Những năm gần đây, trong bối cảnh giáo dục và những vấn đề xã hội được truyền thông chú ý, văn hóa đọc đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi của người dân trong cả nước. Phong trào đọc sách sau rất nhiều năm bị lãng quên đã được tái khởi động với sự ra đời của hàng loạt thư viện mới cùng các câu lạc bộ đọc sách. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, những thành quả trong thực tế xây dựng văn hóa đọc ở nước ta vẫn chưa được như mong đợi. Chẳng hạn trên Báo Tuổi trẻ online ngày 18/12/2016, ông Lê Hoàng, phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam cho rằng nếu trừ đi sách giáo khoa và chia đều số sách xuất bản trong năm cho số dân thì trung bình mỗi người dân chỉ đọc 01 cuốn sách/năm. Nhận định này cũng tương đối sát với kết quả điều tra do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch công bố tháng 4-2013, theo đó mỗi người Việt Nam đọc khoảng 0.8 cuốn sách/năm. Thực trạng này nói lên rằng chúng ta cần phải tiếp tục cố gắng nhiều hơn nữa trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Trong quá trình đó, việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước trong khu vực và trên thế giới sẽ trở nên cần thiết. Trong bài viết này, tôi xin được phác qua một vài nét cơ bản về văn hóa đọc ở Nhật Bản hiện nay từ đó tạm rút ra một vài kinh nghiệm có thể hữu ích cho Việt Nam.

1. Vài nét về văn hóa đọc ở Nhật Bản

Đối với người Việt Nam, Nhật Bản là nước có văn hóa đọc phát triển mạnh mẽ. Hiện nay cho dù các nhà nghiên cứu Nhật Bản và các cơ quan có trách nhiệm ở đây đang cảnh báo về tình trạng trẻ em “xa rời việc đọc sách” và ngành xuất bản có dấu hiệu sa sút vì sự cạnh tranh của mạng Internet và các thiết bị nghe nhìn đa phương tiện, Nhật Bản vẫn là nước có văn hóa đọc phát triển hơn hẳn các nước ở xung quanh.

Theo “Niên báo chỉ số xuất bản” của Viện nghiên cứu khoa học xuất bản của Nhật Bản thì số đầu sách mới được xuất bản ở Nhật Bản năm 2010 là 74.714. Một cuộc điều tra khác của một cơ quan truyền thông cho biết năm 2010 ở Nhật Bản có tới 15.314 hiệu sách.

Về hệ thống thư viện, theo kết quả cuộc “Điều tra giáo dục xã hội” do Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ tiến hành (cuộc điều tra được tiến hành định kì 3 năm một lần), Nhật Bản có 3165 thư viện ( năm 2008). Số liệu thống kê của cuộc điều tra này qua các năm cũng cho thấy số lượng thư viện ở Nhật Bản liên tục tăng từ năm 1963. Cũng theo bản báo cáo này thì 100% các tỉnh, 98% thành phố, quận, 59.3% khu phố, 22.3% làng có thư viện. Số lượng nhân viên thư viện trung bình là 10.3 người/thư viện trong đó có 4.6 người có chuyên môn.

Theo “Điều tra về giáo dục xã hội” nói trên thì số lượng sách được mượn trong năm 2007 ở Nhật Bản là 630.000.000 cuốn và tính trung bình mỗi người có đăng kí là thành viên của thư viện mượn 18.6 cuốn/năm. Các thư viện này ngoài hoạt động cho mượn sách còn tổ chức các ngày hội đọc sách, thưởng thức sách, triển lãm sách, đọc sách cho trẻ em nghe…

Đối với hoạt động đọc sách trong trường học thì từ năm 2007 khi Luật giáo dục trường học được sửa đổi, cụm từ “làm cho học sinh quen với việc đọc sách” đã được đưa vào điều khoản quy định về “mục tiêu giáo dục”. Số liệu thống kê cũng cho biết số lượng thủ thư trong các trường tiểu học và trung học cơ sở ở Nhật Bản vẫn tiếp tục gia tăng.

Trong xã hội, đọc sách đã trở thành một thói quen thường ngày của người Nhật. Kết quả cuộc “Điều tra cơ bản đời sống xã hội” của Bộ nội vụ Nhật Bản năm 2006 (5 năm điều tra một lần) cho biết có 41.9% những người được hỏi (trên 10 tuổi) có thói quen “đọc sách như là một thú vui”.

Ở Nhật trong đời sống thường ngày người ta cũng dễ dàng nhìn thấy cảnh người dân đọc sách tên tàu điện, xe buýt, nhà ga, sân bay, trong công viên…

Nhìn tổng thể, theo kết quả điều tra của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản trung bình một người Nhật đọc 12-13 cuốn sách/năm (2016).

Ở Nhật Bản còn có nhiều hội đoàn ra đời từ phong trào đọc sách và lãnh đạo phong trào đọc sách. Chẳng hạn như Hội đọc sách Nhật Bản (The Japanese Reading Association). Tổ chức này được lập ra với mục đích nghiên cứu, tiếp cận việc đọc sách dưới góc độ khoa học để từ đó công bố các kết quả nghiên cứu hỗ trợ cho văn hóa đọc ở Nhật Bản. Những công trình nghiên cứu về đọc sách của hội viên được công bố trên tạp chí “Khoa học đọc sách” của hội. Hàng năm hội cũng có trao giải thưởng cho những người có những luận văn xuất sắc hoặc có cống hiến đặc biệt về lý luận, thực tiễn cho phong trào đọc sách ở Nhật Bản. Ví dụ như trong lần trao thưởng thứ 50 (2016) hội này đã trao “Giải thưởng khuyến khích nghiên cứu khoa học đọc sách” cho ba cá nhân người Nhật.

Nhật Bản cũng có rất nhiều tờ báo và tạp chí quan tâm đến tình hình đọc sách và thúc đẩy văn hóa đọc trong đó tiêu biểu là tờ báo chuyên về văn hóa đọc có tên “Báo đọc sách Nhật Bản” (Nhật Bản độc thư tân văn) thuộc Hiệp hội xuất bản Nhật Bản. Thú vị hơn nữa là ở Nhật Bản, người ta còn sử dụng đọc sách như là một liệu pháp điều trị những căn bệnh có liên quan đến tinh thần – tâm lý như trầm cảm, rối loạn hành vi ở thanh thiếu niên… Hội liệu pháp đọc sách Nhật Bản (The Japanese Biliotherapy Association) là nơi tập hợp những người ủng hộ và áp dụng liệu pháp điều trị này.

2. Những yếu tố làm cho văn hóa đọc ở Nhật Bản phát triển

Có rất nhiều yếu tố làm nên sự phát triển rực rỡ của văn hóa đọc ở Nhật Bản, tuy nhiên ở đây, tôi chỉ xin đề cập và phân tích một vài yếu tố cơ bản.

Thứ nhất là yếu tố truyền thống. Ngay từ thời cổ đại và trung đại, người Nhật đã có tinh thần chủ động học hỏi khi cử những sứ giả, nhà sư và học sinh có tài năng sang Trung Quốc du học và mang về các thư tịch quý hiếm, cần thiết cho phát triển văn hóa, xây dựng đất nước. Dưới thời Edo (1603-1867), Nhật Bản đã có tỉ lệ người biết đọc, biết viết khá cao (nhiều học giả cho rằng vào thời gian này trên 50% người Nhật biết đọc biết viết). Ngành xuất bản thời Edo cũng rất phát triển với số lượng xuất bản phẩm lớn và phong phú. Đặc điểm này có mối quan hệ mật thiết với sự thành công của Minh Trị Duy tân sau này. Trình độ “dân trí” cao với biểu hiện cụ thể là tỉ lệ người biết đọc biết viết lớn là tiền đề quan trọng của cải cách mà các nước châu Á khác khi đó không có.

Thứ hai là vai trò của nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm. Sau năm 1945, để phục hưng đất nước và phát triển văn hóa, giáo dục, chính phủ Nhật Bản đã có rất nhiều những biện pháp và chính sách cụ thể. Chẳng hạn Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hai bộ luật quan trọng.

Bộ luật thứ nhất là “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em”. Bộ luật này được công bố và có hiệu lực thi hành từ ngày 12/12/2001. Mục đích của bộ luật này được nêu rõ ở điều 1:

“Bộ luật này có mục đích xác lập triết lý cơ bản liên quan đến việc khuyến khích các hoạt động đọc sách của trẻ em, làm rõ nghĩa vụ của nhà nước và các chính quyền địa phương đồng thời bằng việc xác định các nội dung cần thiết liên quan đến khuyến khích các hoạt động đọc sách của trẻ em mà thúc đẩy có kế hoạch và có tính tổng hợp các cơ sở khuyến khích trẻ em đọc sách từ đó tạo nên sự trưởng thành khỏe mạnh của trẻ em.”

Bộ luật thứ hai là “Luật chấn hưng văn hóa đọc”. Bộ luật này được quốc hội thông qua ngày 27 tháng 7 năm 2005. Điều 1 của bộ luật này nêu rõ:

“Bộ luật này có mục đích xác định triết lý cơ bản về chấn hưng văn hóa đọc trên cơ sở tư duy rằng văn hóa đọc là thứ không thể thiếu trong việc kế thừa và nâng cao tri thức, trí tuệ được tích lũy trong lịch sử lâu dài của nhân loại và giáo dục tính người phong phú cũng như phát triển chủ nghĩa dân chủ lành mạnh; làm rõ trách nhiệm và nghĩa vụ của nhà nước và chính quyền địa phương đồng thời nỗ lực xúc tiến một cách tổng hợp các chính sách chấn hưng văn hóa đọc ở nước ta, cống hiến cho việc thực hiện đời sống quốc dân có trí tuệ, tâm hồn phong phú hơn và xã hội đầy sức sống thông qua việc xác định các nội dung cần thiết liên quan tới chấn hưng văn hóa đọc”.

Cả hai bộ luật nói trên đều xác định rõ trách nhiệm của nhà nước cũng như chính quyền địa phương trong việc duy trì và phát triển văn hóa đọc.

Trên cơ sở của bộ luật “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em”, này 23/4 hàng năm được quy định là “Ngày trẻ em đọc sách” ở Nhật Bản. Các bộ luật trên đã tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động khuyến đọc ở mọi cấp độ ở Nhật Bản.

Thứ ba là vai trò của các trường học. Ở Nhật Bản, thư viện trường học được quan tâm và chúng đã tạo ra môi trường tốt cho học sinh đọc sách. Bên cạnh đó những thực tiễn giáo dục khuyến khích sự tìm tòi, sáng tạo đã thúc đẩy hoạt động đọc sách của học sinh. Ngay từ khi học mẫu giáo, các cô giáo đã đọc sách cho học sinh nghe. Ở tiểu học học sinh sẽ có giờ “đọc sách” bên cạnh các giờ học giành cho các môn giáo khoa. Những hoạt động này giúp cho học sinh có thói quen đọc sách và học theo kiểu nghiên cứu.

Cuối cùng là vai trò của gia đình. Nhìn tổng thể các bậc phụ huynh ở Nhật rất coi trọng việc giáo dục con cái. Họ ý thức được rằng Nhật Bản là một nước nghèo về tài nguyên thiên nhiên và có môi trường cạnh tranh khắc nghiệt vì vậy để có thể tồn tại và sống tốt trong xã hội cá nhân cần phải có trí tuệ thông qua học hành. Chính vì vậy mà xây dựng tủ sách gia đình, đọc sách cho con nghe, hướng dẫn con đọc sách tại gia đình trở thành lẽ đương nhiên. Trẻ em ở trong các gia đình Nhật Bản được đọc sách khá sớm. Bản thân con tôi khi sinh ra ở Nhật đã được tặng cuốn sách đầu tiên và tôi được hướng dẫn cách đọc sách cho con nghe khi cháu mới 3 tháng tuổi.

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Từ việc tìm hiểu về văn hóa đọc của Nhật Bản nói trên, chúng ta sẽ thấy rằng để phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam cả nhà nước và người dân đều phải làm tốt nghĩa vụ của mình và hợp tác cùng nhau. Ở phía nhà nước và các cơ quan có trách nhiệm cần phải có những bộ luật, chính sách hợp lý để tạo ra hành lang pháp lý và hỗ trợ tối đa những hoạt động liên quan đến văn hóa đọc. Một bộ luật về chấn hưng, phát triển văn hóa đọc đang trở thành nhu cầu cấp thiết. Bộ luật này sẽ làm rõ trách nhiệm của chính phủ, các bộ ngành có liên quan cũng như chính quyền địa phương và các cơ quan, đoàn thể trong việc phát triển văn hóa đọc. Điều đó sẽ giúp cho hoạt động phát triển văn hóa đọc diễn ra trên toàn quốc một cách có hệ thống cũng như động viên tối đa những nguồn lực có sẵn cho sự nghiệp này.

Về phía người dân cần phải tích cực, chủ động tham gia vào việc phát triển văn hóa đọc bằng những hoạt động cụ thể như lập quỹ khuyến học, lập tủ sách gia đình, xây dựng hệ thống thư viện tư nhân… trên toàn quốc. Sự hợp tác giữa những cá nhân có cùng mối quan tâm và khát vọng phát triển văn hóa đọc cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy văn hóa đọc trên toàn quốc phát triển. Những cá nhân này cần liên kết, hợp tác với nhau dưới nhiều hình thức phong phú như diễn đàn, câu lạc bộ, nhóm… để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau.

Suy cho cùng thành bại của mọi chính sách hay công cuộc cải cách đều nằm ở trong sự chuyển biến của từng người dân. Vì vậy, mỗi bậc phụ huynh, thầy cô giáo, mỗi gia đình phải trở thành thành viên tích cực đầu tiên trong việc xây dựng văn hóa đọc. Để làm được điều đó thì điều trước tiên là chính mình phải có được thói quen đọc sách.

(Bài in tại kỉ yếu Hội thảo “Sách cho trẻ em nông thôn, miền núi” tổ chức vào ngày 29/7/2017 tại thành phố Thanh Hóa)

Nguyễn Quốc Vương
Đăng lại từ Blog Người Bán Sách Rong (nguoibansachrong.com)
Tham khảo Facebook Tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương
Tham khảo các tác phẩm của tác giả, dịch giả Nguyễn Quốc Vương tại đây

Tài liệu tham khảo:

1. Ozaki Mugen, Nguyễn Quốc Vương dịch, Văn Ngọc Thành hiệu đính, Cải cách giáo dục Nhật Bản, Thaihabooks và NXB Từ điển bách khoa, 2014.

2. Nguyễn Quốc Vương, Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản, NXB Phụ nữ, 2016.

3. Website Hội đọc sách Nhật Bản: http://www.gakkai.ac

4. Tài liệu điều tra về tình hình đọc sách và xuất bản tại Nhật Bản trên website của Bộ giáo dục, văn hóa, thể thao, khoa học và công nghệ Nhật Bản:
http://www.mext.go.jp/…/shoug…/024/shiryo/attach/1310794.htm

5. “Luật khuyến khích hoạt động đọc sách của trẻ em” (Cổng thông tin chính phủ điện tử Nhật Bản):
http://www.mext.go.jp/…/spo…/dokusyo/hourei/cont_001/001.htm

6. “Luật chấn hưng văn hóa đọc” (Cổng thông tin chính phủ điện tử Nhật Bản):
http://law.e-gov.go.jp/htmldata/H17/H17HO091.html

Xem thêm cùng tác giả, dịch giả:

Mời xem video: