Theo báo cáo trong quý 1 năm nay, trong tổng số 69 doanh nghiệp phát hành khất nợ trái phiếu có tới 49 tổ chức thuộc lĩnh vực bất động sản (BĐS) với tổng giá trị nợ lên tới gần 79.000 tỷ đồng (chiếm 83% tổng nợ).

trai phieu doanh nghiep ngan hang om no trai phieu trai phieu ngan hang
Các ngân hàng là nhóm “ôm” nhiều TPDN nhất trên thị trường trái phiếu. (Ảnh chụp màn hình: VTC/Youtube)

Chiều hôm 7/4, Bộ Tài chính đưa ra thông cáo về tình hình thị trường tài chính, trong đó quý 1/2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành hơn 24.700 tỷ đồng.

Về cơ cấu, có hơn 98% khối lượng phát hành mới đây thuộc lĩnh vực BĐS, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Tình hình thanh toán nợ trái phiếu trong quý 1, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN. Trong đó có 43 tổ chức phát hành thuộc ngành BĐS với tổng giá trị TPDN chậm trả nợ ở mức 78.900 tỷ đồng, chiếm 83,6% với tổng giá trị TPDN của các doanh nghiệp chậm trả nợ.

Ngoài ra, có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với giá trị khoảng 9.600 tỷ đồng.

Trước đó, Nghị định 08 được Chính phủ Việt Nam ban hành có hiệu lực từ ngày 5/3 thể hiện nhiều điểm thay đổi về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, “doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.”

Trong chương trình về ngành BĐS của Công ty Chứng khoán SSI diễn ra vào chiều hôm 8/3, bà Đinh Thị Mai Anh Trưởng phòng Phân tích SSI cho biết đa số trái chủ chỉ muốn được thực hiện đúng cam kết là trả lãi và gốc đúng hạn, thay vì lùi hay hoán đổi do lo ngại tính pháp lý của những sản phẩm chuyển đổi, trang Vietnambiz đưa tin.

Theo bà Mai Anh, Nghị định 08 cho phép các doanh nghiệp được trao đổi và thương lượng với các trái chủ về việc tái cấu trúc và thay đổi thời hạn trả gốc trả lãi và phương thức chuyển đổi nợ gốc thành BĐS, hoặc theo hình thức tài sản khác.

“Theo như chúng tôi thấy, đa số trái chủ chỉ muốn được thực hiện đúng cam kết là trả lãi và gốc đúng hạn, và trái chủ vẫn kỳ vọng doanh nghiệp vẫn thanh toán được thay vì lùi hay hoán đổi”, Trưởng phòng Phân tích SSI cho hay.

Bà Anh nói thêm, có nhiều chủ đầu tư cam kết sẽ đảm bảo tính pháp lý cho những sản phẩm để chuyển đổi, tuy nhiên để thực hiện được trong thực tế thì không dễ dàng. Nguyên nhân vì các nhà đầu tư không thể cùng chuyển đổi chung nhau một tài sản hay một sản phẩm bất động sản.

Theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp đang gây khó trong việc gán nợ tài sản, “biến” trái chủ thành con nợ khi yêu cầu trái chủ nộp thêm tiền để hoán đổi tài sản. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Giáo dục Egroup của ông Nguyễn Ngọc Thủy (còn gọi là “Shark” Thủy) gạt nợ sang BĐS, báo Giao Thông đưa tin.

Cụ thể, Egroup cho biết đã làm việc với các đối tác và chọn ra 2 dự án BĐS với nhiều loại sản phẩm đủ điều kiện để đề xuất với các nhà đầu tư phương án đổi nợ lấy đất.

Đầu tiên là một dự án tại tỉnh Thanh Hóa, chủ đầu tư là Công ty Đại Nam Á đang có 75 lô đất, diện tích từ 100 – 194m2, với một giá bán là 300 triệu đồng, nhà đầu tư được chuyển đổi 100 triệu đồng tiền trái phiếu, do đó phải đóng vào thêm tiền mặt 200 triệu đồng.

Tương tự với 27 căn biệt thự nghỉ dưỡng tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), Công ty Egroup thông báo nhà đầu tư trái phiếu được hoán đổi tối đa 6 tỷ đồng và phải đóng thêm vào 6,5 tỷ đồng để sở hữu biệt thự được định giá tới 12,5 tỷ đồng.

Tuấn Minh