Các bậc phụ huynh thường hay nóng vội mà trách phạt trẻ nhỏ mỗi khi chúng gây lỗi lầm, lâu dần sẽ khiến trẻ trở nên tự ti. Thế nhưng, nếu bạn tinh tế thay đổi một chút trong cách nuôi dạy trẻ, kết quả nhận được sẽ vô cùng khác biệt.

(Ảnh: Maria Gvedachvili)
Khi trẻ phạm lỗi, bạn phải biết cách dạy con để dẫn dắt trẻ trưởng thành. (Ảnh: Maria Gvedachvili)

Tôi vô tình đọc được một câu chuyện về một người mẹ đầy trí tuệ và giàu lòng yêu thương, câu chuyện thật sự rất cảm động, hơn nữa nó còn khiến tôi nhớ lại những việc đã xảy ra giữa mình và cha mẹ khi còn bé. Điều mà tôi học được qua câu chuyện ấy chính là: trong cuộc đời này, nhất định phải biết chấp nhận việc con mình mắc lỗi, đồng thời phải biết cách dạy con để dẫn dắt chúng trưởng thành.

Làm đổ sữa cũng rất thông minh?

Ông Stephen Gray là một nhà khoa học từng có những phát hiện quan trọng trong những vực y học. Một lần nọ, một phóng viên phỏng vấn đã hỏi ông, rằng vì sao ông lại có khả năng sáng tạo tốt hơn người khác, rốt cuộc bằng cách nào mà ông lại có thể vượt trội hơn hẳn người bình thường? Stephen đã trả lời, rằng sở dĩ mình có những thành tựu như vậy trong học thuật là nhờ cách giáo dục cởi mở của mẹ ông.

Câu trả lời của ông thực sự đã gây bất ngờ, ông chia sẻ rằng:

“Điều này có liên quan đến cách mà mẹ tôi xử lí việc xảy ra với tôi lúc còn hai tuổi. Một lần tôi muốn tự lấy chai sữa trong tủ lạnh, nhưng nó trơn quá, do không cầm chắc nên tôi đã làm rơi cái chai và sữa thì bị đổ lênh láng ra khắp đất! Tuy mẹ tôi nhìn thấy nhưng bà hoàn toàn không la mắng, cũng không hề trách phạt.

Mẹ chỉ từ tốn: ‘Ôi! Robert, phiền phức mà con gây ra quả thật là rất tuyệt! Mẹ chưa từng thấy vũng sữa nào lớn như thế này. Ây chà, dù sao thì chai sữa cũng bị vỡ rồi, vậy thì trước khi chúng ta dọn sạch chỗ này, con có muốn chơi vài phút trong vũng sữa này không?’

Embed from Getty Images

“Con có muốn chơi trong vũng sữa này không?”

Tôi nghe mẹ nói vậy nên vui lắm, lập tức chơi trong vũng sữa. Vài phút sau, mẹ tôi nói: ‘Robert à, bây giờ con phải dọn sạch sẽ và trả mọi thứ về hiện trạng ban đầu nào. Giờ thì con định sẽ dọn dẹp thế nào đây? Con có thể dùng mút, khăn lông hoặc cây lau nhà!’ Sau đó, tôi đã chọn dùng một miếng mút và cùng mẹ lau sạch chỗ sữa bị đổ.”

Nhà khoa học nói đến đây, cả phóng viên cũng đều rất ngưỡng mộ người mẹ trí tuệ, khoan dung và dễ thương của ông. Nhà khoa học chia sẻ tiếp:

“Còn chưa hết, sau khi tôi lau dọn xong, mẹ tôi lại nói rằng: “Robert à, vừa rồi con thử dùng hai bàn tay nhỏ bé để cầm chai sữa lớn và đã thất bại rồi; bây giờ chúng ta hãy ra sau vườn, đổ nước đầy vào chai xem thử con có thể cầm lên mà không làm rơi được hay không nhé.” Sau khi làm theo lời mẹ, tôi đã nhanh chóng phát hiện ra rằng chỉ cần dùng hai tay nắm lấy phần miệng chai thì chai sẽ không trượt ra khỏi tay mình.”

“Đây quả thật là một bài học rất tuyệt vời!” – Người phóng viên nọ cảm thán.

“Đúng thế! Từ đó về sau, tôi đã biết mình không cần phải sợ việc phạm bất cứ sai lầm nào nữa. Bởi vì sai lầm luôn là cơ hội để học được những tri thức mới. Thí nghiệm khoa học cũng vậy, dù thí nghiệm thất bại nhưng tôi vẫn có thể học được rất nhiều điều từ việc đó.” – Nhà khoa học đáp lời.

>>Liệu chúng ta có đang đánh mất chữ ‘Chân’ trong giáo dục?

Hãy cho trẻ có cơ hội thực hành

Việc các con vô ý đánh đổ sữa, làm rơi chén đũa, quậy phá bày bừa khắp nhà đều là chuyện bình thường. Trẻ cũng khám phá được thế giới mới và phát hiện ra những thứ chưa từng nhìn thấy trước đây chính từ những việc như vậy. Hiểu được những thứ nào “được và không được” đụng vào, từ đó trẻ sẽ tự tạo nên quy tắc cho chính mình.

Thế nhưng, có những bậc phụ huynh trong lúc giải quyết những vấn đề như vậy lại dễ nổi nóng, ít suy nghĩ và muốn tránh phiền phức. Khi con trẻ đánh vỡ chai, họ thường không hỏi han gì cả, đã vội trách con hậu đậu, không biết nghe lời; sau đó thì cấm con không được tùy tiện đụng vào đồ đạc, thậm chí không cho chơi đùa.

Mặc dù mục đích là vì bảo vệ con trẻ, sợ chúng sẽ tự làm mình bị thương tích. Thế nhưng, vô hình trung bạn lại giết chết khả năng tự lập của con, khiến con mất đi cơ hội được luyện tập, tiềm năng của chúng sẽ không được kích hoạt.

Embed from Getty Images

Hãy cho trẻ có cơ hội thực hành

Hãy cho phép trẻ được phạm lỗi

Khi trẻ làm hỏng việc, cha mẹ cần phải giữ bình tĩnh, phải biết rằng vì còn nhỏ tuổi nên tất nhiên khả năng của trẻ có hạn, làm vỡ đồ cũng là chuyện bình thường.

Những bậc cha mẹ sáng suốt sẽ hướng dẫn con nắm bắt được những kĩ năng vừa với sức mình, luyện tập khả năng tự làm mọi việc và cho con cơ hội được trải nghiệm. Chỉ khi làm như vậy, trẻ mới bớt gây ra những “phiền phức” không đáng có. Nếu cha mẹ xử lý đúng đắn thì lỗi lầm sẽ trở thành điều kiện trưởng thành có ích cho trẻ. Vì vậy, bản thân lỗi lầm không phải là vấn đề, quan trọng là cha mẹ nhìn nhận thế nào, dùng cách gì để xử lý.

Embed from Getty Images

Hãy cho trẻ được phép phạm lỗi

Khi trẻ còn nhỏ là lúc khả năng học hỏi và mô phỏng theo mạnh nhất; hơn thế nữa, đây là khoảng thời gian quan trọng nhất để nuôi dưỡng sự tự tin và khả năng sáng tạo. Nếu có thể giúp trẻ tự phát triển chứ không khiển trách lỗi lầm do chúng gây ra, thì chắc chắn rằng tất cả các bé đều có thể học cách trưởng thành từ trong lỗi lầm, cũng như hình thành nên phong cách sống của riêng bản thân.

Ngọc Trúc

Xem thêm: