Sau thời gian Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi có hiệu lực, tức ngày 1/7/2025, người lao động bắt đầu tham gia hệ thống BHXH sẽ không được rút một lần.

dong bhxh sau ngay 1 7 2025 nguoi lao dong khong duoc rut bao hiem mot lan
Theo cơ quan chức năng, mục tiêu ủa Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là khuyến khích người lao động ở lại hệ thống. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Sáng 29/6, Quốc hội đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi) với 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội.

Trước đó, dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.

Phương án 1: Người lao động có thời gian BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (dự kiến ngày 1/7/2025), sau 12 tháng không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm, thì được rút bảo hiểm xã hội một lần. Sau thời gian luật có hiệu lực thi hành sẽ không được rút bảo hiểm xã hội một lần nữa.

Phương án 2: Sau 12 tháng người lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được rút bảo hiểm xã hội một lần, nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian còn lại được bảo lưu để tiếp tục tham gia khi có điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Sau đó, có 355/487 đại biểu cho ý kiến. Trong đó, 310/355 đại biểu (87,32%) lựa chọn phương án 1; có 38/355 đại biểu (10,70%) chọn phương án 2; có 7/355 đại biểu (1,97%) đề xuất phương án khác.

Từ kết quả trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội chỉnh lý dự thảo luật theo phương án 1 theo ý kiến đa số.

Với Luật BHXH sửa đổi vừa được thông qua, người lao động chỉ được rút BHXH một lần nếu đóng trước ngày 1/7/2025, đóng dưới 20 năm, sau 12 tháng nghỉ việc không tiếp tục tham gia tự nguyện. Người đóng BHXH sau 1/7/2025 không được rút BHXH một lần.

Nếu không đáp ứng các điều kiện, người lao động chỉ được rút BHXH một lần nếu thuộc trường hợp: ra nước ngoài để định cư; mắc ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng…

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phương án được lựa chọn không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia BHXH, nên sẽ hạn chế gây xáo trộn trong xã hội, đồng thời làm giảm tình trạng rút BHXH một lần, gia tăng số người ở lại hệ thống, từ đó, giảm gánh nặng cho cả xã hội, ngân sách Nhà nước sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.

Thường vụ Quốc hội lưu ý Chính phủ trong thời gian tới phải có giải pháp căn cơ để hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trước mắt như chính sách tín dụng phù hợp; hoàn thiện pháp luật về lao động, việc làm.

Giảm từ 20 năm xuống 15 năm đóng BHXH hưởng lương hưu

Luật BHXH (sửa đổi) quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên được hưởng lương hưu hằng tháng thay vì phải nhận BHXH một lần. Con số này giảm 5 năm so với 20 năm đóng BHXH như quy định hiện hành. Lưu ý, quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.

Luật BHXH (sửa đổi) cũng quy định tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam và lao động nữ có 15 năm đóng BHXH, quy định mức tối đa là 75%.

Mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu mà có thời gian đóng BHXH theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nhưng có thời gian đóng BHXH ở Việt Nam dưới 15 năm thì mỗi năm đóng trong thời gian này được tính bằng 2,25%.

Mở rộng nhóm người tham gia BHXH bắt buộc

Luật BHXH sửa đổi bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Người lao động làm việc không trọn thời gian (theo chế độ linh hoạt); trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương cũng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc.

Theo dự kiến của Chính phủ, nếu 5 nhóm này được bổ sung vào diện tham gia BHXH bắt buộc thì hệ thống an sinh tăng thêm khoảng 3 triệu người.

Điều 21 Luật BHXH sửa đổi quy định người từ đủ 75 tuổi, không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH; có trợ cấp xã hội hàng tháng thì được nhận trợ cấp hưu trí xã hội. Người từ 70 đến dưới 75 tuổi muốn được nhận trợ cấp hưu trí xã hội phải thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn.

Nguyễn Quân