Cô giáo Julia Mooney ở quận Moorestown, bang New Jersey của Mỹ, đã dạy cho học sinh một bài học về thời trang thân thiện với môi trường bằng cách tự mình làm gương.

thời trang thân thiện môi trường, quần áo
(ảnh: Julia Mooney)

Vào ngày 3/8/2018, cô Julia đã mặc một chiếc đầm cài khuy màu xám để đi làm. Ngày hôm sau và hôm sau nữa, cô cũng vẫn mặc nó. Rốt cuộc cô đã mặc cùng chiếc đầm đó trong 100 ngày liên tiếp.

Do ở Mỹ, học sinh trung học không phải mặc đồng phục đi học, các em có thể tự do chọn trang phục mặc tới trường hàng ngày. Cô Julia muốn mọi người, nhất là các học sinh trung học của cô, nghĩ về thời trang theo một cách khác, và cách chúng ta đang sống trong một “văn hóa thừa thãi,” với tủ áo chật cứng các thứ không cần thiết.

Trong bài viết của tờ USA Today, cô đã nói:

Chẳng có luật nào ở bất cứ đâu ghi rằng chúng ta phải mặc một bộ quần áo khác nhau mỗi ngày. Tại sao chúng ta lại yêu cầu người khác làm vậy? Tại sao chúng ta lại đòi hỏi phải mặc đồ khác nhau mỗi ngày, mua thêm quần áo và tham gia vào văn hóa thời-trang-nhanh này?”

Ban đầu cô Julia không hề nói với các học sinh về thí nghiệm “một bộ đồ” này. Có người nhận ra vào ngày thứ hai, có người không. Không có buổi thảo luận nghiêm túc nào trong lớp cho tới sau một vài tuần, khi đó các học sinh tỏ ra đón nhận. Cô Julia cho biết các học sinh của cô rất đồng ý rằng chúng ta nên phán xét người khác dựa trên hành vi của họ chứ không phải trang phục.

Đây là vấn đề các học sinh phải đối mặt hằng ngày khi chúng 12, 13 tuổi. Khi chúng phải định nghĩa bản thân, chúng thường viện đến các thương hiệu hay những thứ phù phiếm như sự nổi tiếng trên mạng xã hội. Nhiều em tỏ ra thích thú khi có cơ hội được nói về sự vô nghĩa của những điều đó.”

thời trang thân thiện môi trường, quần áo
Chiếc đầm cô Julia đã mặc trong 100 ngày (ảnh: Julia Mooney)

Thậm chí một vài người trưởng thành cũng tham gia thử thách của cô Julia. Chồng cô, một giáo viên ở trường học khác gần đó, cũng mặc cùng chiếc quần kaki và áo sơmi xanh đen tới lớp suốt từ tháng 9/2018.

Cô Julia cho biết nhiều người lớn đã sẵn sàng cho điều này:

“Nhiều người chúng ta đang sống trong thực tại cuộc sống đầy áp lực và chúng ta mệt mỏi bởi phải trông xinh đẹp mọi lúc. Chúng ta không muốn trở thành những con tốt trong cái văn hóa tiêu dùng này, thứ văn hóa thời-trang-nhanh. Những lựa chọn thời trang của chúng ta có sức lan tỏa, việc nhân ra điều này thực sự cho chúng ta sức mạnh.”

Điều đã thúc giục cô Julia lúc ban đầu chính là mong muốn có lối sống giản đơn hơn. Trên website của mình, cô viết: “đã qua rồi thời phải đau lòng khi chọn quần áo mặc buổi sáng (rất hữu ích khi phải đưa 2 đứa trẻ đi học lúc 6h30).”

Tủ quần áo nhỏ cũng giúp tiết kiệm diện tích trong căn nhà khiêm tốn của cô. Nếu có thứ bị rách, cô sẽ vá lại bằng máy may của mình. Cô cũng rất chăm mặc tạp dề để giữ cho quần áo được sạch – một thói quen đã từng rất phổ biến thời xưa.

Thử thách mà tôi đặt ra là thế này: hãy suy nghĩ trước khi chúng ta mua, mặc, bỏ đi và mua lại mới. Chúng ta có thể mua quần áo dùng rồi hay không? Mua có trách nhiệm? Mua ít hơn? Học cách may vá một số thứ?… Hay chúng ta cứ mãi duy trì thứ văn hóa đánh giá con người dựa trên vẻ ngoài thay vì hành vi? Sẽ ra sao nếu chúng ta dành thời gian cố gắng trở thành con người tốt và lôi cuốn thay vì chỉ tốt ở vẻ bên ngoài?”

Bản thân Julia đã quay về những loại trang phục khác khi đi dạy ở trường, nhưng hiệu ứng cô tạo ra vẫn lan truyền. Cô cho biết mình không còn phải đắn đo khi mặc cùng một bộ đồ 2 ngày liên tiếp, và cô cảm thấy mình thể hiện bản thân nhiều hơn với chiếc tủ quần áo nhỏ hơn.

Cô chia sẻ với trang TreeHugger: “Tôi đang bày tỏ sự quan tâm tới sức khỏe của hành tinh chúng ta và những người đang sống trên đó, tí chú ý hơn vào cái tủ áo, đồng thời dành nhiều năng lượng hơn để yêu thương các con, nhẫn nại với học sinh và sống từng ngày.”

Thí nghiệm của cô Julia đã lan ra nhiều nơi và thu hút nhiều người bàn luận, với tag #OneOutfit100Days trên Instagram.

>> Người Mỹ nghĩ gì khi người Trung Quốc bỏ 800 đô để mua một bộ quần áo?

Xu hướng thời trang bền vững

Thời trang bền vững là từ để chỉ xu hướng mặc quần áo được sản xuất thân thiện với môi trường, mua ít hơn nhưng có chất lượng cao hơn, mặc chúng thường xuyên hơn và tái chế sau khi sử dụng.

Từ lâu ngành may mặc đã chịu nhiều chỉ trích vì sự phung phí, mà không chỉ từ các nhà hoạt động môi trường. Nhà thiết kế thời trang hàng đầu của Mỹ, bà Eileen Fisher, đã gọi ngành của mình là kẻ gây ô nhiễm lớn thứ nhì thế giới, chỉ sau ngành dầu khí.

Thực sự là một ngành kinh doanh kinh tởm,” bà nói trong một sự kiện năm 2015 về môi trường. “Nó là một đống bừa bộn.”

Các nhà phê bình cho biết có nhiều quần áo được làm từ vật liệu gây hại cho người và môi trường. Các nhà sản xuất may mặc dùng nước thường bị nhiễm chất tẩy, chất hòa tan, axit, kiềm, thuốc nhuộm và nhựa cây.

Theo USA Today, TreeHugger,
Sơn Vũ tổng hợp