Hiện có tin đồn rằng hiệp hội diễn viên có thể sẽ tiếp tục đình công vào ngày 12/7 theo giờ phương Tây. Theo phân tích của truyền thông Hoa Kỳ, chủ yếu là do các công nghệ như nền tảng phát trực tuyến và trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng đến sinh kế của những người hành nghề điện ảnh và truyền hình.

shutterstock 2320153383
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) ảnh hưởng đến sinh kế của những người hành nghề điện ảnh và truyền hình. (Ảnh: Stock-Asso/ Shutterstock)

Hôm 12/7 tuần báo giải trí Variety đưa tin, cùng ngày “Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh-Liên đoàn Nghệ sĩ Truyền hình và Phát thanh Mỹ (SAG-AFTRA) đã tổ chức một cuộc gọi hội nghị với 140 giám đốc điều hành từ các công ty PR của Hollywood, để thông báo cho các công ty PR về dàn diễn viên sắp tới.

Hiệp hội Nhà văn Hoa Kỳ cũng đình công từ ngày 2/5 và gửi yêu cầu đến “Liên minh Các nhà Sản xuất Phim và Truyền hình” (AMPTP) được thành lập bởi các hãng phim và công ty sản xuất phim và truyền hình, để nhận được đãi ngộ tốt hơn.

Hợp đồng hiện tại giữa Hiệp hội Diễn viên Màn ảnh Hoa Kỳ (SAG) và AMPTP sẽ hết hạn vào ngày 12/7. Hai bên đã tiếp tục đàm phán trong thời gian gần đây. SAG đang chuẩn bị phát động một cuộc đình công, đấu tranh đòi các điều kiện tốt hơn từ các hãng phim và công ty sản xuất phim và truyền hình.

Variety đã đăng một báo cáo độc quyền, tiết lộ hiệp hội diễn viên đang chuẩn bị những bước cuối cùng cho cuộc đình công vào ngày 12/7.

Theo báo cáo, các nhân viên quan hệ công chúng trong ngành đã rất hoang mang trước tin tức này trong cuộc gọi hội nghị. Bởi hiện tại có rất nhiều bộ phim chiếu rạp đang được quảng bá. Nếu cuộc đình công trở thành sự thật, tất cả các chương trình quảng bá này sẽ bị đình chỉ.

Gần đây, tờ Los Angeles Times dẫn lời các nhà sử học và chuyên gia lao động, cho rằng có một số yếu tố quan trọng đằng sau làn sóng đình công này ở Hollywood. Trong đó phải kể đến sự gắn kết ngày càng lớn giữa nghiệp đoàn và công đoàn Hollywood.

Sau dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), các phong trào của người lao động nở rộ trên khắp nước Mỹ. Quan trọng hơn là tác động của các nền tảng phát trực tuyến và trí tuệ nhân tạo (AI) đối với các thành viên là rất lớn.

Hai tháng qua, các nhà biên kịch Hollywood đã xuống đường và tổ chức các cuộc đình công, đáng chú ý nhất là việc chống lại các nền tảng phát trực tuyến.

Vào thời điểm bùng nổ nội dung điện ảnh và truyền hình, điều kiện làm việc và tiền lương của các nhà văn đang bị siết chặt, các công ty truyền thông lớn đang đầu tư ngày càng nhiều tiền vào các nền tảng phát trực tuyến, trong khi các nhà văn lại kiếm được ít tiền hơn.

Sự nở rộ của các nền tảng phát trực tuyến cũng ảnh hưởng đến sinh kế của các diễn viên. Trước đây khi tác phẩm của các diễn viên điện ảnh, truyền hình được phát sóng trên các nền tảng truyền thống như truyền hình cáp, thì diễn viên sẽ có thu nhập, mỗi lần phát sóng họ lại có thu nhập.

Hiện giờ khi các nền tảng phát trực tuyến phát sóng lại, thu nhập mà các diễn viên có thể nhận được ít hơn 3% so với các kênh truyền thống.

Thậm chí AI, một công nghệ mới khác, có thể còn gây ra mối đe dọa lớn hơn. Biên kịch và nhà văn lo lắng rằng công ty sản xuất có thể chỉ định phong cách kịch bản, và dùng công nghệ AI để viết kịch bản. Sau đó, họ chỉ cần tìm biên kịch sửa đổi một chút là có thể quay phim.

Vì biên kịch không hoàn thành toàn bộ kịch bản, nên công ty sản xuất đã trả cho họ ít hơn rất nhiều. Trong tương lai, AI thậm chí có thể thay thế hoàn toàn các nhà biên kịch.

Diễn viên cũng lo mất việc. Hiện tại, khi hãng phim ký hợp đồng với diễn viên, họ thường yêu cầu diễn viên phải từ bỏ quyền đối với chân dung và giọng nói của nhân vật, để hãng phim có thể phát triển doanh thu phụ, như sử dụng nhân vật trong công viên giải trí hoặc búp bê.

Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ AI, các diễn viên lo lắng rằng sau khi hãng phim tước bỏ quyền về chân dung và lồng tiếng, các cơ hội biểu diễn trong tương lai sẽ bị thay thế bởi AI.

AI cũng đã giúp các nhà làm phim trẻ hóa các diễn viên lớn tuổi. Chẳng hạn trong phim “Indiana Jones and the Dial of Destiny” sẽ ra mắt mùa hè này, Harrison Ford vẫn vào vai chính, nhưng mở đầu phim là các cảnh Indiana Jones lúc chừng 40 tuổi, cũng do ông lão năm nay đã 81 tuổi thủ diễn.

Máy tính sẽ xóa vết nhăn, kéo căng da mặt, nhuộm đen mái tóc bạc, khiến các thước phim như được quay lúc thực hiện tập đầu của loạt phim phiêu lưu mạo hiểm này vào năm 1981, cách đây 42 năm.

Hiệp hội Diễn viên lồng tiếng cho biết, họ không chống AI hay phản đối công nghệ, nhưng yêu cầu phải có luật lệ rõ ràng. Ngày càng khó nhận biết đâu là giọng người thật, đâu là giọng tổng hợp của máy trong nhiều sản phẩm, từ phim ảnh đến sách nói. Với diễn viên lồng tiếng, giọng nói là nguồn thu nhập của họ, nên công nghệ AI sẽ đe dọa trực tiếp đến sinh kế của họ.

Theo một cuộc khảo sát độc quyền về “Nền tảng trí tuệ nhân tạo AI” do YouGov thực hiện, nhiều nhân viên trong ngành giải trí Hoa Kỳ bày tỏ sự lo ngại, liệu công nghệ AI tổng quát sẽ ảnh hưởng như thế nào đến vai trò của họ trong công ty và trong môi trường văn hóa rộng lớn hơn.

Kết quả khảo sát cho thấy, 36% nhân viên giải trí được khảo sát “rất” hoặc “hơi lo ngại” về tác động của AI đối với công việc của chính họ. 48% lo lắng AI có thể “được sử dụng để vi phạm quyền sở hữu trí tuệ”, 43% hơi lo ngại tình trạng mất việc khi ngày càng nhiều vấn đề hiện nay đều được trí tuệ nhân tạo giải quyết triệt để. Tương tự, 43% người tin rằng AI khiến chất lượng và khả năng sáng tạo của con người bị hạn chế.

Bình Minh (t/h)