Làm thế nào có thể giúp đỡ người khác bằng cách nói “Không”
- Thanh Mỹ
- •
Nếu bạn làm đúng, từ chối có thể là một món quà.
Khi một người xa lạ gửi thư điện tử xin bạn giúp đỡ, bạn sẽ làm gì?
Tôi không hỏi điều chúng ta muốn làm hay điều chúng là nghĩ là chúng nên làm.Tôi muốn hỏi điều chúng ta thực sự sẽ làm để giúp đỡ họ – nếu chẳng may đó là một ngày quá bận rộn, khi lời thỉnh cầu đến giữa vô vàn email, hoặc khi bạn không biết người đó là ai? Tôi nghĩ thật đơn giản khi xóa lá thư đó đi và tiếp tục công việc của mình. Còn các bạn thì sao?
Gần đây tôi đã khơi mào một cuộc tranh luận thú vị về câu hỏi này trên LinkedIn. Tôi là chủ đề chính của cuộc tranh luận đó. Một số người nghĩ cách xử lý của tôi rất ổn, nhưng một số khác cho rằng tôi thật hợm hĩnh và vô tâm. Nhưng tôi nghĩ rằng, là doanh nhân, chúng ta cần phải xác định rõ hơn thế nào là “giúp đỡ” người khác và hơn lúc nào hết, tôi tin rằng việc nói “không” cũng có thể là một cách giúp đỡ.
Đây là bài viết của tôi trên LinkedIn:
Tôi vừa nhận được một email ngắn từ một thanh niên 25 tuổi, nói rằng anh ấy “thực sự muốn làm được điều gì đó” trong cuộc đời mình. Anh ấy hỏi tôi:
“Liệu ngài có cách nào giúp tôi không? Tôi luôn luôn sẵn lòng giúp giúp đỡ lại ngài bất cứ việc gì có thể”. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những email như thế .
Tôi có phần cảm thông với chàng trai trẻ ấy – nhưng thực lòng mà nói, ai mà dành nhiều thời gian của họ cho một lá thứ ngắn ngủn và đơn độc như thế này thì chắc hẳn đó không phải là người mà bạn thực sự muốn xin sự giúp đỡ. Vậy nên tôi đã trả lời: “Cậu có ý tưởng tốt khi liên hệ với người khác. Nhưng đừng biến nó thành quan hệ mua-bán như thế này.”
“Nếu bạn liên hệ một người lạ chỉ đơn giản để xin họ giúp đỡ, thì không, họ sẽ không giúp gì hết, họ không có thời gian và sẽ không muốn làm gì cho thành công của bạn. Thay vào đó, hãy bắt đầu xây dựng mối quan hệ với họ. Hãy gửi email cho họ chỉ để nói rằng bạn thích việc gì đó họ đã làm.
Sau đó hãy tiếp tục làm vậy thêm một tháng nữa. Rồi bắt đầu bắt chuyện với họ. Kết nối với họ trên mạng xã hội. Hãy để họ biết đến bạn và sau đó họ sẽ sẵn lòng giúp đỡ bạn.”
Tôi chúc cậu ấy may mắn. Tệ thật, rất có thể cậu chàng sẽ tìm ra cách để xây dựng quan hệ với tôi!
Tôi đã chia sẻ lại câu chuyện lên mạng để truyền đi một lời khuyên mà tôi cảm thấy rất có giá trị:
“Đừng chỉ biết đến mỗi mua và bán, hãy tìm cách xây dựng các mối quan hệ.” Một số người trên LinkedIn tán thành quan điểm của tôi. Nhưng số khác lại cho rằng tôi thật ích kỷ! Một người chỉ trích:
“Mọi người nên giúp người khác tìm ra hướng đi. Đó được gọi là lòng tốt.”
Một người khác viết:
“Thay vì đưa cậu chuyện của chàng trai trẻ này lên mạng xã hội để đánh bóng bản thân, anh đáng ra cũng nên từng bước xây dựng mối quan hệ với cậu ấy”.
Phản ứng mạnh mẽ này khiến tôi cảm thấy bất ngờ. Tôi vẫn không rõ ý tưởng của họ là gì – chẳng lẽ mỗi lần tôi hoặc người nào đó nhận được thư điện tử từ một người lạ muốn xin giúp đỡ, chúng tôi lại phải bỏ dở công việc đang làm để tận tình giúp đỡ họ hay sao?. Chẳng lẽ khi ai đó thất bại trong việc tạo mối quan hệ với tôi hay bạn, chúng ta lại phải tự gánh trách nhiệm xây dựng mối quan hệ về phía mình hay sao. Tôi rất thích sống trong một thế giới như thế, nhưng thực tế chúng ta không sống trong thế giới đó. Điều đó là không thể. Bởi vì tất cả chúng ta đều quá bận rộn. Nếu chủ động giúp đỡ tất cả những người đến nhờ giúp đỡ như vậy thì tôi sẽ không bao giờ có thời gian làm công việc của mình. Chắc chắn là như vậy! Còn bạn thì sao?
Đó là lý do tại sao tôi trả lời cậu ấy theo cách của mình. Tôi muốn cậu ấy hiểu rằng những lá thư điện tử như thế này sẽ chẳng đi tới đâu. Cậu ấy cần phải thay đổi cách tiếp cận của mình! Cậu ấy cần xây dựng các mối quan hệ. Như vậy lần tới khi liên hệ với ai đó, cậu ấy có thể tăng thêm cơ hội tìm thấy sự giúp đỡ cho mình. Thực tế là, tôi đã giúp cậu ấy bằng cách giải thích lý do nói “không”. Và giờ tôi muốn dõng dạc mà tuyên bố rằng: giải thích tại sao lại nói “không” có rất nhiều lợi ích. Tất cả chúng ta đều có thể giúp đỡ người khác bằng cách nói “không”, miễn là sau đó chúng ta nói: “Đây là lý do…”
Tôi đã từng nhiều lần được mọi người giúp đỡ bằng cách nói “không”. Các ông chủ từ chối ý tưởng của tôi nhưng kèm theo một lời giải thích. Các nhà tuyển dụng cũng từ chối nhận tôi vào làm việc và giải thích lý do. Tôi nhớ hồi còn 22 tuổi, tôi đã từng mơ ước được viết bài cho tạp chí New Yorker. Cố gắng lắm tôi mới tìm được một cây viết của tờ New Yorker và xin anh ấy giới thiệu tôi với một trong những biên tập viên của tạp chí – một yêu cầu theo kiểu mua – bán không hơn không kém. Thay vì làm điều đó, anh ấy trước hết muốn xem bài viết mà tôi muốn gửi. Tôi đã gửi nó cho anh ấy. Anh giải thích rằng bài viết không phù hợp với tạp chí. Và rằng biên tập viên sẽ không coi trọng tôi nếu tôi là người gửi nó, và rằng anh ấy sẽ không gửi nó đi. Câu trả lời không ấy thực vô cùng hữu ích! Nếu anh ấy chỉ đơn giản là làm theo những gì tôi muốn, thì biên tập viên của tạp chí New Yorker sẽ cho bài viết của tôi vào sọt rác và có lẽ không bao giờ quan tâm tới tôi thêm một lần nào nữa.
Tôi vô cùng biết ơn về câu trả lời “không” ấy. Tôi cũng cảm kích nhiều lần “không” khác nữa!
Thay vì nói “không”, bạn có muốn nói “có” với người khác không? Nếu có thể làm được như vậy thì quá tốt! Hãy làm như thế! Hãy tử tế, giúp đỡ và quan tâm chú ý tới người khác bất kỳ khi nào bạn có thể. Cả tôi cũng làm như vậy nếu tôi có thể. Nhưng chúng ta cũng sẽ thu được tất cả lợi ích nếu giúp đỡ bằng cách nói “không… bởi vì”. Đừng sợ khi nói “không” với ai đó. Đừng cảm thấy tồi tệ vì điều đó! Đừng nghĩ rằng bạn đang làm hại họ, hoặc như thế là hợm hĩnh, là ích kỷ, hay là vô tâm. Nếu bạn nói “không” với một người nào đó và giải thích lý do với họ, thì bạn đang giúp họ làm tốt hơn trong tương lai. Theo tôi đạo lý đơn giản là như vậy.
Trái lại, điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta làm theo cách của những người thích chỉ trích trên LinkedIn kia? Chúng ta cố gắng giúp đỡ mọi người khi chúng ta có thể, nhưng chúng ta sẽ không thể đáp ứng được tất cả mọi người. Nó sẽ quá sức với chúng ta. Và vì chúng ta sợ nói “không”, vì mặc định suy nghĩ rằng nói “không” là xấu, nên chúng ta không dám nói “không” mà thay vào đó là làm một điều tệ hại là: IM LẶNG. Chúng ta xóa email của người đó mà không trả lời. Chúng ta không phản hồi gì cả, chúng ta không chỉ bảo họ điều gì cả. Chúng ta sẽ để cho người đó mắc lại lỗi lầm hết lần này tới lần khác. Theo tôi đó mới chính là điều tàn nhẫn nhất!
Theo Entrepreneur/Jason Feifer
Thanh Mỹ biên dịch
Xem thêm:
Từ khóa kỹ năng giao tiếp kỹ năng sống kỹ năng mềm Từ chối