5 kiểu ngược đãi người khác bằng lời nói
- Ly Huỳnh
- •
Hầu hết chúng ta đều có thể dễ dàng nhận ra các trường hợp bị ngược đãi bằng lời nói trong cuộc sống hàng ngày. Đừng nghĩ rằng những lời nói ấy không làm tổn thương gì đến người khác, nhưng sự thật hoàn toàn trái lại. Cũng có những trường hợp bị ngược đãi bằng ngôn từ nhưng không dễ dàng nhận ra, và đôi khi chúng ta lại không xem nó như là một sự lạm dụng.
Bạn có thể nhìn thấy ở đâu đó quanh mình những đàn ông hay hét vào mặt vợ mình những câu đại loại như: “Nhanh đi bà già lề mề, không thì tự mà đi về sau nhá”, “Chỉ được cái ham ăn, nhiều chuyện còn lại thì không việc gì nên hồn”, “Não cô để đâu thế? Có vậy mà cũng quên còn làm ăn được gì nữa?”… hoặc dùng những từ ngữ mang tính đả kích để nói như “ngu”, “đần”, “dở hơi”, “điên”, “vô duyên”, “đồ ích kỷ”…
Khi chứng kiến những câu nói đó, có thể bạn sẽ nhận xét người đàn ông này đang bạo hành bằng lời nói và mình thật may mắn khi không rơi vào trường hợp như thế. Nhưng thật ra, không chỉ những câu nói mang tính tổn thương trực tiếp mới được cho là ngược đãi, mà còn có những tình huống người bị tổn thương không nhận ra mình bị bạo hành. Đôi khi phải rất tinh tế mới nhận ra được mình đang bị ngược đãi về lời nói. Có thể do không chú ý mà chúng ta xem đó là chuyện bình thường, nhưng bản chất bạo hành của những lời nói này vẫn được ghi nhận.
Dưới đây là 5 tình huống lạm dụng lời nói ít được chú ý đến, và nó gây tổn thương cho bạn một cách âm thầm.
1. Sự im lặng đáng sợ
Nếu người yêu của bạn đột nhiên xem bạn như không khí, không nhắn tin, không trả lời điện thoại, không có bất cứ phản ứng nào về sự tồn tại của bạn. Hoặc bạn đời của bạn hoàn toàn phớt lờ, không trả lời khi bạn hỏi, không nói một câu với bạn, đây cũng được xem là một dạng hành hạ về lời nói dù không có một lời nào được thốt ra, hoặc có thể gọi là hành hạ về tâm lý. Chúng ta có thể chỉ đơn giản nghĩ rằng họ đang giận dỗi và không muốn nói chuyện với mình, sau khi hết giận thì đâu sẽ vào đấy thôi. Nhưng nếu chuyện này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ dẫn đến những ảnh hưởng tâm lý đáng kể, nó cũng là một dạng ngược đãi cần phải chú ý.
2. Hành vi gây hấn thụ động (passive-aggressive)
Hành vi gây hấn thụ động là một dạng hành vi lặp đi lặp lại của việc biểu lộ cảm xúc tiêu cực một cách gián tiếp thay vì công khai giải quyết chúng. Có sự không nhất quán giữa lời nói và hành động hoặc giữa lời nói và suy nghĩ. Ví dụ khi bạn nộp một cáo báo lên cấp trên, sếp của bạn đọc và nhận xét rằng bạn đã làm tốt lắm, nhưng sau đó người này lại thêm vào câu rằng báo cáo của bạn cũng gần như hoàn hảo giống của một đồng nghiệp A nào đó trong công ty.
Ban đầu là một lời khen và sau đó kết luận bằng một sự xúc phạm rất tinh tế mà nghe qua tưởng chừng như không có tổn thương nhưng sẽ làm người nghe bối rối và cảm thấy mình trở thành người có lỗi.
Đôi khi hành vi gây hấn thụ động cũng ẩn chứa sự đố kỵ trong đó. Chẳng hạn khi một người bạn được bạn trai tặng một chiếc nhẫn trong khi bản thân mình thì vẫn đang trong hội độc thân và lời nhận xét kiểu như: “Chiếc nhẫn trông có vẻ được đó” hoặc “Mình tưởng viên kim cương phải to hơn chứ?” nghe qua thì thấy bình thường nhưng thật ra lại làm người nghe thấy rất khó chịu.
3. Suy nghĩ áp đặt
Áp đặt những đánh giá của bản thân lên người khác cũng là một dạng lạm dụng trong lời nói. Khi một người đánh giá người khác là “chưa chín chắn”, “hay thay đổi” hoặc “không đáng tin cậy” nhưng chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của mình mà không có cơ sở hoặc bằng chứng nào cả. Thường loại lạm dụng lời nói này sẽ rất bất công với người bị đánh giá, vì người nói không đưa ra được bằng chứng họ chỉ nói theo cảm nhận của bản thân, và thường thì cảm nhận sẽ đi theo hướng tiêu cực.
Có thể trong công ty, một người bị cho là “thiếu trách nhiệm”, “không nhất quán” hoặc “rời rạc”… đây chỉ là những áp đặt không căn cứ, vì nếu người đó thật sự thiếu trách nhiệm hoặc không nhất quán thì có lẽ đã bị phê bình và đánh giá một cách chính thức trong công ty.
Những lời nói áp đặt không bằng chứng cũng là một loại ngược đãi tâm lý người khác mà ít người nhận ra.
4. Thích thì đến không thích thì chia tay
Nếu người yêu của bạn cứ liên tục hành xử theo kiểu thích thì đến, không thích thì không đếm xỉa, biến mất khỏi cuộc sống của bạn mà không hề báo trước chỉ vì những khác biệt trong quan điểm hay không hài lòng về hành vi của bạn. Đó cũng là một loại hành vi gây tổn thương tâm lý nghiêm trọng.
Nhận định một cách đơn giản, việc chia tay đã chính là một tổn thương lớn và cứ lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ làm cho đối phương bị chênh vênh, căng thẳng, lo sợ mình sẽ làm sai làm mất lòng người yêu ảnh hưởng về mặt tâm lý.
5. Nói những vấn đề nhạy cảm về giới tính
Trong quan hệ tình cảm nam nữ, thì hành động bạn bị thu hút bởi một người khác trước mặt người yêu của mình cũng đã gây nên tổn thương cho cô ấy hoặc anh ấy. Do đó việc cố ý sử dụng lời nói, nói chuyện tình cảm hoặc bình luận về một người khác, nói về phụ nữ nóng bỏng hoặc cơ bắp của những người khác trước mặt người yêu của mình chính là việc gây tổn thương cho họ. Thường làm cho họ cảm thấy kém cỏi, tự ti, là hành vi gây tổn thương về mặt tâm lý, là sự lạm dụng bằng lời nói, ngay cả khi nó không có ý chủ đích làm thế.
Đừng nghĩ rằng bạo lực mới làm đau bạn chứ lời nói thì không bao giờ có thể tổn thương đến mình. Đó là một nhận định hoàn toàn sai, lời nói có thể làm tan nát tâm hồn con người từ bên trong, những tổn thương đó cũng nghiêm trọng như những vết thương bên ngoài cơ thể bạn. Với những nạn nhân bị lạm dụng lời nói trong một thời gian dài thì sẽ dẫn đến việc mất ý thức về bản thân cũng như mất niềm tin vào cuộc sống và họ dễ mắc bệnh trầm cảm, rối loạn lo âu… Do đó chúng ta nên cẩn trọng lời nói và thái độ để tránh làm tổn thương người xung quanh mình dù chỉ là vô tình.
Theo Psychology Today
Ly Huỳnh
Xem thêm:
Từ khóa bạo hành lời nói nghệ thuật giao tiếp lời nói