Theo số liệu cập nhật từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính đến ngày 11/8, gần 93% dự án điện tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá, hợp đồng mua bán điện (PPA). Theo đó, hệ thống có thêm gần 1.000 MW từ dự án điện tái tạo chuyển tiếp.

dien mat troi dien gio nang luong tai tao EVN 1525381103
Ảnh minh họa: Nguyen Quang Ngoc Tonkin/Shutterstock)

Cụ thể, 18 nhà máy hoặc một phần nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp, tổng công suất hơn 952 MW vận hành thương mại, phát điện lên lưới quốc gia, báo Vnexpress đưa tin.

Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp từ thời điểm COD đến ngày 10/8 khoảng 268 triệu kWh.

Mức huy động này tăng gần gấp đôi so với cách đây gần một tháng. Bình quân mỗi ngày, số dự án này đóng góp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 0,4% tổng sản lượng nguồn điện được huy động.

Tổng công suất số dự án điện tái tạo bị chậm vận hành tiến độ là hơn 4.600 MW. Trong đó, gần 2.100 MW của 34 dự án chuyển tiếp đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.

Các dự án này không được hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm và phải đàm phán giá điện với EVN theo khung phát điện của Bộ Công thương đưa ra đầu năm nay, với giá thấp hơn 20-30% trước đây.

Trước đó, EVN liên tục đưa ra đề xuất tăng giá điện lần thứ 2 vào tháng 9/2023 với các cơ quan của Chính phủ. Nguyên nhân là tập đoàn này lỗ hàng chục nghìn tỷ đồng trong năm ngoái và dự báo năm nay sẽ lỗ thêm.

Từ hôm 4/5, EVN đã tăng giá điện thêm 3%, lên mức 1.920 đồng/kWh (chưa bao gồm VAT). Lãnh đạo EVN cho rằng mức tăng này còn thấp, chỉ mang về doanh thu thêm 8.000 tỷ đồng trong năm 2023, chưa đủ bù các khoản lỗ do kinh doanh dưới giá vốn.

Đức Minh