Theo báo cáo của hãng thông tấn quốc gia Indonesia ANTARA, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Zulkifli Hasan hôm thứ Sáu (28/6) cho biết, Indonesia có kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với hàng hóa Trung Quốc và chính sách này sẽ được thực hiện ngay lập tức sau khi các quy định liên quan được ban hành.

shutterstock 562081186
Ngày 26/11/2012, công nhân một nhà nhà máy ở Khu công nghiệp sông Dương Tử, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc, đang may gia công các sản phẩm may mặc xuất khẩu sang châu Âu và Mỹ. (Ảnh: humphery / Shutterstock)

Ông giải thích rằng cuộc chiến thương mại đang dẫn đến tình trạng dư cung ở Trung Quốc, khi các sản phẩm của nước này bị các nước phương Tây từ chối, buộc họ phải chuyển hướng xuất khẩu sang các thị trường khác như Indonesia. Các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc sẽ phải đối mặt với mức thuế từ 100% đến 200%.

Ông nói: “Hoa Kỳ có thể áp thuế 200% đối với đồ gốm hoặc quần áo nhập khẩu; chúng tôi có thể làm điều tương tự để đảm bảo rằng các doanh nghiệp và ngành công nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của chúng tôi có thể tồn tại và phát triển”.

Indonesia đang soạn thảo một quy định cấp bộ mới để giải quyết những lo ngại của các bên liên quan, bởi vì các quy định trước đó không đủ để bảo vệ các ngành công nghiệp địa phương khỏi làn sóng sản phẩm Trung Quốc tràn vào.

“Nếu hàng hóa nhập khẩu tràn ngập trong nước chúng ta, các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ của chúng ta có thể sụp đổ.” Bộ trưởng Thương mại Indonesia cho biết, thuế quan sắp được thực hiện và có thể ảnh hưởng đến nhập khẩu giày dép, quần áo, dệt may, mỹ phẩm và gốm sứ.

Theo Reuters, ông Budi Santoso, quan chức cấp cao của Bộ thương mại Indonesia hôm thứ Bảy (29/6) cho biết, Ủy ban An ninh Thương mại Indonesia đang điều tra để xác định mức thuế cụ thể.

Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy Indonesia chủ yếu nhập khẩu quần áo, phụ kiện may mặc từ Trung Quốc, Việt Nam và Bangladesh.

Theo Thông tấn xã Việt Nam, Chính phủ Indonesia hôm 25/6 tuyên bố sẽ triển khai 2 biện pháp bảo hộ dệt may là thuế tự vệ nhập khẩu (BMTP) và thuế nhập khẩu chống bán phá giá (BMAD) để bảo vệ ngành dệt may trong nước khỏi bị tác động đột biến của hàng dệt may nhập khẩu.

BMTP là một loại thuế quốc gia được thiết kế để ngăn chặn các ngành công nghiệp trong nước đối mặt với nguy cơ thua lỗ nghiêm trọng do khối lượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến.

BMAD là khoản thuế nhập khẩu bổ sung. Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati tiết lộ, chính sách sẽ được đưa ra nhằm bảo vệ ngành dệt may và sản phẩm dệt may khỏi tác động của hàng nhập khẩu. Bà cho biết sau cuộc họp nội các tại Phủ Tổng thống rằng hai quy định mới sẽ được ban hành dựa trên ý kiến ​​đóng góp của các bộ trưởng thương mại và công nghiệp.

Vào cuối năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này đã ban hành quy định nhằm thắt chặt giám sát đối với hơn 3.000 mặt hàng nhập khẩu, từ nguyên liệu thực phẩm, đồ điện tử đến hóa chất. Tuy nhiên, quy định này đã bị đảo ngược sau khi ngành công nghiệp trong nước cho rằng động thái này cản trở dòng vật liệu nhập khẩu mà ngành công nghiệp trong nước cần.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Indonesia, giá trị nhập khẩu quần áo và phụ kiện tại nước này có xu hướng tăng trong quý 1/2024. Trong tháng Một, trị giá nhập khẩu được ghi nhận ở mức 12,26 triệu USD, sau đó tăng lên 20,87 triệu USD vào tháng tiếp theo. Giá trị tăng trở lại trong tháng 3 lên 23,98 triệu USD.