Nhật Bản, quốc gia luôn theo đuổi sự hoàn hảo rất chú trọng đến vấn đề chất lượng cuộc sống, đặc biệt là hệ thống y tế. Giống như một số lĩnh vực khác, vấn đề quản lý tiêm chủng ở Nhật cũng có Hiệp hội quản lý nhằm quy định các phương pháp quản lý vắc xin. Không chỉ có thái độ làm việc của những người trong ngành nghiêm túc, tỉ mỉ, mà Nhật Bản còn có quy định pháp luật hoàn thiện trong vấn đề tiêm chủng vắc xin.

Nhìn chung, đối với vấn đề vắc xin cho trẻ em, điều mà người dân nói riêng và cả đất nước nói chung có thể làm được chính là không ngừng nâng cao chất lượng và giảm nguy cơ của vắc xin, đồng thời cần phải quản lý ở mức độ nghiêm ngặt nhất, đặc biệt là vấn đề giám sát lưu thông và chuỗi cung ứng.

Luật tiêm chủng vắc xin quy định rõ ràng về chủng loại và chi phí

Nhật Bản đã đưa ra “Luật tiêm chủng vắc xin” từ rất sớm vào năm 1948 và được hoàn thiện nhiều lần sau đó. Luật này quy định về các loại vắc xin và giá tiền tiêm chủng. Trẻ em ở Nhật được tiêm chủng trong khoảng thời gian 2 tháng sau sinh cho đến 8 tuổi. Người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng địa phương hoặc thành phố nơi mình sống để nhận “Sổ tay sức khỏe mẹ và bé” với độ dày khoảng 100 trang, trong đó có các thông tin về thực phẩm, bệnh tật, loại vắc xin và thời gian cần tiêm chủng cho các bé từ sau sinh đến 8 tuổi cũng như các kiến thức về nuôi dạy trẻ.

Phân loại vắc xin tiêm chủng

Vắc xin ở Nhật được chia làm 2 loại, gồm các mũi tiêm chủng định kỳ và tiêm chủng tự nguyện. Tiêm chủng tự nguyện bao gồm các loại vắc xin phòng ngừa quai bị, viêm dạ dày ruột do virus rota, cúm và viêm gan B (HBV)…

Trong khi đó, các mũi tiêm chủng định kỳ (bắt đầu mũi tiêm đầu tiên khi trẻ tròn 2 tháng tuổi) gồm có vắc xin phòng ngừa HIB (hay còn gọi là vắc xin phòng ngừa Haemophilus influenzae loại B gây viêm phổi và viêm màng não), viêm não tủy cấp dịch và viêm phổi ở trẻ em. Tiếp đến là các vắc xin IPV – DPT (vắc xin kết hợp 4 loại bất hoạt ho gà, bạch hầu, uốn ván và bại liệt), BCG (phòng ngừa bệnh lao), thủy đậu, viêm não Nhật Bản, MR (phòng ngừa sởi – Rubella) và DT (phòng ngừa bạch hầu, uốn ván).

tiêm vắc xin
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Những lưu ý khi đi tiêm chủng

Khi đến thời gian tiêm chủng của trẻ, trung tâm y tế khu vực sẽ gửi thư “Thông báo tiêm chủng vắc xin” đến từng gia đình và đặc biệt dùng phong bì màu đỏ để nhắc người lớn chú ý. Trong thư nêu rõ các loại vắc xin, tên và địa chỉ bệnh viện tiêm ngừa cũng như yêu cầu phụ huynh điền vào bảng tình trạng sức khỏe của trẻ trước khi tiêm ngừa. Vào ngày tiêm chủng, phụ huynh cần mang theo thông báo này đến bệnh viện được chỉ định.

Ngoài ra, cha mẹ không cần phải bế trẻ đến bệnh viện đúng ngày đúng giờ để xếp cả một hàng dài mà chỉ cần hẹn trước với bệnh viện thời gian tiêm chủng lần sau là được. Khi tiêm chủng, bác sĩ sẽ ghi lại cẩn thận loại vắc xin, thời hạn sử dụng, thời gian, nơi tiêm chủng và vị trí tiêm vào “Sổ tay sức khỏe mẹ và bé”. Có rất nhiều bệnh viện còn phát những món đồ chơi nhỏ để dỗ dành các bé.

Đối với thời gian giữa hai lần tiêm chủng, bác sỹ Keiko Taya, trưởng Trung tâm bệnh truyền nhiễm thuộc Viện truyền nhiễm Quốc gia Nhật Bản khuyến nghị, thời gian giữa hai lần tiêm chủng vắc xin bất hoạt (vắc xin chết) là từ 6 ngày trở lên, ví dụ như vắc xin viêm gan B hoặc cúm. Còn thời gian giữa hai lần tiêm chủng vắc xin giảm độc hóa là 27 ngày trở lên, chẳng hạn như vắc xin thủy đậu hay BCG.

Chi phí tiêm chủng

Thêm vào đó, vấn đề phí tiêm chủng vắc xin ở Nhật Bản cũng rất có lợi với người dân. Thông thường, phí “tiêm chủng định kỳ” sẽ do chính quyền địa phương chịu trách nhiệm. Còn phí “tiêm chủng tự nguyện” là do cá nhân lựa chọn tương ứng với từng mũi tiêm vắc xin khác nhau, nhưng hầu hết đều được bảo hiểm y tế chi trả. Đáng chú ý là có những loại vắc xin “tiêm chủng tự nguyện”, chẳng hạn như vắc xin viêm phổi sẽ được tiêm miễn phí cho người 60 – 65 tuổi, còn các độ tuổi khác thì sẽ tự chi trả. Tuy nhiên, vì công dân Nhật đều có bảo hiểm y tế, do đó mà chi phí này về cơ bản họ sẽ không phải tự chi trả.

Bảo Ngọc

Xem thêm: