‘Gã khổng lồ’ công nghệ Trung Quốc Huawei vừa công bố bước đột phá trong quá trình phát triển hệ điều hành của mình. Trong vài năm nay, Huawei đã bị Mỹ trừng phạt do có mối quan hệ chặt chẽ với chính phủ và quân đội Trung Quốc, gây ảnh hưởng nặng nề đối với hoạt động của công ty. Có nhận định cho rằng sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đằng sau Huawei là yếu tố quyết định khiến hãng này dường như đã trỗi dậy trở lại – bất chấp lệnh trừng phạt của Mỹ.

r shutterstock 1208286232
Một cửa hàng thương hiệu Huawei ở Kyiv, Ukraine, ngày 20/10/2018 (Ảnh: viewimage/Shutterstock)

Chủ tịch Dư Thừa Đông (Yu Chengdong) của Huawei cho biết tại “Hội nghị nhà phát triển Huawei 2024” tổ chức tại Đông Hoản – Quảng Đông vào ngày 21/6, rằng hệ điều hành HarmonyOS NEXT (phiên bản tiếp theo của HarmonyOS) của Huawei đã chính thức ra mắt thử nghiệm beta dành cho nhà phát triển: “HarmonyOS NEXT đã tạo ra một bước đột phá lớn… Chúng tôi đã dành thời gian 10 năm, trong xây dựng công nghệ cốt lõi vận hành độc lập đã đạt được thành tựu hơn 30 năm của các doanh nghiệp châu Âu và Mỹ”; “HarmonyOS NEXT là quá trình tự nghiên cứu toàn diện [của Huawei], từ nhân hệ điều hành, hệ thống tệp, ngôn ngữ lập trình, trình biên dịch, khung lập trình, đến hệ thống thiết kế, môi trường phát triển tích hợp, khung AI và các mô hình lớn”.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, quý I năm nay HarmonyOS đã trở thành hệ điều hành lớn thứ hai Trung Quốc với thị phần 17,95%, vượt qua con số 14,8% của Apple iOS (đứng đầu là Android với 67,2%).

Nhưng giới trong ngành tin rằng vấn đề lớn nhất của hệ điều hành này không phải là công nghệ mà là hệ sinh thái: phạm vi phủ sóng và số lượng người dùng ứng dụng HarmonyOS. Để đạt được mục tiêu này, Chủ tịch Gong Ti của Bộ phận Phần mềm Terminal BG của Huawei cho biết: “Nếu hệ sinh thái thành công, HarmonyOS sẽ thành công”.

Tính đến cuối năm 2022, App Store có hơn 1,78 triệu ứng dụng, ngành này ước tính số lượng ứng dụng Android trên Google Play là hơn 2,5 triệu; đối với hệ điều hành HarmonyOS, mặc dù đã được sử dụng trên hơn 900 triệu thiết bị, nhưng hiện chỉ có hơn 1500 ứng dụng được đưa lên kệ.

Trong bối cảnh hệ điều hành HarmonyOS đã thực hiện một bước quan trọng hướng tới thương mại, hoạt động của Huawei cũng đang được phục hồi. Báo cáo tài chính năm ngoái cho thấy Huawei đạt doanh thu bán hàng toàn cầu là 704,2 tỷ nhân dân tệ, tăng 9,64% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng là 87 tỷ nhân dân tệ, tăng 144,4% so với cùng kỳ năm trước.

Một bài viết dài được tuần báo tin tức The Economist của Anh đăng tải ngày 13/6 cho biết, từ năm 2012 Mỹ đã đưa Huawei vào danh sách đen với lý do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể sử dụng Huawei để tham gia vào các hoạt động gián điệp; đến 2020 đa số công ty Mỹ phải ngừng quan hệ với Huawei, không được bán chip hay thiết bị khác sử dụng công nghệ của Mỹ cho Huawei. Mỹ cũng đã thuyết phục các đồng minh không sử dụng thiết bị Huawei trong mạng di động của họ.

Bài báo cho rằng do thiếu chip nên hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei bị ảnh hưởng nặng nề, đến mức “mất tung tích” vào năm 2020. Không chỉ vậy, hơn chục nước đồng minh của Mỹ cũng loại Huawei khỏi các hợp đồng mạng 5G, khiến doanh thu của Huawei giảm 30% trong năm 2021, khiến lợi nhuận ròng năm 2022 giảm mạnh 70%. Người sáng lập Huawei là Nhậm Chính Phi xúc động nói rằng Huawei phải đấu tranh để sinh tồn: “Nếu sống sót, chúng tôi sẽ có tương lai”.

Nhưng sau vài năm, Huawei không chỉ sống sót mà còn phát triển mạnh trở lại. Trong quý đầu tiên năm nay, lợi nhuận ròng tăng 564% so với cùng kỳ lên 19,7 tỷ nhân dân tệ. Huawei cũng đã tái gia nhập lĩnh vực kinh doanh điện thoại di động, phản ảnh Mỹ đã thất bại trong việc đánh bại Huawei mà thay vào đó lại khiến hãng này trở nên có khả năng tự chủ mạnh mẽ hơn.

Chuyên gia Tạ Điền (Xie Tian) về các vấn đề kinh tế Trung Quốc và là giảng sư tại Trường Kinh doanh Aiken của Đại học Nam Carolina, cho biết bài báo “Vụ ám sát Huawei của Mỹ đang phản tác dụng” (America’s assassination attempt on Huawei is backfiring) của tờ Economist như có ý tâng bốc Trung Quốc, tuy nhiên ông nói rằng mặc dù Huawei còn trụ được nhưng về cơ bản cũng đã bị triệt tiêu dần. Ông cho biết vào thời điểm đó, thị trường điện thoại di động Android của Huawei đã chiếm vị trí thứ nhất và thứ hai về thị phần thế giới. Giờ đây, điện thoại di động Huawei đã rơi khỏi top 5 từ lâu, vì vậy không thể nói Huawei hồi phục được. Ông nhấn mạnh rằng Huawei đã dựa vào sự hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc để đạt được tình hình hiện tại.

Ông Tạ Điền nói với VOA: “Nhưng Huawei sẽ không chết vì được ĐCSTQ và quân đội Trung Quốc hỗ trợ”.

Ông cho rằng nếu không có lệnh trừng phạt của Mỹ thì điện thoại di động của Huawei có thể đã vững vàng đứng đầu thế giới, cho nên Huawei thực sự đã bị đánh gục, nhưng sẽ không chết vì ĐCSTQ sẽ không để Huawei chết, vì nếu không có Huawei thì ĐCSTQ  sẽ gặp vấn đề đối với hệ thống liên lạc của quân đội.

Chuyên gia kinh tế Trung Quốc này cho rằng Huawei giúp quân đội ĐCSTQ xây dựng hệ thống thông tin liên lạc, nhưng họ cần sử dụng sản phẩm dân sự để nuôi sống sản phẩm quân sự. Vì sản phẩm quân sự không mang lại lợi nhuận nên Chính phủ Trung Quốc dùng quyền lực nhà nước để ép buộc người dân, các công chức và doanh nghiệp nhà nước mua sản phẩm của Huawei, điều này giúp Huawei có thể chiếm thị phần mạnh mẽ ở Trung Quốc một cách hiệu quả. Ngoài ra, ông cho biết Huawei hiện có thể cũng chiếm một số thị phần ở các nước châu Phi và Đông Nam Á, nhưng thiết bị liên lạc 5G của Huawei về cơ bản đã biến mất khỏi thị trường châu Âu và Mỹ.

Ông Tạ Điền cũng chỉ ra, ngoài vấn đề Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ giúp Huawei tồn tại, vấn đề khác phải kể là hành động của Chính phủ Mỹ cũng chưa tốt: Tức là khi Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt thì họ coi Huawei, ZTE cùng các công ty Trung Quốc khác là những hệ thống độc lập. Tuy nhiên, điều mà Mỹ không biết là những công ty Trung Quốc này, đặc biệt là những công ty lớn, công ty sở hữu nhà nước, hoặc công ty do ĐCSTQ bí mật kiểm soát như Huawei là những công ty tư nhân giả mạo, về bản chất là cánh tay nối dài của quân đội ĐCSTQ, ngoài ra các công ty Trung Quốc là mạng lưới liên kết chặt chẽ với nhau. Có hàng ngàn mối liên hệ giữa họ và nhiều người trong số họ bị điều khiển bởi một ông trùm, một nhóm của ĐCSTQ và một bàn tay đen của ĐCSTQ đứng sau. Do đó, lệnh trừng phạt của Mỹ đối với một hoặc hai công ty không thể ngăn cản các công ty khác chưa bị trừng phạt nhập khẩu chip của Mỹ rồi chuyển giao cho Huawei.

Chuyên gia kinh tế Lý Hằng Thanh (Li Hengqing) tại Viện Thông tin và Chiến lược ở Maryland Mỹ cho rằng quá trình phát triển của Trung Quốc trong 30 – 40 năm qua luôn áp dụng chiến lược “đi đường tắt”, ngay từ ban đầu là sao chép quyền sở hữu trí tuệ của đối thủ, buộc nước ngoài phải chuyển giao công nghệ mới vào thị trường Trung Quốc, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của nước khác. Ngoài ra, ĐCSTQ còn đưa ra “Kế hoạch Ngàn Nhân tài” để trực tiếp tuyển dụng những nhân tài bằng cách cho họ chế độ đãi ngộ cao hơn Mỹ. Vì vậy, trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump đã đặt nước Mỹ lên hàng đầu, tăng cường nỗ lực bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ các ngành liên quan đến an ninh công nghệ và an ninh quốc gia, đồng thời đấu tranh chống lại hành vi Trung Quốc trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ.

Tuy nhiên, ông Lý Hằng Thanh cũng thừa nhận Huawei quả thực đã khá kiên cường trước lệnh trừng phạt của Mỹ, đã không hề “sốc” khi bị Mỹ phong tỏa. Ông cho rằng khả năng phục hồi của Huawei đến từ hai khía cạnh. Một là đội ngũ doanh nhân của Huawei do Nhậm Chính Phi đứng đầu rất kiên cường, kiên trì và có tầm nhìn xa, vì vậy họ đã duy trì được hoạt động bất chấp áp lực liên tục từ Mỹ. Nhưng ông nhấn mạnh điểm thứ hai, đó là sự hỗ trợ hoàn toàn của Chính phủ Trung Quốc dành cho Huawei, là lý do cơ bản khiến Huawei tồn tại được.  

Ông nói với VOA: “Cho đến nay, mối liên hệ thực chất giữa Chính phủ Trung Quốc, quân đội Trung Quốc và Huawei thực sự vẫn là một bí ẩn”.

Phải chăng mối quan hệ giữa Huawei và quân đội Trung Quốc chỉ là sự kết hợp quân sự-dân sự? Ông cho rằng có vẻ như không phải. Nếu chỉ là kết hợp quân sự-dân sự thì sẽ không có sự đầu tư lớn từ nhà cầm quyền, như tuyên bố thường được ông Tập Cận Bình chỉ ra “dùng toàn bộ sức mạnh vì đại sự [phục hưng dân tộc Trung Hoa]”. Ông nói rằng Chính phủ Trung Quốc rõ ràng ủng hộ Huawei, bật đèn xanh cho các sản phẩm của Huawei quảng bá thương hiệu quốc gia, làm cho sản phẩm của Huawei ít nhất trở nên phổ biến ở thị trường Trung Quốc.

Trong bối cảnh Huawei đang khẳng định sự thành công của hệ điều hành HarmonyOS “thuần chủng”, thì một thông tin gần đây từ Bloomberg cho biết Huawei trong vài năm qua đã bí mật tài trợ cho dự án nghiên cứu mà Quỹ Optica có trụ sở tại Washington điều hành. Theo nguồn tin, sự sắp xếp này cho phép Huawei tài trợ cho các nghiên cứu tiên tiến trị giá hàng triệu đô la mà các trường đại học Mỹ có liên quan không hề hay biết, bao gồm cả các tổ chức cấm các nhà nghiên cứu nhận tiền của Huawei.

Hai thành viên cấp cao của Quốc hội Mỹ, Frank Lucas, Chủ tịch Ủy ban Khoa học, Vũ trụ và Công nghệ Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, và đảng viên Đảng Dân chủ Zoe Lofgren đã gửi thư cho CEO Elizabeth Rogan của Optica  lên án gay gắt Optica vì đã lén lút nhận lời từ Huawei, gọi động thái này là “vi phạm trắng trợn” các nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm bảo vệ hoạt động nghiên cứu khỏi chi phối của các đối thủ nước ngoài.

“Quyết định của Optica chấp nhận tiền từ Huawei và phân phối chúng cho những người nhận không xác định là đi ngược lại nhận thức về rủi ro và tính minh bạch mà chúng tôi cố gắng thúc đẩy trong không gian bảo mật nghiên cứu.”

Hai nhà lập pháp cho rằng việc Optica không tiết lộ tham gia của Huawei chứng tỏ tắc trách nghiêm trọng của họ xung quanh vấn đề bảo mật nghiên cứu: “Tổ chức của bà đã che giấu nguồn tài trợ cho dự án của Quỹ Optica, làm suy yếu khả năng tuân thủ luật pháp của các tổ chức nghiên cứu Mỹ”.

Sau khi Bloomberg đưa tin rằng Huawei đã bí mật tài trợ cho dự án của Optica, CEO Rogan của Quỹ Optica cho biết quỹ này sẽ không còn nhận tiền từ Huawei để tài trợ cho các cuộc thi nghiên cứu công nghệ mũi nhọn tại các trường đại học Mỹ. Bà nói trong một lá thư gửi hội đồng quản trị của Optica rằng nguồn tài trợ của Huawei “gây chú ý đối với chương trình được thiết kế để hỗ trợ các chuyên gia mới bắt đầu sự nghiệp chuyên về quang học và quang tử, trong tương lai Huawei sẽ không có mối liên hệ nào với chương trình”. Bà cho hay Optica sẽ trả lại toàn bộ số tiền do Huawei quyên góp vào năm 2024 và 2 năm trước đó.

Bài báo của Economist dường như cảnh báo Mỹ rằng các biện pháp trừng phạt hay phong tỏa đối với Huawei chưa đạt được kết quả tốt như mong đợi, do đó khiến Huawei có cơ hội trở lại, tiếp tục lớn mạnh hơn và tích lũy sức mạnh công nghệ để cạnh tranh. Tuy nhiên, việc Quỹ Optica sử dụng tiền do Huawei tài trợ để tổ chức các cuộc thi nghiên cứu công nghệ mũi nhọn cho thấy Huawei đang tìm cách thâm nhập vào các tổ chức của Mỹ và chờ đợi cơ hội để có được thông tin hoặc thông tin tình báo giúp nâng cao năng lực.

Chuyên gia Lý Hằng Thanh cho biết, bằng cách tài trợ cho Optica, trong tương lai Huawei có thể được chia sẻ công nghệ theo hợp đồng, qua đó thu được thành quả kỹ thuật liên quan. Điều này tương tự như cách tiếp cận “đi đường tắt” để đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Tiến sĩ Tạ Điền cũng chỉ ra rằng sau khi bị Mỹ trừng phạt, chắc chắn Huawei sẽ tìm kiếm nhiều cơ hội khác để có được công nghệ tiên tiến của Mỹ, có thể thấy trường hợp tài trợ bí mật cho Optica là một ví dụ điển hình. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng Huawei sẽ tìm mọi cách để có được quyền sở hữu trí tuệ của Mỹ, còn Mỹ sẽ còn những biện pháp mạnh mẽ hơn đối với Huawei, do đó về cơ bản Huawei vẫn đứng trước tình thế “thò đầu ra sẽ bị đánh”.