Một ngôi sao băng rất sáng, như một quả cầu lửa, đã được các camera ghi lại trên khắp Vương quốc Anh.

sao băng
(Ảnh: Chụp màn hình)

Một ngôi sao băng “khổng lồ” đã rực sáng trên bầu trời Vương quốc Anh vào đêm 28/2 vừa qua, khiến những người may mắn quan sát được nó cảm thấy thích thú.

Sao băng được phát hiện vào khoảng trước 10 giờ tối và có thể nhìn thấy trong chừng 7 giây. Nó đã được ghi lại trên các chuông cửa tích hợp camera an ninh ở Manchester, Cardiff, Honiton, Bath, Midsomer Norton và Milton Keynes.

Mạng lưới Sao băng của Vương quốc Anh (UK Meteor Network), một nhóm các nhà thiên văn nghiệp dư đã sử dụng máy ảnh để ghi lại những lần quan sát được sao băng trên khắp Vương quốc Anh kể từ năm 2012, cho biết thiên thạch này là một quả cầu lửa, đồng thời viết trên trang Twitter rằng: “Từ 2 video, chúng tôi thấy đây là một thiên thạch di chuyển chậm với sự phân mảnh có thể nhìn thấy rõ ràng.”

Thiên thạch là các vật chất không gian bốc cháy khi chúng rơi vào bầu khí quyển của Trái Đất. Quả cầu lửa là những thiên thạch đặc biệt sáng mà theo lý thuyết có thể quan sát thấy trong ánh sáng ban ngày. Theo Hiệp hội Sao băng Mỹ (AMS), ánh sáng của các quả cầu lửa nói chung có cường độ -4, sáng như hành tinh Sao Kim khi được nhìn thấy vào buổi tối hoặc buổi sáng. Ánh sáng của Mặt trăng tròn có cường độ -12,6, trong khi của Mặt Trời là -26,7.

AMS cho biết trong khi “có vài nghìn thiên thạch với cường độ ánh sáng như quả cầu lửa xuất hiện trong bầu khí quyển của Trái Đất mỗi ngày,” hầu hết chúng đều rơi xuống đại dương hoặc các khu vực không có người ở.

Mạng lưới Sao băng của Vương quốc Anh cho hay có hơn 120 người báo cáo rằng họ đã nhìn thấy sao băng xuất hiện vào đêm ngày 28/2.

Một người dùng Twitter đã viết về quả cầu lửa rằng: “Đầu tiên tôi nghĩ đó là một ngôi sao sáng hoặc một chiếc máy bay, sau đó nó lớn hơn và di chuyển với tốc độ nhanh hơn, sau đó một tia sáng khổng lồ thắp sáng bầu trời và bùng phát thành một đuôi lửa khổng lồ màu cam, theo sau là các tia lửa tóe lên, tựa như một màn bắn pháo hoa hoành tráng vậy!”

Những người khác nói đùa rằng hiện tượng này là “sự trả thù” cho chuyến hạ cánh trên sao Hỏa của tàu thăm dò Perseverance của NASA vào tuần trước. Tàu thăm dò này đã chia sẻ những hình ảnh và bản ghi âm đầu tiên về âm thanh trên Hành tinh Đỏ.

Theo The Guardian,

Phan Anh

Xem thêm: