Ngoài việc cung cấp các dịch vụ, ăn uống và mua sắm hàng hóa trên máy bay, các tiếp viên hàng không còn phải xử lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn và tính mạng của hành khách. Mặc dù tỷ lệ hành khách tử vong trên các chuyến bay là rất thấp, nhưng vẫn có trường hợp xảy ra. Vậy thì khi đó các tiếp viên hàng không phải xử lý như thế nào?

tiếp viên hàng không
(Ảnh: Hananeko_Studio/shutterstock)

Dù chỉ có các bác sĩ hoặc nhân viên y tế mới có thể tuyên bố ai đó tử vong hay chưa, nhưng điều này không có nghĩa là khi hành khách xuất hiện tình trạng bất thường, các tiếp viên hàng không chỉ có thể khoanh tay đứng nhìn.

Khi hành khách có nguy cơ tử vong, các tiếp viên hàng không sẽ nhanh chóng hành động theo quy trình đã được quy định sẵn. Họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng trước những điều nên làm.

Một người phát ngôn của hãng hàng không Ryanair nói với tờ The Sun rằng, thông thường, thi thể của hành khách sẽ được di dời đến hàng ghế không có người hoặc khoang thương gia. 

Một tiếp viên hàng không chia sẻ trên tờ Daily Mirror rằng tất cả tổ bay đều biết về một kế hoạch hành động y tế, vai trò của họ đã được phân chia rõ ràng trong thời gian huấn luyện. Họ sẽ hoàn thành kế hoạch này cùng nhau bằng biện pháp hữu hiệu nhất.

Tiếp viên hàng không này cho biết, mặc dù họ không thể tuyên bố ai đó tử vong, nhưng họ có thể thay đổi đường bay để đến sân bay có đội ngũ y tế để hỗ trợ cho hành khách.

Một người phụ nữ có tên Sue Jackman đã chia sẻ trên trang Quora về kinh nghiệm của cô và chồng khi đi trên chuyến bay mang số hiệu N25 của hãng hàng không New Zealand bay từ Los Angeles đến Auckland.

Cô Sue cho hay, cô và chồng ngồi ở hạng ghế thương gia. Chồng cô đã thiếp đi và không tỉnh lại nữa, vì vậy nên cô đã tìm đến sự giúp đỡ từ các tiếp viên hàng không. Họ đã mời một hành khách là bác sĩ đến để kiểm tra cho chồng cô và cuối cùng bác sĩ tuyên bố anh đã tử vong vào khoảng 4 tiếng trước khi máy bay hạ cánh.

Cô Sue kể rằng trong 4 tiếng cuối của chuyến bay, chồng cô vẫn nằm trên ghế và được đắp chăn lên người, còn cô thì nằm bên cạnh và ôm anh cho đến khi chuyến bay hạ cánh.

Theo lời cô Sue, mặc dù điều này rất đau đớn, nhưng cô đã có 4 tiếng đồng hồ để nói lời tạm biệt với chồng mình, đây là cơ hội mà cô không thể nào có được nếu không phải đang trên máy bay. Sự hỗ trợ và khích lệ của những người khác dành cho cô khiến cô cảm thấy được an ủi rất nhiều.

Về việc nơi mà chồng cô qua đời được tính là ở Los Angeles hay Auckland thì giấy chứng tử của anh ghi là trên chuyến bay N25.

Minh Ngọc (Theo Epoch Times)

Xem thêm: