Tổng giám đốc toàn cầu Grab Anthony Tan cho biết phụ phí “nắng nóng gay gắt” là mong muốn của Grab giúp tài xế ra đường làm việc dù trong điều kiện hoàn cảnh khó khăn, do đó 100% nguồn thu này thuộc về tài xế.

grab việt nam phụ phí nắng nóng gay gắt
Tại Việt Nam, Grab lỗ luỹ kế đến 4.365 tỷ đồng. Trong đó, năm 2021 doanh nghiệp này lỗ hơn 300 tỷ đồng. (Ảnh: StreetVJ/Shutterstock)

Trong buổi gặp mặt giữa nhà sáng lập Grab và Phó thủ tướng Việt Nam Lê Minh Khái hôm 19/7, ông Anthony Tan cho biết Grab cam kết hoạt động lâu dài và nghiêm túc ở Việt Nam. Bên cạnh đó, công ty này được niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ nên hoạt động tài chính rất minh bạch.

Tại Việt Nam, hiện Grab vẫn đang trong giai đoạn phát triển, dù hoạt động đầu tư chưa thu được lợi nhuận nhưng với chiến lược lâu dài, Grab vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng.

Bên cạnh việc tuân thủ pháp luật sở tại, thực hiện đúng quy định về nghĩa vụ thuế, Grab sẽ tiếp tục phục vụ tốt hơn cho người dùng Việt Nam.

Thảo luận về vấn đề được nêu ra gần đây khi Grab Việt Nam thông báo thu phụ phí “nắng nóng gay gắt” (3.000-5.000 đồng tùy dịch vụ và khu vực) từ ngày 6/7 nhưng không quy định cụ thể. Ông Anthony Tan cho biết Grab mong muốn tài xế vẫn sẽ ra đường làm việc dù hoàn cảnh khó khăn, do vậy 100% nguồn thu từ phụ phí nắng nóng sẽ dành cho tài xế.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (thuộc Bộ Công thương) gửi văn bản hôm 11/7, đề nghị Công ty Grab cung cấp thông tin về các loại phụ phí, tiêu chí xác định và tỷ lệ chia cho tài xế mà doanh nghiệp này đang áp dụng, phản hồi trước ngày 18/7. Tuy vậy, Grab đã xin lùi thời hạn nộp báo cáo giải trình.

Theo báo cáo tài chính năm 2021, doanh thu của Grab Việt Nam giảm 11% so với năm trước đó, xuống còn 3.345 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng lại tăng nhẹ khiến lợi nhuận gộp của Grab giảm 19,5%, còn 1.950 tỷ đồng.

Sau khi trừ các chi phí, Grab Việt Nam lỗ khoảng 300 tỷ đồng. Lợi nhuận của công ty này đảo chiều so với năm 2020 (lãi hơn 243 tỷ đồng) chủ yếu bởi chi phí bán hàng tăng mạnh. Năm 2021, Grab Việt Nam ghi nhận chi phí bán hàng 1.926 tỷ đồng, tăng gần 390 tỷ đồng so với năm 2020.

Tính đến hết năm ngoái, Grab Việt Nam ghi nhận khoản lỗ luỹ kế 4.365 tỷ đồng. Vốn góp của công ty vẫn duy trì ở mức 20 tỷ đồng, trong đó bà Lý Thụy Bích Huyền nắm 51%, Grab Inc – một doanh nghiệp được thành lập tại Singapore nắm 49%. Theo giới thiệu trên website Grab, bà Huyền hiện là người đại diện pháp luật, kiêm giám đốc điều hành Grab Việt Nam.

Dù vốn chủ sở hữu đến hết năm 2021 âm 4.345 tỷ đồng, tổng nguồn vốn của Grab Việt Nam vẫn đạt gần 1.350 tỷ đồng chủ yếu nhờ vào các khoản nợ và vay tài chính dài hạn.

Vào tháng 11/2021, giá cổ phiếu của Grab trên sàn Nasdaq của Mỹ lập đỉnh với 16,3 USD/cổ phiếu. Tuy vậy, đến nay mã cổ phiếu này đã mất hơn 75% giá trị, còn gần 2,9 USD/cổ phiếu.

Tiến Minh