GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91% (Quý 1 tăng 3,68%, Quý 2 tăng 0.39%, Quý 3 tăng 2,69%, Quý 4 tăng 4,48%), theo công bố của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư). Đây là mức tăng trưởng dương thuộc nhóm cao nhất trên thế giới (Việt Nam, Đài Loan, Ai Cập, Trung Quốc). Trên thực tế, đây là xếp hạng trong bối cảnh dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Việt Nam đang đối diện mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, chưa kể bên trong nền kinh tế tồn tại nhiều nghịch lý.

KINH TE VN 2020
Các công nhân dọn dẹp trong một hội trường tranh tối tranh sáng, TP.HCM, tháng 5/2020. Nhiều lao động phi chính thức bị mất thu nhập trong đợt dịch bệnh nhưng thống kê chính thức khó xác nhận. (Ảnh minh họa: Nguyen Van Vien/Shutterstock)

Năng suất lao động tăng trong khi hiệu quả sử dụng vốn đầu tư giảm

Chất lượng tăng trưởng kinh tế thể hiện qua hai chỉ số năng suất lao động của nền kinh tế và chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư có xu hướng tăng giảm trái chiều.

Năng suất lao động năm 2002 ước tính 117,9 triệu đồng/lao động, tăng 5,4% so với năm 2019 do trình độ của người lao động ngày càng tăng lên (tỷ lệ lao động qua đào tạo có chứng chỉ đạt 24,1% so với mức 22,8% năm 2019).

Ngược lại, chỉ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) năm 2020 tăng vọt lên mức 14,28 so với mức 6,08 năm 2019.

Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR) là chỉ tiêu kinh tế tổng hợp phản ánh cần bao nhiêu đồng vốn đầu tư thực hiện tăng thêm để tăng thêm 1 đồng tổng sản phẩm trong nước (GDP). Hệ số ICOR thấp đồng nghĩa đầu tư có hiệu quả cao; ngược lại, ICOR càng cao tức đầu tư càng đắt.

Trong 5 năm qua, Việt Nam đã giảm hệ số ICOR từ mức 6,42 năm 2016 xuống 6,11 năm 2017, 5,98 năm 2018, 6,08 năm 2019. Sang năm 2020, do bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19, nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh đình trệ, các dự án công trình bị chậm tiến độ khiến hệ số ICOR trong năm tăng vọt tới 2,34 lần.

Nông nghiệp tăng trưởng mạnh nhưng diện tích gieo trồng giảm, chăn nuôi nhiều rủi ro

Trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, ngành nông nghiệp lại có mức tăng trưởng vượt bậc so với những năm trước. Bên cạnh việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cho gần 100 triệu dân thì nông nghiệp còn dành ra một phần để xuất khẩu. Trị giá xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đạt 41 tỷ USD năm 2020. Năng suất cây trồng đạt khá, lúa vụ được mùa, được giá; chăn nuôi phát triển tốt, đàn lợn dần phục hồi sau đợt dịch tả lợn châu Phi. Giá lợn hơi giữ mức cao giúp người chăn nuôi thu được lợi nhuận cao.

Tuy nhiên, diện tích gieo trồng các loại lương thực đều suy giảm mạnh do thời tiết cực đoan. Do đó, dù năng suất tăng nhưng không đủ sức kéo sản lượng lương thực vượt qua mức sản lượng năm 2019.

Cụ thể, diện tích lúa năm 2020 ước tính đạt 7,28 triệu ha, giảm 192 nghìn ha so với năm trước; năng suất lúa ước tính đạt 58,7 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng lúa ước tính đạt 42,69 triệu tấn, giảm 806,6 nghìn tấn. Sản lượng ngô đạt 4,59 triệu tấn, giảm 140,3 nghìn tấn so với năm 2019; khoai lang đạt 1,37 triệu tấn, giảm 57,5 nghìn tấn; mía đạt 11,88 triệu tấn, giảm 3,44 triệu tấn; sắn đạt 10,49 triệu tấn, tăng 313 nghìn tấn; lạc đạt 425,5 nghìn tấn, giảm 17,1 nghìn tấn; đậu tương đạt 65,7 nghìn tấn, giảm 11,6 nghìn tấn; rau các loại đạt 18,33 triệu tấn, tăng 339,1 nghìn tấn.

Sản lượng thịt hơi các loại năm nay đạt khá, trong đó sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 95,8 nghìn tấn, tăng 1,4% so với năm trước; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 371,5 nghìn tấn, tăng 4,6%; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 3.474,9 nghìn tấn, tăng 4,4%; sản lượng sữa bò tươi đạt 1.086,3 nghìn tấn, tăng 10,2%; sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng đạt 1.453,7 nghìn tấn, tăng 11,6%; sản lượng trứng gia cầm đạt 14,7 tỷ quả, tăng 10,5%.

Tháng cuối năm 2020, tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại trên 259 xã thuộc 27 địa phương với mức độ nguy hiểm cao hơn nhiều năm trước. Lo sợ dịch bệnh, các thương lái đã đẩy giá thịt lợn hơi cao trở lại sau 2 tháng ổn định giảm.

Tồn kho tăng cao vào cuối năm

Tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82% (quý 1 tăng 7,12%; quý 2 tăng 3,38%; quý 3 tăng 3,86%; quý 4 tăng 8,63%), đóng góp 1,25 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,92%, đóng góp 0,19 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,51%, đóng góp 0,04 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 5,62% (do sản lượng khai thác dầu thô giảm 12,6% và khí đốt tự nhiên giảm 11,5%), làm giảm 0,36 điểm phần trăm trong mức tăng chung. Tính chung cả năm 2020, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,3% so với năm trước.

Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/12/2020 tăng 25,3% so với cùng thời điểm năm trước (cùng thời điểm năm 2019 tăng 13,6%); tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân năm 2020 ở mức khá cao với 71,9% (năm 2019 là 68,8%).

Thương mại phục hồi nhưng vận tải, du lịch suy giảm mạnh

Năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.059,8 nghìn tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm trước, thấp hơn mức tăng của năm 2019 là 9,5%).

Vận tải hành khách đạt 3.561,9 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 29,6% so với năm trước (năm 2019 tăng 11%) và luân chuyển 163 tỷ lượt khách.km, giảm 34,1% (năm 2019 tăng 10,9%). Vận tải hàng hóa đạt 1.774,6 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 5,2% so với năm trước (năm 2019 tăng 9,7%) và luân chuyển 339,4 tỷ tấn.km, giảm 6,7% (năm 2019 tăng 7,8%).

Doanh thu hoạt động viễn thông năm 2020 ước tính đạt 381 nghìn tỷ đồng, giảm 0,6% so với năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 4,1%).

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng 12i ước tính đạt 16,3 nghìn lượt người giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2020, khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 3.837,3 nghìn lượt người, giảm 78,7% so với năm trước.

Việt Nam kiểm soát COVID-19 khá tốt, tại sao nền kinh tế lại kém lành mạnh?

Dòng tiền đổ vào thị trường bảo hiểm, chứng khoán

Tính đến thời điểm 21/12/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 12,56% so với cuối năm 2019 (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,1%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,87% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,48%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,14% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 12,14%).

Doanh thu phí toàn thị trường bảo hiểm năm 2020 tăng 17% so với năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%; lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 7%.

Tính đến ngày 17/12/2020, tổng mức huy động vốn cho nền kinh tế của thị trường chứng khoán đạt 383,6 nghìn tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 7.056 tỷ đồng/phiên, tăng 51,5% so với bình quân năm 2019; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 10.247 tỷ đồng/phiên, tăng 11,3%; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 157.314 hợp đồng/phiên, tăng 77%.

Đầu tư nước ngoài giảm, đầu tư công tăng

Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2020 đạt 2.164,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với năm trước và bằng 34,4% GDP (quý IV/2020 đạt 719,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó vốn khu vực Nhà nước đạt 729 nghìn tỷ đồng, chiếm 33,7% tổng vốn và tăng 14,5% so với năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 972,2 nghìn tỷ đồng, bằng 44,9% và tăng 3,1%; khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 463,3 nghìn tỷ đồng, bằng 21,4% và giảm 1,3%.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2020 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 28,5 tỷ USD, giảm 25% so với năm 2019. Trong đó có 2.523 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 14,6 tỷ USD, giảm 35% về số dự án và giảm 12,5% về số vốn đăng ký so với năm trước; có 1.140 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 6,4 tỷ USD, tăng 10,6%; có 6.141 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn 7,5 tỷ USD, giảm 51,7%. Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.695 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 3,2 tỷ USD và 4.446 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 4,3 tỷ USD. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2020 ước tính đạt gần 20 tỷ USD, giảm 2% so với năm trước.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong năm 2020 có 119 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đăng ký của phía Việt Nam đạt 318 triệu USD; có 33 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 272 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 590 triệu USD, tăng 16,1% so với năm 2019.

Thu nhập/người tăng nhưng nợ công 40 triệu/người, kinh tế có khả quan như Thủ tướng nói?

Thu ngân sách giảm, song chi thường xuyên vẫn ở mức cao

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2020 ước tính đạt 1.307,4 nghìn tỷ đồng, bằng 86,5% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 1.101,6 nghìn tỷ đồng, bằng 87,1%; thu từ dầu thô 32,7 nghìn tỷ đồng, bằng 92,9%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 172,3 nghìn tỷ đồng, bằng 82,8%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2020 ước tính đạt 1.432,5 nghìn tỷ đồng, bằng 82% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, bằng 91,5%; chi đầu tư phát triển 356 nghìn tỷ đồng, bằng 75,7%; chi trả nợ lãi 98,8 nghìn tỷ đồng, bằng 83,6%.

Xuất khẩu tăng mạnh, đặc biệt thị trường Mỹ

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%. Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch xuất khẩu (6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8%.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.

Hơn 31 triệu lao động phi chính thức “đã thực sự rất khó khăn”

Tháng 12 cả nước bước vào nhập siêu, đặc biệt là nhập siêu dịch vụ

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa thực hiện tháng 11/2020 đạt 24.692 triệu USD, cao hơn 492 triệu USD so với số ước tính. Ước tính tháng 12/2020, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu đạt đạt 27,5 tỷ USD, tăng 11,4% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý 4/2020, kim ngạch nhập khẩu đạt 76,4 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,7% so với quý 3 năm nay. Tính chung năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 93,6 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 168,8 tỷ USD, tăng 13%. Trong năm 2020 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 49,4%).

Về cơ cấu nhập khẩu hàng hóa năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 16,8 tỷ USD, giảm 3,8% và chiếm 6,4%.

Về thị trường nhập khẩu hàng hóa năm nay, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 83,9 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc đạt 46,3 tỷ USD, giảm 1,5%; thị trường ASEAN đạt 30 tỷ USD, giảm 6,9%; Nhật Bản đạt 20,5 tỷ USD, tăng 5%; thị trường EU đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,5%; Hoa Kỳ đạt 13,7 tỷ USD, giảm 4,9%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng 11 xuất siêu 546 triệu USD; trong 11 tháng xuất siêu 20,1 tỷ USD; tháng 12 ước tính nhập siêu 1 tỷ USD. Ước tính năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,5 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,6 tỷ USD.

Trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dịch vụ ước tính đạt 6,3 tỷ USD, giảm 68,4% so với năm 2019; kim ngạch nhập khẩu dịch vụ ước tính đạt 18,3 tỷ USD, giảm 14,5%. Nhập siêu dịch vụ năm 2020 là 12 tỷ USD, gấp gần 2 lần kim ngạch xuất khẩu dịch vụ, tăng 10,5 tỷ USD so với năm 2019.

Vàng tăng, USD giảm, giá cả tiêu dùng ổn định trong năm 2020

Giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng vào dịp cuối năm tăng là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2020 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 0,19% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2020, chỉ số giá tiêu dùng tăng 3,23%, chỉ số giá vàng tăng 28,05%, chỉ số giá USD giảm 0,02% so với năm 2019.

***

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới vừa được công bố, năm 2020, Việt Nam là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người, ba nước còn lại là Đài Loan, Ai Cập và Trung Quốc. Thành công này được cho là nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt.

Tuy nhiên, với những vấn đề nội tại của nền kinh tế, cộng nền kinh tế toàn cầu vẫn tiếp tục bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 (bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới trong khi giải pháp vắc xin chưa được kiểm chứng), năm 2021 sẽ là một năm đầy khó khăn với nhiều diễn biến khó lường đối với nền kinh tế Việt Nam, chưa kể việc Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách nước thao túng tiền tệ với các biện pháp gây áp lực có thể gây ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong năm tới.

Tuệ Minh

Xem thêm:

Trump lên án Trung Quốc phá giá tiền tệ xuống mức thấp nhất trong 11 năm