Bạn có dám loại bỏ sách giáo khoa để giúp con tư duy tốt hơn? Những ý tưởng của tác giả Neil Postman có thể là kỳ quặc hay cấp tiến, tùy vào nhận định của bạn.

cải thiện chất lượng giáo dục
(Ảnh: BalanceFormCreative/ Shutterstock)

Trong cuốn sách “The End of Education” (Tạm dịch: Sự kết thúc của giáo dục) xuất bản năm 1995, tác giả Neil Postman đã đưa ra rất nhiều ý tưởng gây tranh cãi. Cho đến tận bây giờ, có vẻ như vẫn chưa có ai áp dụng chúng vào thực tế. Những ý tưởng này có thể “điên rồ” nhưng biết đâu chúng lại là những phương án thú vị giúp cải thiện nền giáo dục? 

1. Giáo viên tráo đổi môn học với nhau

Đầu tiên, ông Postman muốn đội ngũ giáo viên phải bước ra khỏi vùng an toàn và thử thách bản thân với các môn học mới. 

“Chúng ta có thể cải thiện chất lượng giảng dạy chỉ sau một đêm nếu giáo viên toán được phân công dạy mỹ thuật, giáo viên mỹ thuật khoa học, giáo viên khoa học tiếng Anh”, ông nói.

Các giáo viên sẽ phải học như một người mới bắt đầu và họ buộc phải tự trau dồi để đi trước học sinh một bước. Cách làm này sẽ giúp họ thấu hiểu, đồng cảm và gắn kết với học sinh tốt hơn. Sau khi hiểu được những khó khăn của học sinh, giáo viên sẽ phải tìm cách đổi mới phương pháp dạy để giúp các em tiếp thu dễ dàng hơn. 

Mặc dù tác giả không đề cập đến điều này nhưng phương pháp trên còn có thể giúp giáo viên trở nên khiêm tốn hơn. Ngày nay, nhiều giáo viên khi đăng bài lên mạng xã hội, tương tác với báo chí hay trao đổi với phụ huynh và giáo viên, thường thể hiện thái độ “tôi là chuyên gia”. Chính vì thế mà ý tưởng và phương pháp của họ không bao giờ bị nghi ngờ. Tất nhiên, giáo viên có nhiều kiến thức mà người khác không có, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc họ nên bỏ qua sự khiêm tốn. 

2. Bỏ sách giáo khoa

Ý tưởng mang tính cách mạng thứ hai của ông Postman là “tiêu diệt” những cuốn sách bất khả xâm phạm của mọi giáo viên: sách giáo khoa. 

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến động thái quyết liệt như vậy từ tác giả là sách giáo khoa rất nhàm chán và vô nhân đạo. Mặc dù hình thức tổng hợp, ngắn gọn của sách giáo khoa có thể giúp giáo viên lên lớp dễ dàng hơn, nhưng những đặc điểm này lại khiến học sinh mất hứng thú.

Tệ hơn nữa, sách giáo khoa luôn yêu cầu học sinh phải làm theo những nhiệm vụ nhất định và phải suy nghĩ như cách người viết định hướng, ví dụ như miêu tả vẻ đẹp của nhân vật A, cảm nhận tính nhân văn trong sự kiện B. Học sinh buộc phải chuẩn bị một cái đầu trống rỗng để tiếp nhận những kiến thức này. Postman cho rằng một nền giáo dục không phụ thuộc vào sách giáo khoa, không có sự thiên vị với các sự kiện được giảng dạy sẽ giúp học sinh sáng tạo hơn, chăm chỉ xem xét nhiều khía cạnh của bài học hơn. 

“Đối với tôi, dường như sách giáo khoa là kẻ thù của giáo dục, là công cụ thúc đẩy chủ nghĩa giáo điều và việc học tầm thường. Chúng có thể giúp giáo viên tránh khỏi một số rắc rối, nhưng chúng reo rắc lời nguyền cho tâm trí học sinh”, ông Postman viết.

cải thiện chất lượng giáo dục
(Ảnh: Przemek Klos/ Shutterstock)

3. Biến học sinh thành thám tử

Khuyến nghị cuối cùng của Postman là tạo ra các lớp học giúp học sinh rèn luyện khả năng phân biệt giữa thực tế và quan điểm, sự thật và hư cấu.

Theo ông, nhiều giáo viên ngày nay khi giảng bài thường hiển nhiên coi những ý tưởng và quan điểm của họ là sự thật để học sinh vô tư tiếp thu. Ông cho rằng học sinh sẽ hình thành tư duy tốt hơn nếu giáo viên cố tình đưa ra những quan điểm trái chiều hoặc lỗi sai vào bài giảng để các em tự phát hiện ra. Điều này sẽ tạo động lực khiến học sinh phải nghiên cứu và thảo luận các ý tưởng khác với bạn bè rồi trình bày ở tiết học tiếp theo.

Các lớp học “thám tử” sẽ giúp học sinh cảm thấy phấn khích, thích thú, luôn cảnh giác để “bắt” lấy những ý tưởng mà các em tin là hợp lý. Phương pháp này dạy học sinh không nên tin tưởng vào mọi điều mà người có thẩm quyền nói với chúng, mà chúng cần phải kiểm tra xem những lời nói và hành động đó có đúng sự thật hay không. Đồng thời, các em cũng sẽ được cải thiện kỹ năng làm việc nhóm trong quá trình này.

“Cố gắng làm mới nhận thức của giáo viên về sự khác biệt giữa dạy và học, loại bỏ những sự thật được cho là hiển nhiên và hướng học sinh tìm kiếm các lỗi sai không phải là phương pháp giáo dục phổ biến nhưng tôi tin là nó có thể khiến học sinh hứng thú hơn với việc học”, ông Postman viết.

Bắt đầu thay đổi từ ngôi nhà của bạn

cải thiện chất lượng giáo dục
(Ảnh: Prostock-studio/ Shutterstock)

Có vẻ như những ý tưởng cấp tiến như vậy sẽ không bao giờ được đưa vào trường học? Đúng hoặc sai. Nền giáo dục sẽ không bao giờ thay đổi theo chiều hướng tốt hơn trừ khi chúng ta sẵn sàng đưa ra những ý tưởng sáng tạo, điên rồ, vượt ra ngoài những quy tắc hạn chế và sau đó mạo hiểm thực hiện chúng, không chỉ ở trường học mà còn ở cả ngôi nhà của chúng ta nữa. 

Vì vậy, hãy bắt đầu từ bước nhỏ trước. Bạn có thể nói với con những điều như không bao giờ là quá già để học hỏi. Chọn một bài trong sách giáo khoa mà con bạn đang học ở trường, chẳng hạn như “Chiến tranh cách mạng”, rồi bảo chúng thử đọc sách viễn tưởng lịch sử liên quan đến chủ đề này. Rất có thể, các con sẽ bị cuốn vào câu chuyện và thu nạp được nhiều kiến thức hơn cả những gì giáo viên dạy trên lớp.  

Cuối cùng, hãy huấn luyện con bạn luôn cảnh giác, đừng để bị cuốn theo những lời ngụy biện mà giới truyền thông và các chính trị gia đưa ra hàng ngày. Nếu bạn không chắc chắn về cách nhận ra những ngụy biện như vậy, hãy tham khảo cuốn sách “Thám tử ngụy biện” của Nathaniel và Hans Bluedorn. 

Chúng ta – những cá nhân bé nhỏ – hoàn toàn có thể cải thiện được nền giáo dục. Điều quan trọng là chúng ta cần phải sẵn sàng trở thành người tiên phong thực hiện những ý tưởng “điên rồ cấp tiến”.