Tại buổi họp sáng 12/9, nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Kiểm toán chú ý thực hiện các vấn đề người dân quan tâm, có dấu hiệu tiêu cực như: Tín dụng ngân hàng; vật tư y tế; in, phát hành, chiết khấu sách giáo khoa; thị trường bảo hiểm nhân thọ; năng lực về điện và giá điện..

pho tong kiem toan nha nuoc kiem toan quoc hoi scaled
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ. (Ảnh: quochoi.vn)

Sáng 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội – ông Vương Đình Huệ đề nghị quan tâm kiểm toán các vấn đề trọng tâm như: Tín dụng ngân hàng; mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; in, phát hành, chiết khấu sách giáo khoa; thị trường bảo hiểm nhân thọ; năng lực về điện và giá điện… theo báo Hà Nội mới.

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ báo cáo kiểm toán đến ngày 31/8/2023, đã kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng. Trong đó, số kiến nghị tăng thu ngân sách 980 tỷ đồng, giảm chi 2.234 tỷ đồng và kiến nghị khác 7.409 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực đầu tư xây dựng, chương trình và dự án, Kiểm toán Nhà nước cho biết sẽ lựa chọn kiểm toán các dự án như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai,…

Vừa qua, dù có chuyên gia lên tiếng việc đưa các khoản chênh lệch lỗ tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh vào công thức tính giá điện bán lẻ bình quân là trái pháp luật, nhưng Bộ Công thương cho biết việc này “đúng luật” và giữ quan điểm không thay đổi.

Riêng năm 2022, Tập đoàn Điện lực (EVN) lỗ hơn 26.000 tỷ đồng, còn chênh lệch lỗ tỷ giá gần 14.000 tỷ đồng (giai đoạn 2019-2022).

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá nói: “Cần phải bỏ ngay đề xuất này.” Bởi lẽ, đề xuất này trái với quy định pháp luật về giá điện hiện hành, đặc biệt là Luật Giá 2012, theo báo Giao Thông.

Cụ thể, Luật Giá 2012 (Khoản 1 Điều 20) quy định: “Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, với nguyên tắc xuyên suốt là giá phải “đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Không có bất kỳ quy định nào được hạch toán lỗ do khách quan hay chủ quan cho bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào trong nền kinh tế, ông Thỏa cho biết.

Ngoài ra, vị chuyên gia khẳng định việc kinh doanh lỗ của EVN có trách nhiệm của cả EVN và Bộ Công thương, đừng đổ lên đầu dân. Bởi thẩm quyền tăng giá 3% thuộc về EVN nhưng vì lý do nào đó đã không thực hiện đầy đủ và minh bạch, dẫn đến lỗ nhiều năm, kinh doanh không hiệu quả.

Đức Minh