Từ ngày 1/3/2024, giá vé nội địa phổ thông đường bay dài nhất từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/chiều (tăng 250.000 đồng so với trước).

r bo gtvt tang gia tran ve may bay noi dia hang pho thong cao nhat 4 trieu chieu 1
Bộ GTVT tăng giá trần vé máy bay nội địa, hạng phổ thông cao nhất 4 triệu/chiều. (Ảnh: baobinhdinh.vn)

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 34 sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa, áp dụng từ ngày 1/3/2024.

Theo thông tư, vé phổ thông trên các đường bay có khoảng cách dưới 500km có mức giá trần là 1,6 triệu đồng (đường bay phát triển kinh tế – xã hội) và 1,7 triệu đồng với các đường bay khác, giữ nguyên so với quy định hiện hành.

Đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có giá vé trần là 2,25 triệu đồng (tăng 50.000 đồng); đường bay 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa 2,89 triệu đồng (tăng 100.000 đồng so với trước).

Đường bay 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần 3,4 triệu đồng (tăng 200.000 đồng) và đường bay từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng (tăng 250.000 đồng so với trước).

Đây là các mức giá trần chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, các khoản phí soi chiếu an ninh, phí dịch vụ mặt đất được hãng bay thu hộ và các dịch vụ nâng cao của hãng hàng không.

Như vậy, Bộ GTVT đã chính thức nâng giá trần vé máy bay. Tuy nhiên, Bộ vẫn chưa tính tới bỏ hoàn toàn trần giá vé như kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không.

bo gtvt tang gia tran ve may bay noi dia hang pho thong cao nhat 4 trieu chieu
Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách hạng phổ thông cơ bản. (Ảnh: mt.gov.vn)

Việc áp giá trần vé máy bay được Bộ GTVT lý giải là công cụ điều tiết của nhà chức trách nhằm đảm bảo quyền tiếp cận dịch vụ cho người dân và tránh độc quyền từ các hãng hàng không.

Tuy nhiên, khung giá vé máy bay được áp dụng từ năm 2015 đến nay được cho là không còn phù hợp do hàng loạt chi phí đi kèm, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng lên.

Các hãng hàng không do gặp khó khăn về tài chính nên đã nhiều lần kêu gọi Bộ GTVT bỏ giá trần vé máy bay, để việc điều tiết giá do thị trường tự do quyết định.

Hồi tháng 6, Hiệp hội doanh nghiệp vận tải hàng không (VABA) kiến nghị bỏ quy định trần vé máy bay, đề xuất Chính phủ bỏ điều khoản này trong Luật Giá. VABA cho rằng quy định trần giá vé máy bay nội địa làm “méo mó quan hệ cung cầu trên thị trường vận chuyển hàng không”, “ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các hãng bay”.

Bình luận trên báo VnExpress, độc giả Lãng khách cô hành viết: “Thành thật khuyên các anh em đặt tour cho cả gia đình đi nước ngoài,khả năng cao là rẻ hơn đón Tết trong nước. Nếu không thì quá cảnh nước ngoài, đi đường vòng.”

Bạn Thế Bình Nguyễn bình luận : “Khó cho ngành hàng không rồi. Giờ ô tô cá nhân ngày càng phổ biến và đã có xu hướng tự lái xe du lịch dài ngày để tiết kiệm chi phí và tiện lợi. Tương lai thì đường sắt chất lượng cao và tàu cao tốc. Người dân có lẽ chỉ cần mua vé máy bay khi cần đi nước ngoài thôi.”

Một người khác có nickname Sông Đông êm đềm đưa ý kiến: “Thật ra giá trần không ảnh hưởng gì đến giá vé cả. Vì như hiện nay giá trần là 3,75 triệu đồng nhưng chỉ 1 tỷ lệ nhỏ có vé chạm trần, còn rất nhiều vé rẻ. Chỉ có điều, nên quy định ngành hàng không bắt buộc phải công bố giá vé có nghĩa là số tiền thực trả của khách hàng. Cũng như ô tô, tàu hoả, giá vé nghĩa là bao gồm tất cả chi phí khác, riêng máy bay lại tách thuế phí ra ngoài. Nên nhiều khi bảo vé khuyến mãi chưa đến 100 nghìn đồng, cuối cùng số tiền thực nộp cao gấp mấy, đúng kiểu 1 tiền gà, 3 tiền thóc.”

Độc giả vtthucmisa thắc mắc: “Liệu có kích cầu du lịch được không nhỉ?”.

Khánh Vy (t/h)