Trẻ em phản ứng với căng thẳng theo những cách khác nhau tùy theo độ tuổi, tính cách cá nhân và khả năng ứng phó của chúng. Một đứa trẻ nhỏ có thể không trình bày được đầy đủ nỗi niềm của mình, trong khi những đứa trẻ lớn hơn có thể mô tả chi tiết điều gì đã làm chúng băn khoăn và tại sao chúng cảm thấy như vậy, mặc dù chúng có thể không chia sẻ điều đó với cha mẹ.

Mỗi bậc cha mẹ đều có khả năng dạy con cái họ cách chấp nhận và ứng phó với nỗi sợ hãi và lo lắng trong chúng. Với sự hỗ trợ, yêu thương và thái độ tích cực của cha mẹ, chúng thường có thể vượt qua được những lo lắng của mình.

Nếu việc lo lắng này bắt đầu cản trở các hoạt động hàng ngày của trẻ, cha mẹ cần xác định xem nỗi lo đó chỉ là thoáng qua hay có gì đó sâu xa hơn. Sau đó, họ có thể tìm ra cách giúp con mình giải quyết các vấn đề căng thẳng và lo lắng này. Các bác sỹ tâm lý cũng có thể giúp cha mẹ chuẩn đoán khi cần thiết.

trẻ lo lắng
(Ảnh: Brian A Jackson/shutterstock)

Các dấu hiệu thể hiện sự lo lắng ở trẻ nhỏ và thanh thiếu niên

Những thay đổi trong hành vi hoặc tính khí là những dấu hiệu điển hình cảnh báo con bạn đang bị căng thẳng và lo lắng, tuy nhiên, trong một số trường hợp khó có thể được phát hiện ra việc này. Mặc dù vậy, một số triệu chứng phổ biến nhất có thể dễ dàng nhận ra.

Đau bụng hoặc đau đầu thường xuyên là các triệu chứng có thể do căng thẳng gây ra. Phụ huynh cũng cần quan tâm khi nhận thấy hiện tượng rối loạn giấc ngủ hoặc khó tập trung ở con mình. Những thay đổi trong hành vi như trẻ cáu kỉnh hoặc cắn móng tay có thể là chỉ dấu cho một vấn đề về thần kinh nào đó đang nảy sinh.

Đặc biệt, đối với thiếu niên tuổi teen, các hành vi nổi loạn quá đáng, bộc phát cảm xúc, gia tăng xung đột giữa cha mẹ và con cái hoặc đột ngột rút khỏi các hoạt động xã hội mà trẻ yêu thích đều có thể là dấu hiệu của sự lo lắng ở trẻ. Con trẻ có thể khẩn thiết nhờ sự giúp đỡ của chúng ta khi chúng bị đau vì cái gì đó cắt vào tay, hoặc vì chúng đang sử dụng ma túy.

tre em 3 e1631701114975
(Ảnh: Brian A Jackson/shutterstock)

Nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng ở trẻ em

Lo lắng và căng thẳng có thể do di truyền vì một số trẻ em bẩm sinh đã có sẵn các gen khiến chúng hay trở nên lo lắng. Ngoài ra, sự lo lắng có thể được “học” khi trẻ lớn lên trong một gia đình nơi người khác suốt ngày sống trong sợ hãi hoặc lo lắng.

Các yếu tố bên ngoài như trường học, gia đình hoặc mâu thuẫn với bạn bè cùng trang lứa cũng có thể góp phần gây ra căng thẳng. Ngoài ra, lo lắng về bài tập ở trường hoặc sự chấp nhận của bạn bè là những nhân tố bổ sung có thể gây ra căng thẳng cho trẻ.

Những thay đổi lớn trong gia đình như bố mẹ ly hôn, gia đình có người mất, chuyển chỗ ở hoặc thậm chí là sự ra đời của các em mới cũng có thể gây ra căng thẳng lo lắng cho trẻ. Những thay đổi về kết cấu tổ chức gia đình có thể ảnh hưởng đến cuộc sống, gây ra sự bối rối và bất an ở những đứa trẻ độ tuổi đi học.

trẻ lo lắng
(Ảnh: A3pfamily/shutterstock)

Giúp con bạn ứng phó với lo lắng

Điều quan trọng với các bậc phụ huynh là cung cấp cho con em mình một mảnh đất an toàn và màu mỡ để chúng lớn lên và thỏa sức phát triển. Con bạn cần biết rằng chúng có thể dựa vào bạn.

Thời gian biểu đều đặn và những giới hạn là những yếu tố quan trọng giúp một đứa trẻ cảm thấy an toàn. Một giờ đi ngủ phù hợp, các giới hạn được bố mẹ và con nhất trí, các trách nhiệm thường ngày và truyền thống là tất cả những gì cần cho một cuộc sống có kết cấu tổ chức hợp lý. Một cuộc sống gia đình ổn định và giàu truyền thống có thể là nền tảng phát triển tính cách lành mạnh cho một con người.

Hãy dạy con bạn một phương pháp thực hành thiền đơn giản hoặc khơi dậy ở chúng tình yêu văn học, nghệ thuật hoặc âm nhạc, đây đều là những phương tiện giúp chúng giảm bớt căng thẳng và lo lắng.

Hãy cho trẻ thời gian ở riêng với bạn để giúp trẻ cảm thấy tự tin hơn và cho trẻ cơ hội được nói về những chủ đề mà chúng yêu thích với bạn.

tre em 2 e1631701079276
(Ảnh: polkadot_photo/shutterstock)

Tránh gây áp lực thêm cho con bạn bằng những câu hỏi khắt khe. Duy trì cách giao tiếp tích cực và mang tính hỗ trợ, cho các con biết bạn ở đó để giúp đỡ chứ không phải chỉ trích chúng.

Cho phép con bạn có nhiều không gian và thời gian để chơi, cung cấp cho chúng các lựa chọn để chúng có thể đưa ra quyết định của riêng mình. Việc tự có ý thức kiểm soát sẽ giúp trẻ rất nhiều trong giảm bớt căng thẳng.

Bên cạnh đó, hãy nói chuyện với con bạn về mối quan tâm của chúng. Dành thời gian cùng con lên kế hoạch giải quyết vấn đề cũng có thể giúp chúng giảm bớt cảm giác không chắc chắn, đồng thời cho chúng biết rằng bạn hiểu những khó khăn mà các con đang gặp phải. Như vậy, con bạn sẽ tiếp nhận sự hỗ trợ của bạn một cách tự nhiên hơn.

Hãy nhớ: Tận hưởng thời gian ở cùng các con của bạn. Khi phụ huynh bước vào thế giới các hoạt động hàng ngày của con, bạn có thể theo dõi mức độ lo lắng và hành động trước khi mọi chuyện tệ hơn. Việc này có thể rất khó, nhưng chắc chắn là một trong những trải nghiệm phi thường nhất mà bạn có cơ hội thực hiện trong cuộc đời mình.

Tác giả:  Simone Jonker/ Vision Times tiếng Anh
Mai Hiền biên dịch

Xem thêm: