Tự nhận thức là một kỹ năng vô giá giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định sáng suốt, xây dựng mối quan hệ bền chặt và truyền cảm hứng cho đội ngũ của họ. 

tu nhan thuc 1 1
Trau dồi khả năng tự nhận thức giúp các nhà lãnh đạo đưa ra quyết định sáng suốt, xây dựng mối quan hệ bền chặt và truyền cảm hứng cho đội ngũ của họ. (Ảnh: insta_photos/Shutterstock)

Với tư cách là một nhà lãnh đạo, Mark Sanborn tin rằng sự tự nhận thức là nền tảng không thể thiếu nếu bạn muốn lãnh đạo hiệu quả. Trong bối cảnh nền kinh tế đang phát triển không ngừng như ngày nay, chỉ những nhà lãnh đạo có khả năng tự nhận thức sâu sắc về bản thân mới có thể giải quyết các thách thức một cách hiệu quả, đưa ra quyết định sáng suốt và truyền cảm hứng cho nhân viên của mình làm điều tương tự và đạt được thành công.

Theo Gitnux, tự nhận thức là một kỹ năng quan trọng cần có để chúng ta có một cuộc sống thành công và hạnh phúc. Nhưng thật không may, số liệu thống kê cho thấy chỉ có 10-15% mọi người thực sự nhận thức được bản thân, 85% tin rằng họ đã nhận thức rõ về bản thân nhưng thực tế không phải như vậy, khoảng 50-70% có một điểm mù đáng kể có thể gây tác động tiêu cực đến các mối quan hệ và kỹ năng lãnh đạo của họ.

Hầu như tất cả mọi người đều có điểm mù, bất kể vị trí và công việc của họ là gì. Tuy nhiên, điểm mù của một nhà lãnh đạo sẽ có khả năng lan tỏa rộng hơn và có thể gây ảnh hưởng đến những nhân viên cấp dưới. Theo Korn Ferry, gần 80% các nhà lãnh đạo đều có điểm mù.

Tầm quan trọng của sự tự nhận thức

Tự nhận thức là khả năng xem xét nội tâm và tự nghiệm ra suy nghĩ, cảm xúc, hành vi của chính bản thân. Việc này giúp các nhà lãnh đạo xác định được điểm mạnh, điểm yếu, giá trị và điểm mù của họ. Chỉ khi nhận thức được tác động của mình đối với người khác, chúng ta mới có thể xây dựng các mối quan hệ bền chặt, thúc đẩy môi trường làm việc tích cực và đưa ra những lựa chọn sáng suốt phù hợp với tầm nhìn và mục tiêu của chúng ta.

Các loại tự nhận thức

1. Tự nhận thức về cảm xúc

Kiểu tự nhận thức này liên quan đến việc nhận biết và hiểu được cảm xúc của chính chúng ta. Những nhà lãnh đạo sở hữu khả năng tự nhận thức về mặt cảm xúc sẽ biết cách quản lý cảm xúc của họ một cách hiệu quả, biết cách giữ bình tĩnh trong những tình huống căng thẳng và đồng cảm với nhu cầu của các thành viên trong nhóm. Nếu muốn tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở và tràn ngập niềm tin, việc đầu tiên chúng ta cần làm học cách điều hòa cảm xúc của chính mình.

tu nhan thuc 3
Để tạo ra một môi trường giao tiếp cởi mở và tràn ngập niềm tin, việc đầu tiên các nhà lãnh đạo cần làm là học cách điều hòa cảm xúc của mình trong những tình huống căng thẳng. (Ảnh: NDAB Creativity/ Shutterstock)

2. Tự nhận thức về xã hội

Tự nhận thức xã hội liên quan đến việc người khác nhìn nhận chúng ta như thế nào. Các nhà lãnh đạo có khả năng tự nhận thức xã hội sẽ ý thức được rằng lời nói, hành động, ngôn ngữ cơ thể của họ có thể gây ảnh hưởng đến những người xung quanh. Các nhà lãnh đạo nên mài giũa kỹ năng này để điều chỉnh phong cách giao tiếp cho chính mình, đồng thời xây dựng mối quan hệ tốt đẹp, truyền cảm hứng, khơi gợi sự trung thành và hợp tác cho các nhân viên.

3. Tự nhận thức điểm mạnh và điểm yếu

Để lãnh đạo hiệu quả, bạn cần tự nhận thức được điểm mạnh và điểm yếu của bản thân. Những nhà lãnh đạo sở hữu khả năng tự nhận thức này có thể tận dụng điểm mạnh của mình để gặt hái thành công và tìm kiếm người phù hợp để xử lý đầu việc liên quan đến điểm yếu của họ. Bằng cách tự thấu hiểu những hạn chế của bản thân, chúng ta sẽ có thể nuôi dưỡng văn hóa học hỏi và phát triển liên tục trong công ty.

Phát triển khả năng tự nhận thức

Bạn có thể áp dụng một số phương pháp dưới đây để phát triển khả năng tự nhận thức.

1. Suy ngẫm và thiền định

Dù bận rộn đến mấy cũng nên dành ra một khoảng thời gian riêng để xem xét nội tâm và tự suy ngẫm. Bạn có thể thực hành chánh niệm hoặc thiền định để tĩnh tâm và hiểu sâu sắc hơn về suy nghĩ, cảm xúc và động lực của mình.

tu nhan thuc 2 1
Thực hành chánh niệm hoặc thiền định để tĩnh tâm và hiểu sâu sắc hơn về suy nghĩ, cảm xúc và động lực của mình. (Ảnh: atiger/ Shutterstock)
Đăng ký học thiền, rèn luyện cả tâm lẫn thân tại đây.

2. Ghi nhận phản hồi

Bạn nên tích cực ghi nhận phản hồi từ các đồng nghiệp và người cố vấn đáng tin cậy. Hãy khuyến khích họ đưa ra những phản hồi trung thực và mang tính xây dựng để giúp bạn hiểu được cách bạn đang hành xử có tác động như thế nào tới họ. 

3. Viết nhật ký

Bạn nên duy trì thói quen viết nhật ký để ghi lại những suy nghĩ, kinh nghiệm và bài học của mình. Đây là cách đơn giản giúp bạn xác định những điều tốt và không tốt, nhận biết các yếu tố kích hoạt và theo dõi sự phát triển bản thân với tư cách là người lãnh đạo.

4. Đánh giá và công cụ

Bạn có thể sử dụng các công cụ tự đánh giá (như đánh giá tính cách hoặc phản hồi 360 độ) để hiểu được điểm mạnh, điểm yếu và phong cách lãnh đạo của mình một cách khách quan.

5. Không ngừng học hỏi

Tất cả các nhà lãnh đạo thành công đều khuyên mọi người đừng bao giờ ngừng học hỏi. Tham gia các hoạt động phát triển chuyên môn hoặc tham dự hội thảo là một cách hiệu quả giúp bạn có thêm những góc nhìn mới mẻ và nâng cao sự tự nhận thức của bản thân. 

Thông qua việc xem xét nội tâm, tìm kiếm phản hồi, viết nhật ký và không ngừng học hỏi, các nhà lãnh đạo có thể trau dồi khả năng tự nhận thức và tạo ra tác động tích cực đến bản thân, đội nhóm và tổ chức của họ.