Gia đình là nền tảng trưởng thành của trẻ em, giáo dục gia đình là điểm xuất phát của mọi sự giáo dục, bao gồm ngôn ngữ sử dụng trong gia đình giữa cha mẹ và con cái, thói quen sinh hoạt, cách trò chuyện, những kỹ năng sống cần thiết v.v.., những điều này giúp ích rất nhiều cho sự phát triển khỏe mạnh về thể chất cũng như tinh thần của con trẻ.

Một người TQ nói về giáo dục Nhật Bản (P10): Giáo dục gia đình
(Ảnh: Milatas, Shutterstock)

Với tôi, giáo dục gia đình của Trung Quốc và Nhật Bản có rất nhiều điểm khác biệt. Người Trung Quốc thời xưa vốn chú trọng giáo dục gia đình, nhưng ngày nay việc giáo dục học sinh chủ yếu tập trung ở trường lớp, áp lực học tập của học sinh Trung Quốc cũng quá lớn.

Gia đình là đơn vị nhỏ nhất của xã hội, trong đó bao gồm đơn vị nhỏ hơn là mỗi cá nhân. Con người sau khi sinh ra thì tiếp xúc đầu tiên là với gia đình. Gia đình cần có trách nhiệm giáo dục hành vi cho con trẻ. Ngày nay, các bậc phụ huynh có khi bởi vì công việc quá bận rộn, áp lực tinh thần quá lớn mà dẫn đến việc không cho con trẻ sự giáo dục cơ bản đó. Người Nhật Bản rất xem trọng việc giáo dục trong gia đình, bắt đầu ngay từ khi là trẻ sơ sinh.

Đầu tiên là tính quan trọng của gia đình, gia đình là nơi trẻ học tập, sinh hoạt. Bạn nghĩ nguyện vọng lớn nhất của trẻ về gia đình là gì? Chính phủ Nhật Bản đã làm một cuộc điều tra với các bé: “Em kỳ vọng gì ở gia đình?”. Dù là trẻ ở độ tuổi nào thì câu trả lời nhiều nhất đó là: “Tất cả mọi người trong gia đình đều được sống hạnh phúc”. Cha mẹ không chỉ cho con trẻ những thứ vật chất cần thiết mà còn phải cho các con một cuộc sống gia đình an tâm, vui vẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Vì thế làm cha mẹ, cần nghiêm túc suy nghĩ tạo nên một cuộc sống gia đình vui vẻ, bình yên.

Mặc dù người Nhật hiểu rằng giáo dục không phải là trách nhiệm của một người, nhưng trong nhiều gia đình Nhật, người cha không phải lúc nào cũng có nhiều thời gian tiếp xúc với con. Họ chỉ có thể dành thời gian cho vợ con vào mỗi cuối tuần. Bởi vậy, người mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc và nuôi dạy con. Các bà mẹ nuôi dưỡng con khoẻ mạnh, và cha mẹ cùng thiết lập cho con những thái độ mang tính nền tảng để chuẩn bị đến trường như sự tự giác, khả năng thích nghi hay ý thức trách nhiệm…

Người Nhật rất chú trọng lễ giáo. Điều này được học hỏi từ xã hội Trung Quốc thời xưa. Rất nhiều bậc phụ huynh ở Nhật thường dùng kính ngữ hoặc những từ ngữ nho nhã khi giáo dục con trẻ, vì thế sau khi các em lớn lên cũng sẽ không dùng ngôn từ thô tục. Trẻ em Nhật cũng được gia đình dạy nhiều bài học trong cách ứng xử hàng ngày:

  • Hãy nhớ chào hỏi người khác.
  • Khi lỡ làm việc xấu thì phải xin lỗi ngay.
  • Phải lễ phép với người lớn tuổi.
  • Không được làm phiền người khác.
  • Không được ích kỷ, tham lam mà phải biết kiên nhẫn, bao dung, chịu đựng.

Nếu một đứa trẻ có các hành vi, thái độ không tốt, thông thường bản thân đứa trẻ đó không bị đánh giá mà người Nhật sẽ đánh giá sự giáo dục của bố mẹ đứa trẻ không tốt.

Ngoài ra ở Nhật cũng có những trung tâm tư vấn giáo dục gia đình, trung tâm sức khỏe, trung tâm tư vấn nhi đồng để xin sự trợ giúp, các bậc phụ huynh có thể nói ra những khó khăn và phiền não mà mình gặp phải trong việc dạy dỗ con cái.

Nhìn chung, ở đất nước nào cũng vậy, cách sinh hoạt của cha mẹ là sự giáo dục tốt nhất dành cho con trẻ, phải để con nhìn thấy rằng cha mẹ đang cố gắng để tạo nên một xã hội tốt đẹp hơn. Vì các con, cha mẹ phải thay đổi chính bản thân, phải nghĩ cho gia đình và thậm chí là lợi ích của toàn xã hội. Các con sẽ học được cách nỗ lực, dũng cảm đối diện, chấp nhận thử thách,… từ cha mẹ và trở thành nhân tài cần thiết trong xã hội. Đây chính là giáo dục gia đình.

Theo Vision Times tiếng Trung
Tâm Di

Xem thêm:

Mời xem video: