Ngày nay ở Nam bộ, những cụ già có tuổi nhưng vẫn theo lớp trẻ đến cùng được xem là “chịu chơi” và được gọi là “Ông già Ba Tri”. Thực ra trong quá khứ, câu thành ngữ này dùng để chỉ người có tuổi nhưng vẫn theo đuổi đến cùng để đạt được công lý, không bỏ cuộc giữa chừng. Thành ngữ “Ông già Ba Tri” xuất phát từ một câu chuyện có thật thời vua Minh Mạng.

Nguồn gốc thành ngữ “Ông già Ba Tri” của người Nam bộ
(Tranh minh họa: Họa sĩ Sỹ Hòa, Báo Bình Phước Online)

Chợ Trong của làng An Bình Đông

“Ông già Ba Tri” có tên thật là Thái Hữu Kiểm ở làng An Bình Đông (nay thuộc thị trấn Ba Tri, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Theo tài liệu thì dòng họ Thái Hữu thì có ông Thái Hữu Xưa cùng đoàn người xuôi thuyền vào nam, đến Ngao Châu (Ba Tri ngày nay) từ năm 1742.

Ông Thái Hữu Xưa có công khai phá đất hoang, lập làng An Bình Đông. Năm 1787, Nguyễn Phúc Ánh khi chạy trốn quân Tây Sơn có ghé qua nơi đây và được dân làng giúp đỡ rất nhiều. Cháu nội của Thái Hữu Xưa là Thái Hữu Kiểm khi ấy còn nhỏ, nghe lời cha, tận tình hàng ngày đưa cơm nước đến cho Chúa, nên sau này có uy tín lớn nhất trong làng, dân làng thường gọi là ông Cả Kiểm.

Làng An Bình Đông ngày càng đông đúc dân cư, ruộng đồng mở rộng, dân chúng có nhu cầu mua bán trao đổi hàng hóa. Năm 1806, ông Kiểm lập chợ An Bình Đông, dân chúng quen gọi là Chợ Trong để phân biệt với Chợ Ngoài ở làng An Hòa Tây. Sau khi lập chợ, ông Kiểm lại kêu gọi dân chúng đắp hai con đường để đi lại thuận lợi.

Từ đó dân các nơi đến chợ ngày càng đông, thuyền ghe cũng tấp nập ghé đến. Chỉ trong một thời gian ngắn mà Chợ Trong trở thành nơi mua bán phồn thịnh, sầm uất.

Quyết kiện lên Vua vì quyền lợi của làng

Trong khi Chợ Trong đông đúc thì Chợ Ngoài ở làng An Hòa Tây do ông Xã Hạt dựng lên trở nên thưa thớt. Ông Xã Hạt trước đây cũng có công lao cõng Chúa khi Nguyễn Phúc Ánh lánh nạn tại đây, nên cũng rất có uy ở địa phương. Xã Hạt cho rằng Chợ Trong chính là nguyên nhân khiến Chợ Ngoài ế ẩm, liền cho dân làng mình rình đốn cây đắp đập ngăn rạch khiến ghe thuyền không đến Chợ Trong được.

Ông Cả Kiểm cho họp dân làng rồi quyết định làm đơn kiện, dân làng ký vào rồi đưa lên quan địa phương. Tuy nhiên từ quan huyện đến quan phủ đều không có ý xử, bác đơn kiện, nói rằng các con đập này đều được đắp ở làng An Hoà Tây thì không liên quan gì đến làng An Bình Đông.

Ông Cả Kiểm cho rằng quan không công minh, kiện đến quan phủ không được thì ông quyết kiện lên cấp cao hơn ở Kinh thành, rồi quyết định đưa đơn kiện đến tận vua Minh Mạng.

Ông Cả Kiểm cũng thuyết phục được 2 lão làng khác là Tham trưởng Nguyễn Văn Tới và Hương trưởng Lê Văn Lợi cùng mình ra Kinh thành Phú Xuân để kiện trực tiếp lên Vua.

Ba cụ già đi bộ vượt ngàn cây số đến Kinh thành

Bấy giờ để đi đến Kinh thành thì phải đợi một thời gian đến khi có gió nồm (tứ gió thổi từ phương nam) thì mới lên thuyền đi biển được, nhưng như thế là quá lâu. Ba ông cụ quyết định phải đi đường bộ, chuẩn bị cơm nước rồi nhanh chóng khởi hành.

Đường bộ đến Kinh thành Phú Xuân xa cả ngàn cây số, thời đấy giao thông đường bộ rất khó khăn, phải vượt qua rừng hoang, đồi cao, đồng vắng và cả thú dữ. Nhất là khu vực Khánh Hòa và Binh thuận rất ít người qua, dân thời đấy còn có câu rằng: “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”.

Nhiều người khuyên 3 cụ không nên đi, vì khó khăn như thế mà tuổi của các cụ cũng cao rồi. Thế nhưng ba cụ quyết dù sức tàn lực kiệt cũng phải đi chuyến này.

Với quyết tâm sắt đá, cuối cùng 3 cụ vượt qua con đường xa ngàn cây số để đến được Kinh thành Phú Xuân. Có tài liệu ghi thời gian đi là 3 tháng, cũng có tài liệu ghi là 6 tháng.

Vua Minh Mạng cho gọi cả 3 cụ vào để hỏi rõ chuyện, rồi tuyên rằng: “Dù làng riêng nhưng rạch chung, phủ, huyện phải cho phá đập”, rồi lệnh cho các quan địa phương phải cho phá ngay những con đập ngăn kênh rạch này. Rồi Vua thưởng cho 3 ông cụ một số tiền lộ phí để trở về.

Từ đó Chợ Trong còn có tên gọi là Chợ Đập lại đông đúc tấp nập như xưa. Dân chúng cũng khâm phục nghị lực và quyết tâm của cụ Cả Kiểm, sau đấy gọi ông là “Ông già Ba Tri”.

Cụ Cả Kiểm có người vợ làm nghề dệt lụa, làm nên thương hiệu “lụa Ba Tri” nổi tiếng một thời

Sau này “Ông già Ba Tri” trở thành một thành ngữ, ý chỉ người cao tuổi có ý chí nghị lực phi thường, vì chân lý mà không bỏ cuộc giữa chừng, quyết làm bằng được.

Ba Tri cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt” ở Nam bộ, nơi sản sinh ra nhiều bậc danh sĩ như Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Võ Trường Toản, v.v…

Về câu chuyện “Ông già Ba Tri”, nhà thơ Nguyễn Liên Phong đã tóm tắt câu chuyện này bằng thể thơ lục bát như sau:

Thuở ấy làng An Hòa Tây
Có ông Xã Hạt dựng gầy thị trung
Thường thường quy tụ cũng đông
“Chợ ngoài” tên đặt kêu dùng đã lâu
Khéo cho tạo hóa cơ cầu,
Khiến ra thay đổi biển dâu cuộc đời
An Bình Đông xã một nơi
Có cây đa lớn nghỉ ngơi bộ hành
Bán buôn hàng vặt rập rình,
Kẻ ngồi người đứng thích tình không đi
Ông cả Kiểm, thấy chuyện kỳ
Tới nơi cây ấy lập vi thị truyền
Chỗ nhằm cuộc đất linh thiêng
Như ai xuôi giục người riêng tấm lòng
Càng ngày càng thạnh càng sung
“Chợ ngoài” thưa nhóm, túng cùng nổi sân
Bốn cây đắp đặp cản ngăn
Không cho ghe cộ vào băng An Bình
Gây ra cừu oán đấu tranh
Kiện nhau tới tỉnh sự tình lôi thôi
Thế thần ông Hạt có rồi
Kiểm, bèn toan liệu với đôi ông Làng
Kinh đô ta kiếp băng ngàn
Ngự tiền trạng bạch ngai vàng xử phân
Châu phê đập chẳng khá ngăn
Cho ghe buôn bán dễ dân ra vào
Phước phần trời đã định tra
Ông Thái Văn Kiểm phú hào vĩnh vi
Tục ngữ rằng già Ba Tri
Ấy là minh chỉ vậy thì Thái ông
Kiện cho thấy mặt cữu trùng
Trong trào, ngoài quận người đồng ngợi danh

Trần Hưng

Xem thêm:

Mời xem video: