Do nền kinh tế toàn cầu ảm đạm, giá hàng hóa giảm nhiều, năm nay hầu hết các nước đều ở mức lạm phát rất thấp. Ngược lại, Việt Nam lại chủ động lạm phát những mặt hàng nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, học phí, điện, xăng dầu với lạm phát kế hoạch là 5%, thực tế 11 tháng đã 4,52%, chỉ còn 0,48 % là vượt ngưỡng kế hoạch 5%. Vậy việc giữ lạm phát cho tháng 12 dưới 5% liệu có khả thi không?

(ảnh: Flickr CC)
(ảnh: Flickr CC)

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2016 tăng 0,48% so với tháng trước. Đây là tháng tăng cao liên tục trong thời gian qua, hãy xem lại diễn biến tăng giá qua các tháng như sau:

Tháng 11, CPI tăng 0,48%, tăng cao nhất là nhóm giao thông 1,63% vì 3 lần tăng giá xăng, vào các thời điểm 20/10/2016, 04/11/2016 và 19/11/2016 (tác động làm CPI chung tăng khoảng 0,15%). Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,9%, trong đó dịch vụ y tế tăng 1,15% do có một số tỉnh tiếp tục điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch số37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Nhóm thực phẩm tăng khá mạnh 0,71% do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm vào mùa cưới tăng và giá các mặt hàng rau củ tăng mạnh do ảnh hưởng của mưa lũ ở các tỉnh miền Trung, miền Nam làm sản lượng rau xanh trên thị trường giảm.

Kết quả là Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2016 tăng 4,52% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng năm nay tăng 2,47% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Lạm phát cơ bản tháng 11/2016 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,87% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 11 tháng tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Tháng 10 CPI tăng 0,83% với nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 10,07% (dịch vụ y tế tăng 13,28%) do trong tháng có 15 tỉnh, thành phố điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2  nói trên.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2016 tăng 4,09% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 10/2016 tăng 0,07% so với tháng trước và tăng 1,86% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng tăng 1,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2015.

Tháng 9 CPI tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số lạm phát cơ bản sau 9 tháng đã tăng 1,81%, khá sát với mức tăng 2,07% của chỉ số lạm phát chung.

Nguyên nhân khiến CPI bật tăng trong tháng 9 cũng là do các quyết định hành chính là nhóm chi phí giáo dục đã tăng 7,19% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục (học phí) đã tăng 8,36% so. Tiếp theo là nhóm giao thông với mức tăng 0,55%, do tác động của xăng dầu tăng vào ngày 19/8/2016 và ngày 5/9/2016.

lam-phat-2
Giữ lạm phát trong tháng 12/2016 sẽ là bài toán khó.

Giữ lạm phát trong tháng 12/2016 sẽ là bài toán khó

Như vậy, kể từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ, kinh tế thế giới cũng có nhiều biểu hiện tốt lên, thông qua hầu hết các chỉ số kinh tế Mỹ, các thị trường toàn cầu đều phục hồi, đồng USD liên tục lên giá, đạt đỉnh của 13 năm trước. Tuy nhiên, tuyên bố của Donald Trump khi ông lên nhận chức sẽ rút Mỹ khỏi Hiệp định TPP cũng khiến thị trường tài chính lo ngại.

Do sự tăng giá của USD so với các đồng tiền chủ chốt khác nên trong hơn 2 tuần qua tỷ giá USD/VND đã tăng 2%, cũng sẽ góp vào lạm phát của tháng 11, có thể đây là nguyên nhân không chủ động như các nguyên nhân tăng giá y tế, học đường nói trên.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã có trấn an, tạm thời tỷ giá đã giảm đà tăng, nhưng các chuyên gia vẫn lo ngại sự mất giá của Tiền VND khi mà tháng cuối năm nhu cầu USD tăng cao để mua hàng phục vụ dịp Tết cổ truyền. Đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 tới, thì sẽ tác động trực tiếp tới tỷ giá.

Tổng cục Thống kê cũng dự báo tháng 12/2016 CPI sẽ tăng cao hơn do nhu cầu tiêu dùng phục vụ dịp lễ, Tết nên giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, giầy dép, đồ dùng cá nhân sẽ tăng…Kỳ vọng các cơ quan quản lý sẽ phối hợp tốt để kiềm chế lạm phát, giúp người dân đỡ khó khăn hơn trong dịp cuối năm.

Tâm Sáng

Xem thêm: