Báo chí nhà nước hôm 29/5 dẫn thông tin từ Tổng cục Thống kê cho biết trong 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 59.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2020.

khu vuc benh vien k 1
Nhiều cửa hàng tại khu vực Bệnh viện K cơ sở Tân Triều hôm 13/5 phải đóng cửa vì dịch viêm phổi Vũ Hán. (Ảnh: CTV/Trí Thức VN)

Trong đó bao gồm: 31.800 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; 20.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 20,7%; 8.000 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 32,3%.

Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Các doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (2.941 doanh nghiệp), công nghiệp chế biến, chế tạo (921 doanh nghiệp), xây dựng (724 doanh nghiệp)…

Cũng trong 5 tháng năm 2021, Việt Nam có gần 55.800 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 778.300 tỷ đồng, tăng 15,4% về số doanh nghiệp và tăng 39,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 5 tháng đạt 14 tỷ đồng, tăng 20,9%.

Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD

Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 130,94 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 33,06 tỷ USD, tăng 16,6%, chiếm 25,2% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 97,88 tỷ USD, tăng 36,3%, chiếm 74,8%.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường EU đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%; Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 8,4 tỷ USD, tăng 7,7%.

Trong khi đó, 5 tháng đầu năm, Việt Nam có kim ngạch nhập khẩu ước đạt 131,31 tỷ USD. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 43,3 tỷ USD, tăng 52,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 20,9 tỷ USD, tăng 20,5%; thị trường ASEAN đạt 18,1 tỷ USD, tăng 54,2%; Nhật Bản đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,8%; thị trường EU đạt 6,7 tỷ USD, tăng 16,8%; Hoa Kỳ đạt 6,4 tỷ USD, tăng 6,8%.

Ước tính, 5 tháng đầu năm 2021, Việt Nam nhập siêu 369 triệu USD.

Lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tiếp tục tăng

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2021 tăng 0,16% so với tháng trước, và tăng 1,43% so với tháng 12/2020. Tính chung CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2021 tăng 1,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2020.

Lạm phát cơ bản tháng 5/2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi đó, chỉ số giá vàng tháng 5/2021 tăng 1,68% so với tháng trước; giảm 0,88% so với tháng 12/2020 và tăng 13,02% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 5/2021 giảm 0,21% so với tháng trước; giảm 0,02% so với tháng 12/2020 và giảm 1,15% so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến 6h ngày 30/5, Việt Nam đã công bố tổng cộng 6.908 ca COVID-19, gồm 5.406 ca trong nước và 1.502 ca nhập cảnh. Tổng số bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị là 3.961 người.

Chí Thành

Xem thêm:

Hơn 31 triệu lao động phi chính thức “đã thực sự rất khó khăn”