Tinh giang ho Sai Gon 02

Không đánh kẻ đã thất thế, “té ngựa”. Có lỗi, hễ xin lỗi thành thật, thì bạn bè thông cảm, bỏ qua. Đã là bạn, nói chuyện bình đẳng, như người dân bình thường, không ưa kẻ xưng chức tước, quan quyền. Người giàu phải giữ thái độ khiêm tốn trước bạn bè, tự xem như “kẻ nhà nghèo” nhưng có nhiều tiền hơn bạn mà thôi. Nhiều ràng buộc phong kiến đã bị xóa, không như việc làm ruộng ngày nào ở nông thôn.

Tình nghĩa bạn bè gắn bó hữu cơ với sinh kế, tạo sự cân bằng về tâm thần, khiến người tha phương bớt nhớ nhà. “Ở đâu ta có nhiều bạn bè là quê hương ta ở đó”. Tin vào bạn, làm cho bạn tin cậy mình. Sống với bạn, nhận xét bạn qua cảm tính.

Ở khu vực giao lưu, dễ tìm bạn bè, vì bạn tìm đến ta và phải tìm đến nhà bạn. “Bà con một xứ”, do tình cờ nhận ra: người cùng sinh quán, cùng một dòng sông, chợ làng. Dịp đám giỗ, ăn đầy tháng cho con, đám cưới, mặc dầu bạn học hành ít, quần áo lôi thôi, phải mời đến, trân trọng, dành riêng chỗ ngồi, như người trong gia đình. Lại còn bà con, cùng đầu ông cố, hoặc cháu của người đã kết tình thông gia với người bà con! Ruột thịt, thân mến, còn là người hào hiệp đã giúp đỡ, hồi thuở mình mới lên Sài Gòn, tuy sau này ít gặp nhau. Thời trước, thay đổi nơi cư trú là chuyện dễ dãi về thủ tục hành chánh. Lắm người lên Sài Gòn chừng mười năm mà cư trú thay đổi cũng mười lần, lý do là nhà mướn, chủ nhà đòi lại, hoặc khá giả hơn dời chỗ, hoặc suy sụp, bán nhà tốt để tìm nơi cất tạm ngôi nhà nhỏ cho hợp với túi tiền. Vì sinh kế, thời trước lắm người không nghèo mà thích sống chật hẹp dưới gầm cầu, che lều trong ngỏ hẻm, hoặc mua chiếc thuyền nát, trên bãi bùn. Ở gần chợ hoặc trung tâm dịch vụ, dễ chọn nghề, đúng thời cơ, rủi thất nghiệp, bạn bè dễ tìm để giới thiệu chỗ làm. Gần nơi làm việc, tha hồ thức khuya, dậy trễ, không tốn thời giờ và sở phí di chuyển, mướn một xó vừa đủ để đặt chiếc ghế bố, ngủ xong xếp gọn lại. Hoặc cả nhà vợ con ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều ở quán, để tối gom về… Ít tốn kém hơn là nấu cơm, cả gia đình ăn chung. Lại còn người từ Gò Vấp, Hóc Môn, Thủ Đức, Tân An, thậm chí từ chợ Mỹ Tho đến Sài Gòn làm việc, ở những sở ổn định, đôi ba ngày về nhà một lần, buổi trưa tạm nghỉ ở nhà bạn. Bạn bè là người giúp đỡ trực tiếp. Trong tình hình giá cả rượu và thức ăn chẳng quá cao, ai cũng dễ tỏ ra hiếu khách. Gặp gỡ dịp đám cưới, đám giỗ, thường hỏi địa chỉ nhau. Đây chẳng phải là thực dụng vụn vặt, nhưng là sự cần thiết để lo cho ngày mai. Trong tình hình Sài Gòn đang mở mang, tạo thêm dịch vụ, cần nhân công đáng tin cậy, cần người quản lý, lắm khi người chủ cơ sở chỉ biết tin cậy vào bạn bè. Lắm người quen thân nhưng chưa giúp ta được gì, trong dịch vụ nào đó, trong khi người mới quen lần đầu lại đầy đủ khả năng. “Thương người như thể thương thân”. Mình giúp anh A, xem như anh A chẳng bao giờ được dịp giúp trở lại, trong khi anh vừa quen, sẵn sàng giúp mình vô điều kiện. Trong bước đường lưu lạc, qua guồng máy kinh tế phức tạp của Sài Gòn, gặp một cơ hội tốt, là thừa khả năng cải thiện đời sống, nên cửa nên nhà.

Mỗi người cố giữ tư cách, giữ chữ tín. Giá trị con người là ở hành động, việc làm, nào phải ở lý thuyết suông. Rất ghét những người nói nhiều mà làm không được, “năng thuyết bất năng hành”. Bạn thân, người cùng nghề, phải giữ “đạo nghệ”, “điệu nghệ”, – một từ khó truy nguồn gốc. Đạo nghĩa, đạo ngãi là việc nhơn ngãi. Theo Huỳnh Tịnh Của, chữ “Nhà nghề” được giải thích là người lái buôn. “Đạo đi buôn” là nghề buôn bán, phận sự kẻ đi buôn phải làm thế nào.

Có câu ca dao nay ít phổ biến: “Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn. Xuống biển lên nguồn, gạo chợ nước sông”. Ta còn nghe mấy tiếng “điệu nghệ giang hồ”, thái độ hào hiệp, không thành văn bản mà người trong cuộc phải tuân theo. Đại khái, khi đi trên sông lớn, đi biển, gặp chiếc thuyền bất cứ của ai kêu cứu, phải lập tức đến giúp đỡ ngay, cứu vớt vô điều kiện. Có “điệu nghệ” của giới xe đò, giới đua ngựa, ăn mày, tiểu thương…

Gặp mâu thuẫn gay gắt, khó xử, dùng biện pháp thô lỗ, đánh đấm nhau, nhưng sâu sắc nhứt vẫn là đến chùa miểu, thề một tiếng rồi bỏ qua. Tòa án của thế tục không công bình như tòa án của lương tâm, của người khuất mặt (Thần thánh).

Bạn bè kết nghĩa ngày xưa, thường gia nhập Thiên Địa Hội, Hội kín. Nhìn ra láng giềng, ta thấy khi thực dân Tây phương chia nhau quyền lợi ở Trung Hoa, mở thêm dịch vụ thì tại Hương Cảng và Sin-ga-po Thiên Địa Hội gặp môi trường phát triển hơn bao giờ hết. Kiểu hội kín ấy lan tràn đến Việt Nam, nhứt là Sài Gòn – Chợ Lớn, với làn sóng nhập cư của người Hoa và thực dân Pháp cố ý dung túng. Những “cái bang”, từng nhóm nhỏ kết nghĩa với nhau, thề “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly” kiểu “Đào viên kết nghĩa” trong truyện Tam Quốc. Những nhóm nhỏ này liên kết, do bộ máy bí mật chỉ huy. Nào nhóm Kèo Xanh, Kèo Vàng (còn gọi Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa) lắm khi kình chống nhau, trên lý tưởng là đánh đổ người Tây phương, nhưng lần hồi suy thoái, chỉ còn mục đích cấu kết nhau để nắm độc quyền về thương mại, thầu dịch vụ bốc xếp ở bến tàu, yểm trợ bọn chủ xe đò, nắm độc quyền ngành ăn uống, khách sạn. Ai muốn có sở làm, phải vào hội, người cầm đầu một nhóm nhỏ lãnh chức “đại ca”. Khi không còn sức mạnh để đánh Ảo thực dân, họ trở thành những nhóm anh hùng hảo hớn, gây náo loạn, gọi nôm na là bọn du côn. Họ sẵn sàng đâm chém, trả thù cho phe nhóm, lính cảnh sát ít khi can thiệp vì là chuyện nội bộ…

Không phải là thổi phồng sự thật khi Nguyễn Liên Phong ghi lại, vào những năm 1909: “Du côn lắm kẻ bạo tàn. Xung quanh Chợ Lớn nhảy tràn đảng phe. Trong mình thích tự (xăm mình), không ghê. Củ chì, tay sắt, lưỡi lê dòm rình. Thừa cơ ngộ sự bất bình. Hừng hừng nổi giận đánh inh giữa trời. Rủi may sống chết như chơi. Coi nơi Khám Lớn ví như cửa nhà”. Sài Gòn – Chợ Lớn mất trật tự, xảy ra tình trạng vô chính phủ ở từng khu vực, từng thời điểm, bọn cảnh sát bị uy hiếp hoặc bị mua chuộc, gây hoang mang cho những người lương thiện. Thậm chí những người thợ ở Sở Ba Son, sau khi lãnh lương, cũng bị giới “anh chị” chận đường, bắt buộc đãi đằng ăn nhậu. Viên Thống đốc Nam Kỳ lúc bấy giờ chẳng biết dựa vào cơ sở pháp lý nào; đâm chém, gây náo loạn ngoài công lộ chỉ là tội vi cảnh, phạt vạ, vì theo “luật giang hồ”, những người trong cuộc đều tự nguyện bãi nại trước pháp luật. Rốt cuộc, giới Tư pháp ở Sài Gòn đã tìm cách định nghĩa: Thế nào là du côn (vagabondage)? Gán tội trạng ấy cho ai? Kết luận là nên trừng trị những người không gia cư nhứt định. Giới “anh chị” ứng phó lại dễ dàng, nhờ bà con bạn bè chứng dùm nơi cư trú (ở đậu), tìm những cơ sở của tư nhân, nơi tuyển mộ nhơn công, để xin giấy chứng nhận là xong.

Trong một thời gian dài, lúc khủng hoảng về hệ tư tưởng yêu nước, lớp nghèo thành thị, giới sản xuất nhỏ, tuy sợ sệt nhưng vẫn thán phục vài thành tích của vài “anh chị”. Thơ bình dân ca ngợi hành động anh hùng cá nhân của Năm Ty, Sáu Nhỏ, Sáu Trọng được phổ biến, theo thể lục bát, do người mù đờn độc huyền.

Thiên Địa Hội hồi tàn lụn, phân hóa, vì chẳng còn nội dung rõ rệt. Lần hồi thiểu số cầm đầu trở thành tay sai của bọn tài phiệt (giới thầu dịch vụ bốc xếp ở cảng hoặc nhà máy, giới chủ xe đò); thậm chí lắm người lại tình nguyện qua Pháp để làm thợ không chuyên, phục vụ quân đội của mẫu quốc để đánh nước Đức, miễn là đi xa cho “thỏa chí tang bồng”. Bọn đại ca bắt buộc tay em cung phụng rượu thịt, chỉ vì quen thói hưởng lạc. Việc “ăn nhậu trước kia là hình thức, là phương tiện để hoạt động” đã trở thành nội dung thô bỉ của sự kết nghĩa, giành xôi thịt, rồi gây sự để đâm chém; lâu ngày không đâm chém là tự cảm thấy vô dụng, thiếu lý do để tồn tại.

Khi có phong trào Nguyễn An Ninh, những cuộc bãi công tự phát của giai cấp công nhân […] ra đời thì các hội kín mới tàn lụn. Xa họ hàng, ở nơi mà công ăn việc làm đa dạng, thì Trời Phật chiếu cố cũng không bằng bạn bè giúp đỡ trước mắt. Thái độ hiếu khách xuất phát từ cơ sở tâm lý ấy. Người tạm thời thất nghiệp sống nhờ vào bạn mà không tự ti, vì “thiên sanh nhơn hà nhơn vô lộc”. Nuôi bạn, xem như phận sự. […] Dầu cho khác thế đứng, ai đi đường nấy, nhưng bạn bè sẵn sàng giúp nhau, làm hết sức mình. Làm việc trong hàng ngũ ngụy quyền, nhưng con cháu xa gần, từ miền quê đến, vẫn được chăm sóc tìm hoạc giúp sở làm, bao che. Bạn bè vừa mãn tù, phải đến thăm lập tức, đó là lòng chung thủy.

Lúc tang khó, thăm viếng nhau, thành thật, không vụ lợi. Người Việt cúng chùa người Hoa ở Chợ Lớn, người Hoa cúng chùa người Việt hoặc viếng Lăng Ông Bà Chiểu, đình làng, dịp lễ hội hằng năm. Một số chùa Việt Nam phía Chợ Lớn được trùng tu khá tráng lệ, nhờ vào sự đóng góp đáng kể của người Hoa, người Minh Hương, nhất là của các bà, các cô người Việt lấy chồng người Hoa.

Đình Minh Hương Gia Thạnh (Chợ Lớn) gốc là trụ sở hành chánh của làng Minh Hương cũ. Theo cơ chế từ chúa Nguyễn đến nhà Nguyễn, giới Hoa lai Việt được tự quản về thuế khóa, xử kiện hòa giải nội bộ. Người Minh Hương được quyền thi cử, làm quan, như Trịnh Hoài Đức từng giữ chức vụ tri huyện phủ Tân Bình (Sài Gòn – Phú Nhuận), quyền Tổng trấn Gia Định Thành, Hiệp Tổng trấn Gia Định Thành (chăm sóc hành chánh kinh tế), Thượng thơ Bộ lại. Ông soạn ra bản hương ước cho làng Minh Hương vùng Sài Gòn – Chợ Lớn. Pháp đến, giải tán cơ chế làng Minh Hương, từ đó, trụ sở cũ trở thành ngôi đình thờ Nguyễn Hữu Cảnh (kinh lược đầu tiên ở Nam bộ), Trần Thắng Tài (người Hoa lập ra cảng cù lao Phố) và Trịnh Hoài Đức. Trong đình, còn liễn đối, bút tự của Trịnh Hoài Đức. Có câu ca dao: “Gỏi chi ngon bằng gỏi tôm càng. Đố ai lịch sự bằng làng Minh Hương” (lịch sự, theo nghĩa có văn hóa, giữ thuần phong mỹ tục). Dịp bầu cử hương chức, bày ra lệ ăn uống. Bắt đầu vào cuộc. Ăn bánh hỏi với thịt heo quay, ngụ ý hỏi ý kiến, đặt vấn đề. Bầu cử chưa xong, ăn bánh xèo (chơi chữ, xèo là teo lại, thất bại), bầu xong, kết quả tốt, ăn suôn, thời xưa là bún, rau, ăn với nước tôm càng và tôm càng bằm nhỏ. Nay cơ ngơi còn trang trọng, dáng bảo tồn.

Sơn Nam

Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm

Xem thêm: