Thành ngữ “đường đường chính chính” lúc đầu dùng để miêu tả cảnh tượng nghiêm trang chỉnh tề, hùng mạnh cường thịnh của quân đội. Về sau nghĩa câu thành ngữ này biến đổi, dùng để diễn tả nội tâm quang minh chính đại của một người.

Câu chuyện thành ngữ: Đường đường chính chính
(Tranh minh họa qua Aboluowang.com)

“Đường đường” có nghĩa là mạnh mẽ cường thịnh. “Chính chính” có nghĩa là nghiêm túc chỉnh tề. “Đường đường chính chính” chỉ quân đội bày binh bố trận hùng mạnh chỉnh tề. Hai từ này xuất hiện trong sách binh pháp Tôn Tử.

Binh pháp Tôn Tử được Tôn Vũ thời Xuân Thu viết, là một trong những cuốn binh thư thời cổ đại có nội dung phân tích tình huống chiến tranh, thảo luận về phương thức và sách lược tác chiến quân sự, trở thành ông tổ của binh thư các triều đại.

Trong thiên “Quân tranh” đàm luận về phương pháp tác chiến từ mấy góc độ như “trị khí”, “trị tâm”, “trị lực”, “trị biến”. Cái gọi là “trị khí” là chỉ sự lựa chọn về sĩ khí trong việc tấn công; cái gọi là “trị tâm” là chỉ xem xét lòng quân mà phát động tấn công; cái gọi là “trị lực”, là chỉ việc đánh giá thích đáng sức lực của quân đội mà nghênh chiến; cái gọi là “trị biến”, tức là chỉ đánh giá thế quân lúc mạnh lúc yếu mà tùy cơ.

Trong đó đối với mục “trị biến”, Tôn Tử viết: “Vô yêu chính chính chi kỳ, vật kích đường đường chi trận”, không đi chặn đánh quân địch đang có hàng ngũ chỉnh tề, không đánh kẻ địch có thế trận và lực lượng hùng mạnh.

Vậy nên “chính chính chi kỳ”, “đường đường chi trận” chính là dùng để miêu tả cảnh tượng nghiêm trang chỉnh tề, hùng mạnh cường thịnh của đội quân.

Trong “Chước Cổ Luận Tứ – Lý Tĩnh” của Trần Lượng thời nhà Tống có ghi chép: “Kỳ trận đường đường, kỳ kỳ chính chính, thử phi chính binh bất năng nhiên dã”, thế trận hùng mạnh, cờ hiệu chỉnh tề, điều này không thể làm được nếu không có quân đội chính nghĩa. Đó cũng là dùng để mô tả cảnh tượng hùng mạnh cường thịnh của đội quân. Tuy nhiên ở đây còn thấy có hàm ý mở rộng khác, chính là chỉ quân đội chính nghĩa.

Về sau câu thành ngữ này được phát triển để diễn tả sự quang minh chính đại, chính trực chính nghĩa, và đây cũng là nghĩa được sử dụng ngày nay. Từ phương diện làm người mà nói, chính chính là theo chính lý, chính đạo mà hành. Đường đường tức là quang minh lỗi lạc, tức là tấm lòng vô tư, trong sáng ngay thẳng, không làm chuyện bừa bãi.

“Tấn Thư” viết: “Đại trượng phu hành sự đương lỗi lỗi lạc lạc, như nhật nguyệt kiểu nhiên”, bậc đại trượng phu hành sự nên lòng dạ quang minh, trong lòng thanh thản, sáng như mặt trăng và mặt trời. “Lỗi lỗi lạc lạc” là chỉ chí hướng cao vời, trong lòng bình thản.

Ngày nay “đường đường chính chính” “quang minh lỗi lạc” chính là có cùng hàm ý, miêu tả lòng dạ vô tư, tấm lòng hào hiệp cao thượng.

Theo “Bình chú thành ngữ điển cố: Đường đường chính chính
Đăng trên ChanhKien.org
Tác giả: Vương Xá Vi

Xem thêm:

Mời xem video: