Bộ Công thương cho biết để xây dựng nguồn điện, lưới điện đến năm 2030 cần số tiền đầu tư lên tới khoảng 135 tỷ USD. Do vậy, trong các năm tới, Việt Nam cần khoảng 13,5 tỷ USD/năm để nâng cấp nguồn và lưới điện, kỳ vọng giảm tình trạng thiếu điện ở miền Bắc.

tap doan EVN dien luc EVN 15163791351 scaled
Tập đoàn EVN đề xuất tăng giá điện vào tháng 9/2023, sau khi đã tăng thêm 3% từ hôm 4/5. (Ảnh: Evgenii mitroshin/Shutterstock)

Thông tin trên được Bộ Công thương nêu trong tờ trình gửi Chính phủ, kế hoạch này là cơ sở để đầu tư, xây dựng các dự án nguồn và lưới điện trong Quy hoạch điện VIII.

Như vậy, giai đoạn đến 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 11,3-13,5 tỷ USD đầu tư các dự án nguồn và lưới điện.

Riêng vốn đến 2025 là trên 57 tỷ USD, trong đó nguồn điện chiếm hơn 84%, và lưới truyền tải 16%. 5 năm sau đó, các dự án nguồn điện cần gần 72 tỷ USD để đầu tư, xây dựng, trong khi truyền tải cần khoảng 6 tỷ USD.

Một trong số dự án truyền tải điện cấp bách trong Quy hoạch điện VIII cũng đang chờ kế hoạch này được thông qua để có cơ sở triển khai, là dự án đường dây 500 kV mạch 3 kéo dài nối từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên), với tổng chiều dài 514 km, vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD (khoảng 23.500 tỷ đồng).

Đầu tháng 7, Thủ tướng Việt Nam – ông Phạm Minh Chính yêu cầu EVN, EVNNPT gấp rút triển khai đầu tư, vận hành dự án lưới điện này vào tháng 6/2024, rút ngắn khoảng 1 năm so với dự kiến ban đầu của chủ đầu tư.

Dự án trên sẽ giúp tăng hơn gấp đôi năng lực truyền tải điện từ Nam ra Bắc (5.000 MW), để tăng cung ứng, giảm thiếu điện cho miền Bắc các năm tới.

Trọng Minh