo.
Nếm trà hiểu thấu nhân sinh
Văn hóa Trà đạo là một loại văn hóa “Trung gian”, lấy trà làm vật dẫn, kế thừa tinh thần của văn hóa truyền thống. Lưu Trinh Lượng thời nhà Đường trong tác phẩm “Ẩm trà thập đức” cũng chỉ ra rằng: “Dùng trà có thể hành Đạo, dùng trà có thể đạt được chí thanh cao”. Như vậy, “Trà Đạo” là gì?
Trên bề mặt thì “Trà đạo” chính là do “Trà lễ, trà quy, trà pháp, trà kỹ, trà nghệ, trà tâm” cấu thành nên và được gọi là “Trà đạo lục sự”. Tu tập Trà đạo chính là thông qua “‘Trà đạo lục sự” mà chứng ngộ được tinh thần của trà đạo. Nhìn bề ngoài thì tu tập Trà Đạo là “Kỹ” (Kỹ năng), nhưng trọng điểm của nó không phải là “Kỹ” mà là “Tâm”. Nhưng muốn tu tập Trà tâm thì phải bắt đầu tu tập Trà kỹ. Cho nên, phải hiểu được đạo lý này mới có thể “đàm Trà luận Đạo” được.
1. “Vị đắng” của Trà đạo
Trà thì đắng, nhưng lại là đắng có ý vị, người nếm trà từ mùi vị của trà mà thưởng thức vị đắng của đời người. Đời người có bao nhiêu nỗi khổ? Phật gia cho rằng, hết thảy “Sinh, Lão, Bệnh, Tử”, oán hận, xa người mình yêu thương, cầu mà không được, vv… đều là khổ.
Nói chung lại, phàm là tất cả những vật chất cấu thành sự tồn tại của con người và tất cả những nhân tố tinh thần trong quá trình sinh tồn của con người đều có thể mang đến cho con người “buồn khổ, phiền não”. Cho nên Phật gia có câu: “Bể khổ vô biên, quay đầu là bờ”‘. Câu này so với câu “Phản bổn quy chân” thực ra là có cùng một đạo lý. Vì thế phải nhìn thấu được đời người, hiểu rõ được bí mật của sinh tử thì mới có thể đạt được sự giải thoát khỏi “Khổ”.
Đặc tính của Trà cũng là đắng. Trong “Bản thảo cương mục”, Lý Thời Trân viết: “Trà đắng mà tính hàn, trong âm có âm, có khả năng đứng đầu về hạ hỏa, hỏa là trăm bệnh, hỏa được hạ thì trăm bệnh tất có thể được thanh trừ”. Từ đặc tính của trà là trước đắng sau ngọt, trong đắng có ngọt mà hiểu ra được đạo lý làm người: “Tiết kiệm, đạm bạc, lấy khổ làm vui.”
- Xem thêm: Trà Đạo dưỡng tâm, Trà Đạo giáo hóa
2. Vẻ đẹp của sự tĩnh lặng hư không
Trà đạo chú trọng “Hòa tĩnh di chân” (Hài hòa, tĩnh lặng, vui vẻ và chân thật), lấy “Tĩnh” để đạt tới trạng thái “Tâm trai, tọa vong”, gột sạch những kiến giải sai lầm, tìm được con đường phải đi để đắc Đạo.
Cái “Tĩnh” trong “Tĩnh hư” này, liệu có phải là mang hàm nghĩa từ đầu tới cuối cần phải “Tĩnh” để đạt được sự nghiêm túc trang trọng? Đương nhiên không phải như vậy. “Tĩnh hư” này, trong văn hóa trà đạo Trung Hoa thực chất là nói về sự tĩnh lặng của thế giới tâm hồn, đến mức tĩnh lặng với mọi hoàn cảnh bên ngoài. Chỉ cần tâm hồn của bản thân không mất đi “Hư tĩnh”, thì uống trà cũng được, nói cười cũng được, nghe nhạc cũng được, xem kịch cũng được, không có gì là không thể được.
Trước khi nếm trà, cần phải buông bỏ những phiền muộn, những điều cố chấp trong lòng, tĩnh hạ tâm xuống, định hạ tâm lại, bắt đầu tiến vào cảnh giới thẩm mỹ nếm trà mà lặng lẽ lĩnh hội được đủ loại mỹ cảm như sắc của trà, hương của trà, vị của trà, hình tượng của trà… Từ đó mà tĩnh lặng quan sát, ngẫm lại về cuộc sống nhân sinh, bồi dưỡng tâm tính, đạt tới cảnh giới “Tĩnh không” trong tâm hồn, vui vẻ lĩnh hội được cái đẹp của “Tĩnh hư”.
3. Sự “tầm thường” của Trà đạo
Một bậc thầy trà đạo người Nhật Bản từng nói: “Cần phải biết rằng cái gốc của trà đạo bất quá là nấu nước châm trà”. Nói như vậy là một câu đã trúng đích. Bản chất của Trà đạo quả thật là từ những việc nhỏ bé vặt vãnh trong cuộc sống thường ngày mà hiểu được sự huyền bí của vũ trụ và triết lý của nhân sinh. Tu Phật tu Đạo cũng là muốn mọi người thông qua việc việc tu và luyện từng chút một trong cuộc sống, từ những việc tầm thường nhỏ bé mà hiểu thấu được Đại Đạo.
Cho nên người xưa nói: “Chớ vì việc thiện nhỏ mà không làm, chớ vì việc ác nhỏ mà làm”. Đừng bởi vì một việc tốt rất nhỏ mà không làm, bởi vì mỗi lần làm một việc thiện sẽ tích được phúc đức. Đương nhiên cũng đừng cho rằng một việc xấu nào đó là nhỏ mà tùy tiện làm bừa, bởi vì làm việc xấu thì sẽ bị tiêu giảm phúc phận, nghiêm trọng còn có thể bị giảm thọ lộc, làm hại đến cả người nhà. Có thể, bạn không lập tức nhìn thấy được kết quả, nhưng tích tiểu thành đại. Những việc thiện ác nhân quả trên thế gian là đến một lúc nào đó tất sẽ báo ứng.
4. Sự “buông xả”
Nỗi buồn khổ của con người, xét cho cùng là bởi vì “buông bỏ không được”, cho nên Phật gia giảng “buông bỏ”. Tu hành cần phải buông bỏ hết thảy mới có thể nhập Đạo, nếu không thì chỉ phí công vô ích.
Vậy, buông bỏ hết thảy là buông những gì? Buông bỏ nỗi phiền não của đời người, buông bỏ “danh, lợi, tình” của đời người, buông bỏ các loại tâm chấp trước, dục vọng, buông bỏ hết thảy các loại tâm mà “buông xả không được”, buông xả tất cả, thì con người tự nhiên sẽ thoải mái ung dung vô cùng, nhìn thấy trời xanh biển bích, non xanh nước biếc, nhật lệ phong hòa, ánh sáng rực rỡ của trăng sao…
Nếm trà cũng nhấn mạnh đến “buông bỏ”. “Buông bỏ” công việc đang làm, tranh thủ nửa ngày nhàn nhã, buông lỏng một chút tâm trạng đang căng thẳng, thả lỏng một chút cái tâm linh đang bị phong kín. Có bài thơ tuyệt hay rằng:
Phóng hạ diệc phóng hạ,
Hà xử lai khiên quải?
Tố cá vô tâm nhân,
Tiếu đàm tinh nguyệt đại.
Tạm dịch: Buông là buông bỏ thôi, cớ gì phải bận lòng? Làm một người thảnh thơi, cười nói với trăng sao.
Cho nên mới nói, ai có thể buông bỏ được mọi thứ, sẽ trở thành người có được sự thảnh thơi.
Tu hành Trà Đạo quan trọng nhất là tu tâm dưỡng tính, từ nếm vị đắng của trà mà nhìn thấu được nhân sinh, tĩnh lặng mà xem sự biến hóa, tâm tính linh hoạt kỳ ảo, ở trong cuộc sống thường ngày mà thấy được chân tướng đời người, cuối cùng có thể buông bỏ được sướng khổ của đời người, hiểu được triết lý của nhân sinh, sự thần bí của vũ trụ, từ đó mà phản bổn quy chân.
Theo Vision Times tiếng Trung
An Hòa biên tập
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Mạn đàm về trà đạo phản bổn quy chân trà đạo tu luyện