Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi ở Hội An bị ngân hàng siết nợ, cuối tháng 10 vừa qua, Điện lực Hội An cũng tạm dừng cung cấp điện đối với một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi khách sạn lớn do chậm thanh toán tiền điện, dù số tiền nhỏ nhưng doanh nghiệp này không thể xoay xở phần nào nói lên tình thế khó khăn của du lịch.

r Hoian15 7
Hội An từng là địa điểm du lịch ‘hot’ nhưng hiện tại đã bị tuột lại phía sau. (Ảnh minh họa: hoian.gov.vn)

Cuối tháng 10 vừa qua, Điện lực Hội An tạm dừng cung cấp điện đối với một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi khách sạn lớn do chậm thanh toán tiền điện. Dù số tiền nhỏ, nhưng doanh nghiệp này không thể xoay xở để rồi phải chịu cắt điện đã phần nào nói lên tình thế khó khăn của doanh nghiệp lưu trú ở Hội An hiện nay, Tuổi Trẻ đưa tin.

Chủ doanh nghiệp này cho biết đang sở hữu 4 khách sạn, mỗi cái quy mô hàng trăm phòng, nhưng hiện nay nhiều khu đã được bán hoặc bị ngân hàng siết nợ.

“Chưa khi nào thấy khó khăn như giai đoạn này, các khách sạn của tôi vẫn duy trì mở cửa đón khách nhưng doanh thu quá thấp khiến không đủ trả tiền ngân hàng”, chủ doanh nghiệp này nói.

Chuyện thiếu nợ, bị siết nợ, rao bán khách sạn không còn hiếm ở Hội An trong thời gian qua.

Tình cảnh bi đát của du lịch Hội An, đặc biệt dễ thấy trong khối dịch vụ lưu trú, diễn ra với mức độ chưa từng thấy. Nhiều doanh nghiệp cho biết tất cả xảy ra từ hệ lụy của đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán).

Theo thống kê, hiện toàn TP Hội An có khoảng 900 cơ sở lưu trú du lịch với gần 13.000 phòng, trong đó có 408 homestay và gần 170 khách sạn. Đỉnh điểm du lịch của Hội An rơi vào năm 2019 với mốc gần 7 triệu lượt khách, trong đó dòng khách quốc tế đóng góp doanh thu chủ yếu.

Vài năm qua tại Hội An chứng kiến làn sóng tháo chạy khỏi ngành lưu trú ồ ạt. Không chỉ chủ sở hữu các villa, homestay quy mô nhỏ ở vùng ven mà rất nhiều khách sạn có tên tuổi lâu năm cũng lần lượt được chủ sở hữu rao bán hoặc bị ngân hàng phát mãi tài sản.

Trái ngược với hình ảnh buôn bán tấp nập dịp cuối năm, hàng loạt cửa hàng ở khu vực trung tâm, vị trí đắc địa tại Hà Nội lại đóng cửa, xu hướng trả mặt bằng chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo ghi nhận của Lao Động, nhiều khu phố nằm tại trung tâm Hà Nội, được biết đến là những vị trí vàng cho việc kinh doanh, buôn bán như Đội Cấn, Quán Thánh, Đào Tấn, Khâm Thiên, Hàng Ngang, Thợ Nhuộm… rơi vào cảnh ế ẩm, không có khách thuê.

Còn tại TP.HCM, theo ghi nhận của Sài Gòn Giải Phóng, dọc các tuyến đường ở khu trung tâm thành phố như: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học, Nguyễn Trãi… không khó để bắt gặp cảnh mặt bằng treo biển cho thuê, đóng cửa la liệt. Chỉ riêng 2km của con đường Hai Bà Trưng từ chợ Tân Định đến tượng đài Trần Hưng Đạo (quận 1), có không dưới 30 mặt bằng lớn nhỏ treo bảng cho thuê.

Còn tại đường Lý Tự Trọng (quận 1), hiện có hơn 20 mặt bằng treo biển cho thuê, chủ yếu là các mặt bằng được trả từ các thương hiệu thời trang và các doanh nghiệp trong ngành F&B.

Ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Mảng dịch vụ tư vấn & Phát triển dự án DKRA Group cho rằng, tình thế hiện nay rất khó khăn, với thực trạng nền kinh tế của TPHCM, số lượng mặt bằng để trống có khả năng tăng trong thời gian tới.

Đức Minh