Từ không tái chế tới không rác thải: Thủ đô Slovenia đã cải cách như thế nào?
- Hạ Chi
- •
Xử lý rác thải là câu chuyện đau đầu của bất kỳ đô thị lớn nào trên thế giới. Làm thế nào để xử lý rác một cách hiệu quả nhất là câu hỏi không dễ trả lời. Dưới đây là câu chuyện về kinh nghiệm của Ljubljana – thủ đô của nước Slovenia thuộc miền Nam châu Âu.
15 năm trước, toàn bộ rác thải của Ljubljana đều được gửi trả về cho đất mẹ, theo đúng nghĩa đen của nó. Tuy vậy, với khối lượng rác thải ngày càng tăng, các bãi chôn lấp liên tục phình ra và chiếm dụng lượng lớn đất đai. Bên cạnh đó, nhiều thứ còn dùng được bị bỏ đi trong rác, gây lãng phí lớn.
Ấy vậy mà tới năm 2019, Ljubljana lại trở thành thành phố đầu tiên ở châu Âu cam kết tiến tới zero-waste (tạm dịch: không rác thải). Mục tiêu của họ là tới năm 2025, ít nhất 75% rác sẽ được tái chế.
Điều thần kỳ đã xảy ra khi thành phố quyết định thay đổi.
Phân loại rác thải là bước đầu tiên, nhưng quan trọng nhất
Năm 2002, công ty Voka Snaga phụ trách mảng rác thải của thành phố đã đặt các thùng phân loại rác riêng cho giấy, đồ thủy tinh và bao bì trên các vỉa hè trong đô thị.
Bốn năm sau họ bắt đầu thu thập rác thải phân hủy sinh học tới tận từng hộ gia đình, hoàn thành yêu cầu bắt buộc này của Liên minh Châu Âu trước hẳn hai thập kỷ.
Năm 2013, tất cả các ngôi nhà trong thành phố nhận được thùng rác riêng để đựng bao bì và giấy thải. Bên cạnh đó, tần số thu rác giảm xuống một nửa cùng các chế tài khác được áp dụng để buộc người dân phải tự phân loại rác kỹ càng hơn.
Phối hợp xử lý, tái chế, tái sử dụng và ngăn chặn
Với nền tảng phân loại rác thải tốt, Ljubljana đã cho xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại nhất châu Âu để vươn tới mục tiêu 75% tỷ lệ tái chế rác vào năm 2025. Trung tâm Xử lý Rác thải Vùng (RCERO) được mở năm 2015 và hiện đang phục vụ 1/4 nhu cầu của đất nước. Họ dùng khí thiên nhiên để phát nhiệt và điện, xử lý 95% rác thải sinh hoạt thành vật liệu tái chế được và nhiên liệu rắn, số còn lại chỉ 5% được chuyển tới tới các bãi chôn lấp. Rác thải sinh học còn được chuyển thành phân bón chất lượng cao cho cây trồng.
Bên cạnh xử lý rác thải, còn có các biện pháp quan trọng khác: ngăn chặn, tái sử dụng và tái chế. Ngoài thu thập tận nhà, Ljubljana còn có hai trung tâm tái chế rác sinh hoạt để nhân dân tới bỏ rác. Rác được tự phân loại ngay tại hộ gia đình trước khi mang tới đây. Họ đang dự định xây thêm 10 cơ sở nữa ở các điểm đông dân cư hơn.
>> Vì sao Na Uy có thể tái chế tới 97% chai nhựa trong cả nước?
Với các đồ đạc nào có thể tái sử dụng được, họ sẽ kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ và bán lại với giá rẻ cho người cần. Hàng tuần có các lớp học để hướng dẫn người dân tự sửa chữa đồ đạc bị hỏng.
Các cửa hàng “Zero-waste” cũng mọc lên khắp Ljubljana. Công ty Voka Snaga còn tự vận hành các tiệm bán hàng không túi đựng, phục vụ các nhu cầu cơ bản trong gia đình. Văn phòng các cơ quan chính quyền dùng giấy vệ sinh tái chế từ vỏ hộp sữa và hộp nước hoa quả.
Trong trung tâm cổ kính của thủ đô, người ta đặt 67 thùng rác ngầm dưới mặt đất; thùng chỉ mở khi người dân quẹt thẻ. Công ty còn bố trí người đi bộ để thu gom rác thải, và có xe chuyên dụng để rửa đường bằng nước mưa và chất tẩy rửa phân hủy sinh học. Thùng rác phân loại được đặt khắp các góc phố.
Kết quả thu được rất ấn tượng
Năm 2008 thành phố chỉ tái chế 29,3% rác thải, hôm nay con số đó là 68%, và lượng rác thải phải chôn lấp giảm 80%, dẫn đầu bảng tỷ lệ tái chế trong thủ đô các nước thuộc Liên minh Châu Âu.
Mỗi người dân ở thành Ljubljana giờ chỉ thải ra 115 kg rác thải sinh hoạt mỗi năm, đứng sau Treviso, nước Ý với chỉ 59kg/người/năm.
>> Ngôi trường Ấn Độ nhận rác thải thay học phí, “trả lương” cho học sinh
Những thách thức trước mắt cho Ljubljana
Tuy vậy vẫn còn thử thách trước mắt cho những nhà quản lý môi trường của Ljubljana. Thứ nhất là quản lý rác thải ở các tòa nhà chung cư, nơi khó có thể xác định xem ai là người không chịu tuân thủ các quy định phân loại rác.
Thứ hai, người dân Slovenia có phong tục đốt các hộp nến tại nghĩa trang để tưởng niệm những người thân và bạn bè đã khuất trong những ngày lễ thánh. Với trung bình mỗi người đốt 12 hộp một năm, Slovenia là nước sử dụng hộp nến cao thứ ba thế giới. Và hàng núi những hộp nến bỏ đi sau khi đốt đã trở thành thách thức mới nhất cho những nhà quản lý rác ở đây.
Tuy vậy, những người châu Âu tin rằng Ljubjana có thể làm tốt hơn. Pierre Condamine, quan chức phụ trách chính sách về rác thải tại Tổ chức Zero Waste châu Âu nói: “Những người theo đuổi zero-waste lúc nào cũng hạnh phúc, những không bao giờ thỏa mãn.”
Hiện nay, phía trên đồng cỏ xanh mát của bãi chôn lấp sâu 24 mét tại ngoại ô thành phố Ljubjana, không có người nhặt rác, mà chỉ có hươu, thỏ và rùa đang dạo chơi tại đây!
Từ khóa đất nước Slovenia phân loại rác thải Ljubljana bảo vệ môi trường Chính sách kinh tế giảm rác thải