Trong môi trường giáo dục có tính cạnh tranh cao hiện nay, kinh nghiệm nuôi dạy con cái của Jimalita Tillman, một bà mẹ đơn thân ở Mỹ đã thu hút sự quan tâm của các bậc cha mẹ. Và cũng nhờ nguyên tắc dạy con “sắt đá” này, con gái của bà, Dorothy Jean, đã nhận được bằng tiến sĩ ở tuổi 18 và trở thành một học giả trẻ và nhà hoạt động xã hội đầy triển vọng.

 

View this post on Instagram

 

A post shared by Jimalita Tillman (@jimalita)

Theo tờ CNBC, quá trình học tập và phát triển của Jean rất tuyệt vời. Cô bắt đầu được giáo dục tại nhà từ năm 7 tuổi và tham gia các khóa học trung học từ năm 8 tuổi. Chỉ trong vài năm sau đó, cô đã lấy được bằng cao đẳng ở năm 10 tuổi, bằng cử nhân ở tuổi 12 và bằng thạc sĩ khoa học môi trường ở tuổi 14.

Vào năm ngoái, khi Jean 17 tuổi, cô đã lấy bằng Tiến sĩ về Sức khỏe Hành vi Tích hợp tại Đại học Bang Arizona, Hoa Kỳ. Và trong năm nay, cô gái 18 tuổi này không chỉ đã có kế hoạch cho tương lai của mình mà còn thành lập Viện Lãnh đạo STEAM Dorothy Jeanius để cung cấp các chương trình giáo dục cho thanh niên da đen ở Chicago.

Là một bà mẹ đơn thân, Tillman vừa tự hào lại vừa khiêm tốn khi thấy con gái mình đạt được những thành tích này khi còn nhỏ. Và bà cũng tin rằng một số nguyên tắc nuôi dạy con cái này đã giúp con gái phát triển tài năng của mình.

Những nguyên tắc giáo dục “sắt” mà bà Tillman đã áp dụng trong việc nuôi dạy con:

1. Đặt mục tiêu kỳ vọng rõ ràng

Bà Tillman khuyến nghị các bậc cha mẹ nên tạo ra một “hợp đồng kỳ vọng” với con mình để làm rõ các yêu cầu về học tập và giải trí. Ví dụ, con chỉ có thể xem TV sau khi hoàn thành bài tập về nhà hoặc con chỉ có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa nếu duy trì điểm số học tập tốt.

Bà nhấn mạnh: “Những yêu cầu đối với trẻ nhỏ cần rõ ràng, nhất là với trẻ có năng khiếu thì lại càng không được mơ hồ”.

Nghiên cứu cho thấy trẻ em có năng khiếu đặc biệt cần có những kỳ vọng và trách nhiệm rõ ràng. Cho trẻ tham gia vào việc thiết lập các quy tắc này sẽ giúp trẻ phát triển sự tự tin và động lực của bản thân. Đây đều là những điều rất quan trọng cho sự thành công lâu dài của trẻ.

2. Nuôi dưỡng tinh thần trách nhiệm và làm gương tốt

Bà Tillman tin rằng cha mẹ là tấm gương tốt nhất để trẻ học về trách nhiệm. Bà khuyên rằng: “Hãy có trách nhiệm với bản thân, thể hiện khía cạnh dễ bị tổn thương của mình trước mặt con cái, chỉ có như vậy bạn mới có cơ hội dạy con cách chịu trách nhiệm và hoàn thành nghĩa vụ của mình một cách tốt nhất”.

Hãy chia sẻ cởi mở với trẻ về những lúc chúng ta làm sai và cách khắc phục, điều này có thể giúp con học được bài học về việc biết chịu trách nhiệm khi trưởng thành. Ví dụ, xin lỗi con khi bạn mất bình tĩnh vì những chuyện nhỏ nhặt hoặc đến đón con muộn.

Nhà tâm lý học Cindy Graham cho biết: “Trẻ em có xu hướng bắt chước hành vi của người lớn, vì vậy những người chăm sóc cần thật cẩn thận về mọi hành vi, cử chỉ và lời nói của mình, có như vậy mới có thể làm gương cho con mình một cách tốt nhất”.

3. Có đức tin

Tillman nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tin, cho dù đó là đức tin tôn giáo hay niềm tin vào một tương lai tốt đẹp hơn. Cả bà và con gái đều tích cực tham gia các hoạt động ở nhà thờ.

Duy trì thái độ tích cực và lạc quan có thể nuôi dưỡng sự tự tin của con trẻ. Nhà tâm lý học giáo dục Michele Borba cho biết sự lạc quan có mối tương quan chặt chẽ với thành công. Trước khó khăn, những đứa trẻ nói rằng “mình sẽ tiếp tục cố gắng” có nhiều khả năng thành công hơn những đứa trẻ dễ dàng bỏ cuộc.

4. Tránh so sánh không phù hợp

Các nhà tâm lý học trẻ em khuyên các bậc cha mẹ không nên sử dụng thành tích của người khác để động viên trẻ mà hãy nhớ rằng mỗi đứa trẻ đều phát triển theo tốc độ riêng của mình.

Nhà nghiên cứu về nuôi dạy con cái Jennifer Breheny Wallace cho biết việc so sánh thường xuyên có thể phản tác dụng và khiến trẻ cảm thấy thấp kém.

Tillman khẳng định rằng bà không bao giờ so sánh thành tích của Jean với người khác. Bà cũng hy vọng rằng các bậc cha mẹ khác không nên so sánh con mình với Jean.

Bà nhấn mạnh: “Đừng nói với con rằng ‘Con phải như thế này, thế nọ’. So sánh sẽ làm mất đi lòng tự trọng và sự tự tin của trẻ. Chúng ta chỉ nên nghĩ cách giúp trẻ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.”

Mỗi người đều có những nguyên tắc nuôi dạy con của riêng mình, tuy nhiên điều cốt lõi cần làm vẫn là: Tôn trọng tính cách của con, đưa ra hướng dẫn rõ ràng, làm gương dẫn dắt, duy trì thái độ tích cực với cuộc sống và cho phép con cái lớn lên khỏe mạnh với tình yêu thương và sự hỗ trợ của cha mẹ.