Bà Hồ Hữu Bình (Hu Youping), một phụ nữ người Trung Quốc bị thương nặng đã qua đời trong vụ hai mẹ con người Nhật bị đâm bên ngoài một trường học Nhật Bản ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Thành phố Tô Châu đã truy tặng bà Hồ là “tấm gương dũng cảm”. Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã hạ cờ rủ và nói họ tin rằng dũng khí và sự thiện lương của bà Hồ đại diện cho đông đảo người dân Trung Quốc. Tin tức và dư luận tại Đại Lục ngay lập tức đảo chiều từ “người Trung Quốc đâm hai mẹ con người Nhật Bản” thành “người Trung Quốc dũng cảm cứu hai mẹ con người Nhật Bản”, cư dân mạng Đại Lục rầm rộ ca ngợi người phụ nữ Trung Quốc.

nguoi Nhat Ban
Chiều ngày 24/6/2024, hai mẹ con người Nhật bị một người đàn ông Trung Quốc cầm dao đâm khi đang chờ xe buýt trường học ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô. Một phụ nữ Trung Quốc cũng bị thương nặng. (Ảnh cắt từ video)

Cục Công an thành phố Tô Châu và Quỹ Làm việc nghĩa thành phố Tô Châu đã đưa ra “thông báo công khai” vào tối 27/6, cho biết bà Hồ Hữu Bình sinh năm 1969, đang sống ở quận Cô Tô. Vào ngày 24/6 khi phát hiện một người cầm dao tại trạm xe buýt Trung tâm Xindi trên đường Tayuan, Khu công nghệ cao Tô Châu, bà Hồ ngay lập tức không màng đến bản thân chạy đến ngăn cản, và đã bị hung thủ đâm nhiều nhát. Qua nỗ lực cứu chữa, bà Hồ đã không may qua đời. Sau khi được Ủy ban Quản lý Khu công nghệ cao Tô Châu đề nghị, chính quyền thành phố đã truy tặng danh hiệu “Tấm gương dũng cảm của thành phố Tô Châu” cho công dân Hồ Hữu Bình.

fcca0087 c939 4881 8f80 835751b0f65d
Trong vụ đâm hai mẹ con người Nhật gần đây bên ngoài trường học Nhật Bản ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô, người phụ nữ Trung Quốc Hồ Hữu Bình đã ngăn chặn nghi phạm và bị đâm, bị thương nặng, sau đó đã qua đời. (Ảnh: Weibo)

Quan chức: Bà Hồ Hữu Bình ngăn chặn hung thủ để tránh có thêm nạn nhân

Dựa vào số điện thoại để lại trong thông báo, Đài Á Châu Tự Do (RFA) đã gọi điện hôm 28/6 để hỏi về việc làm của bà Hồ Hữu Bình, người phụ nữ họ Trần trả lời điện thoại cho biết: “Đúng là rất dũng cảm”, “Tương lai đều sẽ có khen thưởng, an ủi hỗ trợ, sẽ có biện pháp tiếp theo để khen thưởng theo quy định pháp luật”.

Tân Hoa Xã hôm 28/6 đưa tin có 3 người bị thương trong vụ này. Một trong hai người Nhật Bản đang được điều trị tại bệnh viện, không có nguy hiểm đến tính mạng, người còn lại đã xuất viện ngay trong ngày. Bà Hồ Hữu Bình hôm 26/6 không cứu chữa được. Theo lời khai của người Nhật bị thương trong vụ việc, khi nghi phạm gây án, bà Hồ Hữu Bình đã chặn được hung thủ và bị đâm rồi ngã xuống đất, nên người Nhật này mới nhân cơ hội đó mà có thể tránh được.

Tân Hoa Xã đưa tin, để thực hành sâu sắc các giá trị xã hội chủ nghĩa cốt lõi và thúc đẩy mạnh mẽ sự liêm chính xã hội, thành phố Tô Châu đã truy tặng danh hiệu tấm gương “Dám làm việc nghĩa” cho bà Hồ Hữu Bình. Thời gian công bố sẽ kéo dài đến ngày 1/7. Báo cáo không đề cập đến việc hung thủ là người Trung Quốc, cũng không giải thích động cơ, lời khai hay tiến độ điều tra nghi phạm.

Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc hạ cờ rủ

Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã đăng một đoạn video ngắn về lá cờ rủ trên mạng xã hội weibo chính thức vào khoảng 10h sáng ngày 28/6 với dòng chữ “Người phụ nữ Trung Quốc dũng cảm cứu hai mẹ con Nhật Bản đã qua đời”. Văn bản có nội dung: “Thật sốc khi biết tin bà Hồ Hữu Bình không may qua đời. Sứ quán Nhật Bản vô cùng thương tiếc sự ra đi của bà. Bà Hồ Hữu Bình đã một mình bảo vệ những phụ nữ và trẻ em vô tội khỏi tay kẻ ác. Tin rằng lòng dũng cảm và lòng tốt của bà cũng đại diện cho người phần lớn người dân Trung Quốc. Chúng tôi xin bày tỏ lòng kính trọng đối với những việc làm chính nghĩa của bà Hồ, mong bà yên nghỉ.”

ae8c380c 4f27 4738 a77c e7eacdc0498a
Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã hạ cờ rủ và nói rằng họ tin vào lòng dũng cảm và thiện lương của bà Hồ đại biểu cho đông đảo người dân Trung Quốc. (Ảnh: Weibo chính thức của Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc)

Trả lời phỏng vấn của RFA, ông Dương Hải Anh (Yang Haiying), học giả Trung Quốc sống ở Nhật Bản và là giáo sư tại Đại học Shizuoka, phân tích: “Việc treo cờ rủ cho thấy Nhật Bản rất quan tâm đến vấn đề này, là một điều tuyệt vời. Đại sứ quán Nhật Bản đã làm rất tốt. Họ nói về sự việc này từ góc độ nhân đạo.”

Trong cuộc phỏng vấn với RFA, ông Gong Yujian, một nhà bất đồng chính kiến ​​​​Trung Quốc tại Đài Loan, cũng tin rằng việc Đại sứ quán Nhật Bản hạ cờ rủ thể hiện đầy đủ cho thế giới thấy sự tôn trọng của Nhật Bản trong cách đền đáp lòng tốt và cách đối xử với những sinh mạng bị mất không phân biệt chủng tộc, quốc tịch, giới tính. Sự khác biệt, ưu điểm và nhược điểm giữa “giá trị phổ quát” của Nhật Bản và “chủ nghĩa dân tộc” của Trung Quốc được thể hiện rõ ràng trước toàn thế giới.

Ông Gong Yujian cho biết: “Chính phủ Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và thậm chí cả 1,4 tỷ người dân Trung Quốc gửi lời cảm ơn đến người anh hùng đã xả thân, đứng lên ngăn chặn tội ác tàn bạo, bà ấy đã lấy cái chết của một mình mình để cứu lấy một chút thể diện của 1,4 tỷ người dân Trung Quốc.”

Ông Gong Yujian chỉ ra rằng so với việc Trung Quốc làm mờ nhạt việc hung thủ là người Trung Quốc, Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc tuyên bố rõ ràng rằng họ vẫn tin tưởng vào lòng dũng cảm và lòng tốt của người dân Trung Quốc bằng cách hạ cờ rủ, và dường như phần nào tách biệt giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc.

Dư luận về vụ người Trung Quốc giết người Nhật đảo chiều sang người Trung Quốc cứu người Nhật

Ông Hồ Bình (Hu Ping), cựu tổng biên tập danh dự của Tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh, cũng nói trong một cuộc phỏng vấn với RFA rằng: “Cô Hồ Hữu Bình chắc chắn xứng đáng được ghi nhận vì sự dũng cảm của mình và việc làm của cô khiến người khác rất cảm động. Khi tin cô qua đời được công bố, mọi người đều cảm thấy buồn bã và tiếc nuối. Chính quyền cho rằng phải thuận nước đẩy thuyền bằng cách trao thưởng cho cô. Đây là cách họ gỡ gạt lại việc [người Trung Quốc] hoan hô chuyện người Nhật bị đâm trước đó.”

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, trên Internet có rất nhiều ngôn luận thù hận Nhật Bản, thậm chí còn chắc chắn rằng thủ phạm là người trung thành với đảng và nhà nước. Cái chết của bà Hồ Hữu Bình được Cục Công an thành phố Tô Châu truy tặng “tấm gương dũng cảm”, dư luận bỗng chốc đảo chiều từ “người Trung Quốc đâm mẹ còn người Nhật” thành “người Trung Quốc cứu mẹ con người Nhật”, và nó đã trở thành tìm kiếm nóng số một trên Weibo.

Cư dân mạng Trung Quốc liên tiếp để lại bình luận: 

“Người phụ nữ vĩ đại!”

“Sự sáng chói của nhân tính!”

“Người phụ nữ Trung Quốc chính nghĩa!”

“Những anh hùng bình dân!”

“Vì vài người Nhật mà hy sinh thật không đáng.” 

“Cứu người mà anh dũng hy sinh mạng sống – bất kể người được cứu là người Trung Quốc hay người Nhật.” 

“Bà ấy đáng được quan tâm hơn hai người Nhật bị thương kia. Đáng tiếc là truyền thông lúc đó chỉ chú ý đến hai người Nhật đó.”

8db2d3f6 36e4 4dc6 94aa 6b5877a3103d
Các bài đăng liên quan đến “Người phụ nữ Trung Quốc dũng cảm cứu hai mẹ con Nhật Bản đã tử vong” lan truyền trên Weibo vào sáng sớm ngày 28/6, tạo ra những cuộc thảo luận sôi nổi giữa cư dân mạng. (Ảnh: Weibo)

Nhật Bản hạ cờ rủ để tri ân người Trung Quốc không lọt vào top 50 tìm kiếm nóng

Ông Hồ Bình phân tích rằng mặc dù vụ đâm người Nhật là một vụ việc cá biệt ngẫu nhiên, nhưng rõ ràng nó có liên quan đến tình cảm dân tộc cực đoan chống Mỹ và chống Nhật do ĐCSTQ thúc đẩy trong nhiều năm. Chính quyền cũng biết trách nhiệm là ở mình, nên lấy việc khen ngợi người Trung Quốc ngăn hung thủ kia để né tránh việc người Nhật bị đâm.

Ông Gong Yujian kể, những người bạn Trung Quốc của ông tiết lộ rằng gần đây, khi họ đã đăng các bài viết thân thiện Trung – Nhật trên Internet, chẳng hạn như xin lỗi người Nhật, hy vọng Trung Quốc và Nhật Bản sẽ là bạn bè lâu dài và bày tỏ lời chia buồn với những người bị thương, v.v. đã bị các quản trị viên mạng Trung Quốc xóa ngay lập tức. Tuy nhiên, những ngôn luận thù hận Nhật Bản, Mỹ thì lại rất phổ biến, rõ ràng đây là được chính quyền mặc nhận cho phép. Có vẻ như trong giới lãnh đạo dưới thời Tập Cận Bình, các đường lối đấu tranh khác nhau giữa cực tả và cực hữu đang xung đột.

Học giả: ĐCSTQ tẩy não người dân bằng giáo dục bài ngoại chính là tự chế tạo bom cho mình

Ông Dương Hải Anh cũng đề cập: “Đặc biệt đối với Nhật Bản, kịch tính chống Nhật đã được chuyển đến các trường mẫu giáo. Ông Tập chẳng phải đã nói rằng cần bắt đầu từ trẻ nhỏ, bắt đầu từ thời thơ ấu đã đánh Nhật và bài ngoại sao. Trong 1 tháng, 4 người Mỹ bị đâm, và còn đâm cả mẹ con người Nhật. Để giảm bớt căng thẳng trong vấn đề này, hiện giờ ĐCSTQ đang làm mọi cách để sử dụng thủ đoạn ‘dám làm việc nghĩa’. Nhưng bọn côn đồ lại là kẻ được chính ĐCSTQ bồi dưỡng ra.”

Ông Dương Hải Anh cho biết, các cuộc thăm dò trong hai năm qua cho thấy 90% người dân Nhật Bản không có thiện cảm với người Trung Quốc. Ngày 2/6, một người Trung Quốc đã đến đền Yasukuni để gây rối. Tình cảm cả nước không có dấu hiệu cải thiện, vụ bạo lực này lại xảy ra. Xét cho cùng, Nhật Bản là một quốc gia theo chủ nghĩa dân tộc trưởng thành và sẽ không kích động người dân của mình, chính phủ cũng sẽ không đứng ra chỉ trích Trung Quốc, v.v. Tuy nhiên, vấn đề này có tác động tiêu cực rất lớn đến tâm lý người Nhật.

Ông nói Chính phủ Trung Quốc cho rằng bà Hồ Hữu Bình đã có hành động dũng cảm và chính quyền Tô Châu nên biểu dương điều này. Tuy nhiên, một lượng lớn cư dân mạng cho rằng vụ đâm người Nhật là công lý và rất nhiều người đã tập trung tại trụ sở công an Tô Châu để yêu cầu trả tự do cho hung thủ. Hiện giờ họ lại rầm rộ tuyên truyền hành động chính nghĩa cứu người của bà Hồ Hữu Bình, người Nhật nhìn thấy sự đảo chiều tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc chắc hẳn phải dở khóc dở cười. Mặc dù chính quyền Trung Quốc có thể tạo ra hình ảnh liệt sĩ dám làm việc nghĩa, nhưng nó sẽ không làm lu mờ con dao hai lưỡi của chủ nghĩa dân tộc quốc gia và chủ nghĩa dân tộc mà họ đã mài giũa bấy lâu nay, và cũng sẽ không hàn gắn hay xoa dịu được tâm lý bài ngoại của người dân Trung Quốc mà chính họ đã gây ra.

Người Nhật Bản ở Tô Châu kêu gọi gây quỹ từ thiện

Người Nhật ở Tô Châu đã tự nguyện khởi xướng quyên góp từ thiện cho bà Hồ Hữu Bình, người phụ nữ Trung Quốc đã dũng cảm cứu trẻ em Nhật Bản.

Theo Đài NHK hôm 25/6, sau khi xe buýt trường học đến bến xe, hung thủ bất ngờ dùng dao đâm hai mẹ con người Nhật đang đứng chờ, sau đó lao lên xe buýt và đâm nữ nhân viên xe buýt trường học người Trung Quốc khi người này cố gắng ngăn anh ta lên xe. Cảnh sát vào thời điểm đó cho biết, nghi phạm họ Chu, 52 tuổi, là một người thất nghiệp mới từ nơi khác đến Tô Châu.

Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa hôm 25/6 bày tỏ sự thương tiếc, hy vọng những người bị thương sẽ hồi phục càng sớm càng tốt và cử nhân sự từ Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải tới địa phương. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết vụ tấn công này là sự kiện ngẫu nhiên. Truyền thông Nhật Bản dẫn lời Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại Thượng Hải vào ngày 25/6 cho biết, hiện tại chưa có thông tin rõ ràng nào được đưa ra cho thấy vụ việc này nhắm vào người dân Nhật Bản.

Theo Hạ Tiểu Hoa, RFA