Gần đây, công tố Hàn Quốc đã khởi tố 5 người nghi làm rò rỉ “công nghệ cốt lõi” cho Trung Quốc, đây là biện pháp pháp lý mới nhất kể từ năm 2021 khi bắt đầu điều tra. Họ ước tính rò rỉ công nghệ này có thể làm thiệt hại hàng trăm triệu đô la Mỹ (USD).

Samsung
(Ảnh: GagliardiPhotography / Shutterstock)

Phía giới chức công tố Hàn Quốc tiết lộ vào ngày 16/1 rằng họ đã truy tố 5 người bị tình nghi làm rò rỉ cho phía Trung Quốc “công nghệ thiết bị làm sạch chất bán dẫn siêu tới hạn” đầu tiên trên thế giới do công ty con Semes của Samsung Electronics phát triển thành công.

Việc truy tố căn cứ chủ yếu vào “Đạo luật bảo vệ công nghệ công nghiệp” và “Đạo luật cạnh tranh không lành mạnh” của Hàn Quốc. Trong số họ, có 4 người đã bị giam giữ và truy tố, bao gồm 2 cựu nghiên cứu viên của Semes (ông A và ông B), một người là trung gian (ông C) cho Trung Quốc, một người khác là đại diện cho công ty hợp tác của Semes (ông D).

Thiết bị làm sạch siêu tới hạn là thiết bị sử dụng carbon dioxide siêu tới hạn (ở trạng thái giữa chất lỏng và khí) để làm khô sạch các tấm bán dẫn. Công nghệ này giảm thiểu tổn thất thiết bị một cách tốt nhất và giảm tỷ lệ lỗi của chất bán dẫn siêu vi mô, là công nghệ cốt lõi quốc gia do Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc chỉ định. Công nghệ này được phát triển và thương mại hóa lần đầu tiên trên thế giới bởi nhà sản xuất thiết bị làm sạch bán dẫn lớn nhất Hàn Quốc là Semes – công ty con của Samsung Electronics.

Nhà nghiên cứu A tại Semes đã rời đi vào năm 2016 và thành lập một công ty khác vào năm 2019. Người này bị nghi ngờ vào tháng 6/2021 đã lấy bản thiết kế cốt lõi của “thiết bị làm sạch chất bán dẫn siêu tới hạn” từ người đại diện D của công ty hợp tác với Semes và tiết lộ cho Trung Quốc thông qua người trung gian C của Trung Quốc.

Tháng 9/2022, cựu nhà nghiên cứu A tại Semes đã lên kế hoạch cung cấp 10 bộ thiết bị làm sạch siêu tới hạn cho một công ty bán dẫn của Trung Quốc và ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ, tuy nhiên do bị cơ quan công tố Hàn Quốc mở cuộc điều tra nên việc cung cấp thiết bị chưa thực hiện được.

Ông A cũng bị nghi ngờ thông đồng với một cựu nhà nghiên cứu B của Semes, từ tháng 5 – 7/2021 tiết lộ “thông tin kỹ thuật về thiết bị làm sạch axit photphoric chip đơn” của Semes.

Sau Nhật Bản, công ty Hàn Quốc Semes là doanh nghiệp thứ hai trên thế giới phát triển được “công nghệ thiết bị làm sạch chất bán dẫn siêu tới hạn”.

Cơ quan công tố Hàn Quốc từ tháng 10/2021 chính thức điều tra vụ rò rỉ công nghệ của Semes. Từ tháng 1 – 5/2022 tổng cộng 10 người bao gồm cựu nhà nghiên cứu A của Semes nêu trên đã bị truy tố.

Ông A đã bị bắt giữ và truy tố vào tháng 5/2022 vì cáo buộc làm rò rỉ cho Trung Quốc một công nghệ khác của Semes là “công nghệ thiết bị làm sạch chất bán dẫn dạng ẩm”. Do hết thời hạn giam giữ nên ông A đã được tại ngoại vào tháng 11 năm ngoái, tuy nhiên vẫn phải chịu thẩm vấn không giam giữ, ông A đã bị bắt giam trở lại khi bị phát hiện còn phạm tội rò rỉ công nghệ khác.

Ngoài ra, ông A còn bị tình nghi biển thủ 2,7 tỷ won (tương đương hơn 2 triệu USD) tiền công ty trong khoảng thời gian từ tháng 7/2019 – 10/2022. Trong quá trình này, người trung gian C bị nghi ngờ có liên quan.

Cuộc điều tra cũng tiết lộ rằng từ tháng 12/2019 – 7/2022, ông A đã xuất khẩu 20 thiết bị làm sạch chất bán dẫn dạng ẩm được sản xuất trên cơ sở thông tin rò rỉ từ Semes, thu về khoản lợi nhuận tương đương 119,3 tỷ won (khoảng hơn 96 triệu USD).

Để thu hồi số tiền do phạm tội, cơ quan công tố Hàn Quốc đã áp dụng các biện pháp như thu giữ 6 bộ thiết bị làm sạch chất bán dẫn ẩm của một công ty A, đồng thời niêm phong tài sản của công ty này tương đương 53,5 tỷ won (hơn 43 triệu USD).

Các công tố viên Hàn Quốc tiết lộ: “Công ty nạn nhân (Semes) đã đầu tư 35 tỷ won (tương đương khoảng 28 triệu USD) vào phí nghiên cứu để phát triển công nghệ siêu tới hạn này, nếu việc rò rỉ công nghệ này dẫn đến sự suy giảm khả năng cạnh tranh về công nghệ thì chỉ cần giảm 10% lượng đơn đặt hàng sẽ gây thiệt hại [cho Semes] hàng năm hơn 40 tỷ won (khoảng hơn 30 triệu USD)”. Theo đó cơ quan công tố ước tính rằng vụ rò rỉ công nghệ này có thể gây tổn thất [của Semes] “hàng ngàn tỷ won” (khoảng hàng trăm triệu USD).

Samsung là một trong những công ty nước ngoài thường xuyên có công nghệ bị phía Trung Quốc đánh cắp nhất. Vào tháng 10 năm ngoái, cơ quan công tố viên Hàn Quốc đã đệ đơn kiện 9 giám đốc điều hành và nhân viên (gồm cả cựu nhân viên) của Tập đoàn Samsung với lý do cáo buộc họ đã làm rò rỉ cho Trung Quốc công nghệ chip tiên tiến liên quan đến “hệ thống nước siêu tinh khiết”.

Nước siêu tinh khiết là nước gần với nước tinh khiết (loại bỏ đến mức dưới 1/10.000 tỷ đơn vị các tạp chất khác nhau như ion, chất hữu cơ và vi sinh vật trong nước), ứng dụng cho các nhiệm vụ làm sạch theo yêu cầu của kỹ thuật bán dẫn. Nếu nước có tạp chất thì gây ảnh hưởng xấu sản phẩm tạo ra, do đó nguồn cung cấp nước siêu tinh khiết ổn định ảnh hưởng lớn đến thu hồi chất bán dẫn. Kể từ năm 2006 mỗi năm Samsung Electronics đã đầu tư hơn 30 tỷ won (khoảng 21 triệu USD) để phát triển hệ thống nước siêu tinh khiết.

Vào tháng 10 năm ngoái Hiệp hội Chuyên gia kinh tế Hàn Quốc đã công bố kết quả khảo sát ý kiến về mức độ bảo vệ các công nghệ tiên tiến ở Hàn Quốc đối với 26 chuyên gia an ninh công nghiệp và học thuật công nghiệp, bao gồm các nhà lãnh đạo công ty công nghệ và giáo sư đại học [tại Hàn Quốc]. Kết quả cho thấy thiệt hại hàng năm của ngành công nghiệp Hàn Quốc do rò rỉ công nghệ là khoảng 56.200 tỷ won (tương đương khoảng 40 tỷ USD). Con số này tương đương với 2,7% GDP năm 2021 của Hàn Quốc là khoảng 2.071 nghìn tỷ won (khoảng 1.400 tỷ USD) và 60,4% tổng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của Hàn Quốc là khoảng 93.100 tỷ won (khoảng 65 tỷ USD) trong 2020.

Trong lĩnh vực chống rò rỉ và bảo vệ công nghệ, 90% chuyên gia [Hàn Quốc] cho rằng Trung Quốc là nước cần cảnh giác nhất.