Quan chức cấp cao của Ấn Độ cho biết, vào tháng tới nước này sẽ khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp chất bán dẫn đầu tiên, theo kế hoạch vào cuối năm 2024 sẽ cho ra đời lô chip nội địa đầu tiên.

shutterstock 2140180007
(Ảnh minh họa: Thichaa/ Shutterstock)

Theo Financial Times, Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ Ashwini Vaishnaw cho biết, với sự trợ cấp từ Chính phủ Ấn Độ, vào tháng 8 công ty bán dẫn Micron technology của Mỹ sẽ bắt đầu xây dựng một nhà máy lắp ráp và thử nghiệm chip ở tiểu bang Gujarat, dự án trị giá 2,75 tỷ USD.

Theo ông Vaishnaw, “kế hoạch bán dẫn Ấn Độ” do Chính phủ Modi đứng đầu cũng đang làm rất nhiều việc để huy động hỗ trợ từ các đối tác chuỗi cung ứng liên quan khác, bao gồm các nhà cung cấp hóa chất, khí đốt và thiết bị sản xuất.

“Đó là tốc độ nhanh nhất mà một quốc gia từng xây dựng một ngành công nghiệp mới”, ông Vaishnaw nói với Financial Times. “Tôi không chỉ nói về việc thành lập một công ty mới mà còn xây dựng một ngành công nghiệp mới trong nước. Mục tiêu của chúng tôi là 18 tháng, tức là vào tháng 12/2024 khi nhà máy này sản xuất những sản phẩm đầu tiên”.

Một kế hoạch đầy tham vọng như vậy đặt ra một thời gian biểu khắt khe cho Chính phủ Modi.

Vài năm gần đây, Ấn Độ phải vật lộn để xây dựng năng lực sản xuất điện thoại thông minh, pin, xe điện và các thiết bị điện tử khác. Để đạt được mục tiêu đó, gần đây New Delhi đã khởi động lại kế hoạch trợ cấp 10 tỷ USD cho sản xuất chip.

Khi khởi động lại quy trình, Ấn Độ đã nới lỏng quy chuẩn, tìm kiếm đầu tư từ nhà sản xuất “uy tín” chỉ cần khả năng sản xuất từ 40nm ở Ấn Độ.

Ông Vaishnaw nói rằng nhà chức trách đang đàm phán với hơn chục doanh nghiệp: “Trong số 14 công ty mà chúng tôi đã trao đổi, có hai công ty thực sự tốt và có thể thành công”. Nhưng ông từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.

Ông cho biết có hơn 50.000 nhà thiết kế bán dẫn ở Ấn Độ, thực tế  mọi con chip phức tạp trên thế giới đều có tham gia thiết kế ở Ấn Độ. Ông nói thêm: “Hệ sinh thái đã tồn tại. Có được nhà máy là bước tiếp theo, đó là những gì chúng tôi đang xem xét, hợp tác với Micron là một chiến thắng thực sự lớn”.

Chuyên gia: Hợp tác công nghệ đang củng cố quan hệ an ninh Mỹ-Ấn

Mỹ và Ấn Độ đang tăng cường hợp tác công nghệ, đây cũng là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Modi tới Mỹ vào tháng trước. Ngoài thỏa thuận Micron, nhà sản xuất thiết bị chip Ứng dụng Vật liệu Applied Materials cũng đã thông báo sẽ đầu tư 400 triệu USD vào một trung tâm kỹ thuật mới ở Bengaluru.

Ved Shinde, cộng tác viên nghiên cứu tại Viện Chính sách Xã hội châu Á ở New Delhi, cho biết sự ngờ vực đối với Bắc Kinh đã thiết lập vai trò của Ấn Độ trong chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc, và hợp tác địa kinh tế và công nghệ đã trở thành động lực thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn.

Trong một bài bình luận ​​​ được đăng trên Nikkei châu Á vào thứ Ba (4/7), ông Shinde đã chỉ ra rằng “chiến thuật tằm ăn dâu” (salami-slicing tactics) của Trung Quốc để chiếm lãnh thổ ở biên giới Trung-Ấn đã gây ra sự phẫn nộ trong công chúng Ấn Độ. Mỹ là đối tác quan trọng nhất của New Delhi trước ưu thế quân sự của Trung Quốc.

Shinde cũng cho biết rằng Ấn Độ được coi là một đối trọng quan trọng trong bối cảnh Mỹ áp đặt các biện pháp kiểm soát công nghệ đối với Trung Quốc.

“Washington đang hợp tác với Ấn Độ và các nước có cùng chí hướng khác để hình thành một trật tự kinh tế mới dựa trên công nghệ tiên tiến”, Schind nhấn mạnh. “Công nghệ hứa hẹn sẽ thúc đẩy quan hệ Mỹ-Ấn trong nhiều năm tới, tạo ra cơ hội kinh tế to lớn, tăng cường an ninh quốc gia của cả hai nước và định hình một trật tự địa kinh tế toàn cầu mới”.