Báo cáo nhanh của Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM vào 10 giờ sáng 9/2 cho biết một số cây xăng tại TP.HCM ‘hết xăng’, chỉ còn bán dầu. Tình trạng này đang nối tiếp việc hàng loạt cây xăng ở nhiều tỉnh thành Tây Nguyên, miền Tây Nam Bộ hiện đang dừng bán vì “thiếu xăng”.

Sau Tết 2022, hàng loạt doanh nghiệp xăng dầu tại nhiều tỉnh thành dừng bán xăng với lý do ‘thiếu xăng’, ‘chiết khấu thấp’… đang gây áp lực lên người tiêu dùng. (Ảnh minh họa: Hoàng Việt Cường/Facebook)

Truyền thông trong nước đưa tin theo báo cáo nhanh của Cục QLTT TP.HCM, tính đến sáng ngày 9/2, có 4 cây xăng tại TP.HCM ngừng bán xăng, chỉ còn dầu bán cho người dân.

Theo báo Thanh Niên, 4 cây xăng tạm ngừng bán xăng trên thuộc: Công ty TNHH TMDV Biên Khoa (số 69/10X đường Phạm Văn Chiêu, phường 14, quận Gò Vấp), chi nhánh Công ty TNHH Bạch Nhiên (số 10A đường Hà Huy Giáp, phường Thạnh Xuân, quận 12), trạm xăng dầu Biên Khoa (854 Tỉnh lộ 10, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) và chi nhánh Công ty CP dầu khí Đại Đông Dương – Trạm xăng dầu Kinh Dương Vương (327 Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân).

Sở Công Thương TP.HCM cho biết hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay tại TP có công suất chứa hơn 1,2 triệu m3 (chưa kể lượng xăng dầu trữ tại các cơ sở quân đội), bảo đảm đủ mức tồn trữ xăng dầu tối thiểu 30 ngày theo quy định. Tổng lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân của TP.HCM đạt 6.880 m3/ngày (tương đương 206.404 m3/tháng), báo Việt Nam Net đưa tin.

Tình hình thiếu xăng dầu trước đó xuất hiện ở nhiều tỉnh thành miền Tây Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Nhiều cây xăng ở các tỉnh như Đồng Nai, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Đắk Nông,… treo biển hết hàng hoặc đặt rào chắn, tạm ngừng kinh doanh.

Một số doanh nghiệp lý giải việc thiếu xăng dầu bán là do thiếu nguồn cung hoặc có nhưng “giá nhập sẽ cao hơn giá bán”.

Tại Cần Thơ, một số cây xăng nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Ninh Kiều) đã căng dây, không hoạt động, theo báo Giao thông. Tuổi Trẻ cho biết nhiều cửa hàng xăng dầu dọc tuyến quốc lộ 91 đoạn quận Thốt Nốt và quận Ô Môn hiện treo bảng “hết xăng” hoặc căng dây.

Tại Đắk Lắk, ông Nguyễn Xuân Thắng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ – Sản xuất Thắng Thành, doanh nghiệp phân phối xăng dầu cho biết phải đóng cửa một số cửa hàng từ trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 do thiếu nguồn cung và giá bán ra thấp hơn giá nhập vào.

“Một lít xăng dầu nhập về cao hơn bán ra 200 đồng vì giá xăng dầu bán ra theo quy định của nhà nước. Mỗi lần nhập, doanh nghiệp chỉ được cung ứng khoảng 12 m3 xăng, dầu chứ không được 24 m3 như trước vì thiếu hàng”, ông Thắng cho biết, trang Zing đưa tin.

Theo ghi nhận của báo Tuổi Trẻ tại Đắk Nông vào chiều ngày 7/2, người dân tại xã Đắk Ha, huyện Đăk Glong cho hay từ trước Tết, ở nhiều cây xăng, khách phải xếp hàng dài, mỗi người chỉ đổ được 50.000 đồng. Sau Tết, nhiều cây xăng đóng cửa, nhiều người phải đi hàng chục cây số về trung tâm TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) để mua xăng.

Tại cuộc họp gấp giữa Bộ Công thương và các tổ chức liên quan vào chiều 9/2, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) khẳng định nguồn cung xăng dầu được bảo đảm. Ông Đông cho biết lượng xăng dầu tổng lượng tồn kho tại các doanh nghiệp trên 1,3 triệu m3 các loại. Dự kiến lượng mua vào cung cấp cho thị trường đến hết tháng 2/2022 là 1,55 triệu m3.

Do đó, với nhu cầu của thị trường khoảng 1,8-3 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như ông Đông tính toán vẫn đủ trong tháng 2/2022. Tuy vậy, ông Đông cho hay nguồn cung từ tháng 3 có thể gặp áp lực, lượng tồn kho ở mức thấp.

Bộ trưởng Bộ Công thương – ông Nguyễn Hồng Diên cho biết không để thiếu nguồn cung xăng, dầu. Ông Diên yêu cầu tăng cường nhập thêm từ 25-30% để bảo đảm nguồn cung trong nước.

Liên quan đến tình hình căng thẳng nguồn cung dầu trong nước, ngày 28/1 vừa qua, truyền thông nhà nước loan tin nhà máy lọc dầu Nghi Sơn nhiều khả năng sẽ hoạt động trở lại bình thường sau thỏa thuận với Tập đoàn Petrovietnam về nguồn tài chính hỗ trợ. Tuy vậy, báo Vnexpress ngày 28/1 trích lời một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu (không nêu danh tính) nhận định: “Việc giải ngân tiền, rồi nhập dầu thô về cũng mất thời gian”. Do vậy, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn chưa thể hồi phục ngay 100% công suất hoạt động.

Cũng liên quan đến nguồn cung xăng, vụ việc buôn lậu xăng giả lên đến hàng trăm triệu lít vừa được Công An tỉnh Đồng Nai vừa hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố đối với 74 bị can về tội “buôn lậu” và “nhận hối lộ”, nằm trong đường dây buôn lậu gần 200 triệu lít xăng giả.

Theo điều tra, từ tháng 3/2020 đến tháng 2/2021, đường dây buôn lậu này đã vận chuyển 48 chuyến, tổng cộng hơn 198 triệu lít xăng lậu, trị giá gần 2.800 tỷ đồng, đã tiêu thụ hơn 196 triệu lít.

Quang Minh