Trước đề xuất cộng các khoản lỗ kinh doanh hàng chục nghìn tỷ đồng vào giá bán lẻ của EVN, chuyên gia cho biết việc này trái với pháp luật và đi lùi trở về cơ chế “bù lỗ” trước đây (sai quy tắc thị trường). Còn Cục điều tiết (thuộc Bộ Công thương) lý giải việc bù lỗ vào giá điện là phù hợp.

trung tam dieu do dien quoc gia EVN trung tam A0 Bo Cong thuong
Ảnh minh họa: cmsc.gov.vn

Theo đó, tại dự thảo quyết định sửa đổi Quyết định 24/2017 về cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng là giá bán lẻ điện bình quân dự kiến tính thêm lỗ chênh lệch tỷ giá, lỗ sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Điện lực (EVN).

Cần nói về điều này vì riêng năm 2022, Tập đoàn EVN đã báo lỗ hơn 26.000 tỷ đồng (chưa kể lỗ tỷ giá hàng chục nghìn tỷ).

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục quản lý giá nói: “Cần phải bỏ ngay đề xuất này.” Bởi lẽ, đề xuất này trái với quy định pháp luật về giá điện hiện hành, đặc biệt là Luật Giá 2012, theo báo Giao Thông.

Cụ thể, Luật Giá 2012 (Khoản 1 Điều 20) quy định: “Nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường, với nguyên tắc xuyên suốt là giá phải “đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh thực tế hợp lý, có lợi nhuận phù hợp với mặt bằng giá thị trường, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ”.

Không có bất kỳ quy định nào được hạch toán lỗ do khách quan hay chủ quan cho bất cứ loại hàng hoá, dịch vụ nào trong nền kinh tế, ông Thỏa cho biết.

Ngoài ra, vị chuyên gia khẳng định việc kinh doanh lỗ của EVN có trách nhiệm của cả EVN và Bộ Công thương, đừng đổ lên đầu dân. Bởi thẩm quyền tăng giá 3% thuộc về EVN nhưng vì lý do nào đó đã không thực hiện đầy đủ và minh bạch, dẫn đến lỗ nhiều năm, kinh doanh không hiệu quả.

Cục Điều tiết điện lực (thuộc Bộ Công thương) nói gì?

Cơ quan này lý giải theo Quyết định 24, các khoản chi phí khác chưa được tính vào giá điện bao gồm cả chênh lệch tỷ giá đánh giá lại chưa được phân bổ vào giá thành sản xuất kinh doanh điện, do Bộ Công thương, Bộ Tài chính xem xét, quyết định hằng năm.

Từ giữa quý 1/2022, giá nhiên liệu thế giới tăng kéo theo chi phí mua điện tăng cao, nhưng giá bán lẻ điện chưa tăng kịp dẫn đến kết quả sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2022 lỗ hơn 26.000 tỷ đồng.

Giá nhiên liệu năm 2023 tuy đã bớt căng thẳng so với năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao so với giai đoạn trước 2022, ảnh hưởng lớn đến cân bằng tài chính của EVN.

Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức 3% từ ngày 4/5/2023 cũng đã giải quyết một phần khó khăn cho EVN, giúp doanh thu tập đoàn này dự kiến tăng thêm 8.000 tỷ đồng.

Cục Điều tiết điện lực cũng viện dẫn quy định hiện hành tại Luật Giá để cho rằng giá điện cần đảm bảo bù đắp đủ chi phí thực tế hợp lý và có lợi nhuận phù hợp.

Nếu không có quy định cụ thể về việc xem xét thu hồi lỗ sản xuất kinh doanh điện trong quá khứ, có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và bảo toàn vốn Nhà nước của EVN.

Tuấn Minh (t/h)