Trước đề xuất giao toàn quyền quản lý xăng dầu về cho Bộ Công thương của Bộ Tài chính, mới đây, Bộ Công thương nêu ý kiến ngược lại, muốn giao cho Bộ Tài chính toàn bộ việc điều hành giá, tính toán chi phí. Về vấn đề này, chuyên gia cho rằng hai bộ đang đùn đẩy trách nhiệm.

bo cong thuong vs bo tai chinh
Bộ này muốn “giao hoàn toàn quyền quản lý xăng dầu” về cho Bộ kia. (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn/Đức Minh biên tập)

Theo đó, truyền thông trong nước đưa tin, Bộ Công thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo nghị định 95 kinh doanh xăng dầu.

Nêu quan điểm sửa đổi quy định liên quan đến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với xăng dầu của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương đưa ra 3 phương án gồm:

– Giữ nguyên như quy định hiện hành, tức là nhiều bộ ngành cùng quản lý xăng dầu;

– Hai đề xuất khác là giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công Thương quản lý.

Với phương án giữ nguyên, Bộ Công thương cho rằng có bất cập là khi có vấn đề phát sinh lại cần sự phối hợp giữa các bộ ngành để cùng xử lý.

Với phương án giao về Bộ Tài chính, Bộ Công Thương cho rằng việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu, nên có thể có những bất ổn.

Tuy vậy, nếu giao cho Bộ Công thương thì bộ này tự thừa nhận vẫn “không đảm bảo sự phù hợp, dẫn tới chồng chéo”.

Dẫu có dự đoán bất ổn, phương án mà Bộ Công thương lựa chọn vẫn là “giao hoàn toàn việc điều hành giá, tính toán chi phí cho Bộ Tài chính”. Bộ Công thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng việc Bộ Công thương đề xuất đưa quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính thực chất đang “đá quả bóng trách nhiệm”, theo Tuổi Trẻ.

Theo ông Long, trên thực tế, quản lý giá xăng dầu đã trải qua nhiều giai đoạn. Cũng từng có thời kỳ Bộ Tài chính quản lý mặt hàng này, sau đó chuyển về Bộ Công thương và duy trì đến nay.

Về đề xuất giao quản lý xăng dầu về Bộ Tài chính, ông Long cho rằng bộ này chỉ nắm về quy định thuế, cơ cấu tính giá. Trong khi cung cầu là chuyện không quản lý nên sẽ có khó khăn, “có thể bất ổn”.

Đồng tình, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho hay không nên giao toàn bộ quyền quản lý xăng dầu cho Bộ Tài chính. Bởi lẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu mang đặc thù của hoạt động thương mại.

Từ việc xuất nhập khẩu, quản lý cung cầu thị trường, quan hệ mua bán với nhà máy lọc dầu trong nước, Bộ Công thương đều quản lý.

Trước đó, tình trạng thiếu hụt xăng dầu trên diện rộng nhiều tỉnh thành trên cả nước đã bộc lộ nhiều bất cập trong việc quản lý, điều hành giá xăng dầu của Việt Nam.

Một phần nguyên nhân do giá dầu thế giới biến động, cộng với việc thiếu kho dự trữ xăng dầu chiến lược riêng của quốc gia, bên cạnh việc quản lý giữa các bộ chậm trễ trong các quyết định khiến đứt gãy chuỗi cung ứng, doanh nghiệp xăng dầu nhập giá cao – bán giá thấp gây thua lỗ lớn trong năm vừa qua.

Đức Minh