Việt Nam tiếp tục là một điểm đến lớn và cũng là thị trường tiêu thụ hai mặt hàng ngà voi và sừng tê giác. Thực trạng này ngày càng gia tăng.

hai phong thu giu gan 16 tan nga voi nhap lau
Giới chức Hải Phòng vừa phối hợp với liên ngành kiểm tra, phát hiện và thu giữ 547 khúc ngà voi nặng 1,58 tấn nhập lậu về Cảng quốc tế Lạch Huyện. (Ảnh: haiphong.customs.gov.vn)

Báo cáo của tổ chức C4ADS chuyên thu thập dữ liệu về những vụ bắt giữ liên quan hoạt động buôn bán động vật hoang dã vừa công bố ngày 28/6 kết luận như trên.

Theo báo cáo của C4ADS, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2020 đến tháng 12/2023, cơ quan chức năng Việt Nam tại Sân bay Tân Sơn Nhất bắt giữ được 87 sừng tê giác. Nhóm buôn lậu chủ yếu giấu mặt hàng cấm này trong hành lý và sừng tê bị bắt có xuất xứ từ Angola, Mozambique, Nam Phi…

Đường vận chuyển từ vùng Cận Sahara ở Châu Phi đến Việt Nam có thể được sử dụng để thay thế tuyến vận chuyển bị gián đoạn bởi lệnh phong tỏa dịch COVID-19 của Trung Quốc.

Từ năm 2013 Việt Nam trở thành một tuyến quan trọng của những tổ chức buôn lậu ngà voi và sừng tê giác; đến đại dịch COVID-19 do Trung Quốc có lệnh phong tỏa chặt chẽ, vai trò của tuyến từ vùng Cận Sahara ở Châu Phi đến Việt Nam dường như được gia tăng để thay cho tuyến đến Trung Quốc.

Báo cáo của C4ADS cho thấy chỉ vào năm 2021 Việt Nam ghi nhận mức giảm kỷ lục 43% các vụ ngà voi bị bắt giữ; nhưng rồi sau đó năm nào cũng tăng. Tình trạng này được nói có thể do thiếu những nỗ lực can thiệp của cơ quan chức năng.

C4ADS cho rằng hoạt động phối hợp giữa các quốc gia gồm Angola, Namibia, Mozambique, Nam Phi và Việt Nam là thiết yếu trong công cuộc chống lại tội phạm buôn bán động vật hoang dã.

C4ADS là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cung cấp những phân tích dựa trên dữ liệu và báo cáo căn cứ vào bằng chứng về vấn đề an ninh xuyên biên giới cũng như xung đột toàn cầu.

Để phòng chống buôn lậu động vật hoang dã mạnh mẽ hơn, Việt Nam cần chú trọng thực hiện một số biện pháp sau:

Rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm xử lý tội phạm động vật hoang dã  và các hành vi vi phạm liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ, tàng trữ… động vật hoang dã  bất hợp pháp; tăng cường điều tra, truy tố, xét xử các đường dây, vụ án quy mô, đối tượng cầm đầu nhằm tăng tính răn đe pháp luật.

Tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành và cơ quan liên quan trong việc ngăn chặn nạn săn bắt, buôn lậu động vật hoang dã ; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm động vật hoang dã  xuyên quốc gia, đặc biệt là với các quốc gia nguồn (châu Phi), quốc gia trung chuyển (như Campuchia, Malaysia, Singapore…) và các thị trường đích (Trung Quốc); tuân thủ các cam kết quốc tế về ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam.

Thúc đẩy điều tra tài chính và phòng chống tham nhũng trong hoạt động buôn lậu động vật hoang dã, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các điểm biên giới và vận chuyển hàng quy mô từ các quốc gia về Việt Nam, nhất là từ châu Phi.

Quản lý chặt các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã thông qua việc hoàn thiện hệ thống cấp và quản lý mã số trang trại, hệ thống đăng ký/quản lý các trang trại điện tử và truy xuất nguồn gốc động vật hoang dã nhằm tăng cường tính minh bạch của hoạt động gây nuôi động vật hoang dã, tránh tình trạng các trang trại biến thành vỏ bọc để “rửa” động vật hoang dã bất hợp pháp.

Xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm có nguồn gốc từ động vật hoang dã, đồng thời đẩy mạnh truyền thông trong lĩnh vực này nhằm giảm cầu động vật hoang dã, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng các lựa chọn thay thế từ cây thuốc thay vì săn tìm các sản phẩm, bộ phận động vật hoang dã bất hợp pháp.

Huy động nguồn lực từ các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế, các tổ chức chính trị – xã hội, khối tư nhân và cộng đồng trong phòng chống tội phạm động vật hoang dã và bảo tồn động vật hoang dã, đa dạng sinh học Việt Nam.

Khánh Vy (t/h)