Hôm 20/9 vừa qua, Sáng kiến “JournalismAI” thuộc Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (Anh) đã công bố kết quả một cuộc khảo sát cho thấy trí tuệ nhân tạo (AI) mang đến cả lợi ích và rủi ro trong hoạt động báo chí. Theo đó, có tới 60% số người được hỏi bày tỏ lo ngại tác động về mặt đạo đức khi sử dụng AI trong tác nghiệp báo chí.

báo chí
(Ảnh minh họa: VesnaArt/Shutterstock)

Cụ thể, cuộc khảo sát được thực hiện từ tháng 4-7, tại hơn 100 tổ chức truyền thông thuộc 46 quốc gia, về việc sử dụng AI và các công nghệ liên quan. Kết quả cho thấy 85% số người được hỏi đã trải nghiệm công cụ AI tạo sinh, điển hình là ChatGPT hoặc Google Bard, để viết tóm tắt và đặt tiêu đề tin. Tuy nhiên, 60% số người tham gia khảo sát bày tỏ lo ngại về rủi ro đạo đức của AI đối với các giá trị của báo chí, bao gồm tính chính xác, công bằng, minh bạch…

Theo khảo sát, giới báo chí thừa nhận rằng AI giúp tiết kiệm thời gian tiến hành các nhiệm vụ như ghi chép, gỡ băng phỏng vấn… Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng cần có người kiểm tra các nội dung do AI tạo ra nhằm “giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn như sự thiên kiến và thiếu chính xác”.

Đồng tác giả nghiên cứu, kiêm Giám đốc dự án, ông Charlie Beckett nhận định: “Báo chí toàn cầu đang trải qua thời kỳ thay đổi công nghệ thú vị và đáng sợ. Cuộc thăm dò trên là minh chứng cho thấy công cụ AI tạo sinh vừa là mối đe dọa tiềm tàng, vừa tạo ra cơ hội khiến báo chí hoạt động năng suất, hiệu quả và đáng tin cậy hơn”.

Đồng tác giả nghiên cứu, bà Mira Yaseen lưu ý rằng lợi ích kinh tế xã hội do AI tạo ra tập trung ở các nước khu vực Bắc Bán cầu, trong khi tác hại của chúng lại ảnh hưởng đến khu vực Nam Bán cầu. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng, do đó cần thiết lập khuôn khổ cho hoạt động phát triển và ứng dụng AI trên thế giới một cách có ý thức về sức mạnh của loại công nghệ trên.

Phan Anh

Video: Bậc trí giả biết cách khuyến thiện, không làm tổn thương người khác