Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư cả 8 dự án thành phần theo hình thức đối tác công – tư (PPP) sang đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công theo đề xuất của Chính phủ.

cao toc la son tuy loan
Cao tốc La Sơn – Túy Loan nối với cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Tại thông báo kết luận phiên họp thứ 45, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không chấp thuận phương án chuyển cả 8 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam, phía Đông từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công.

Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã có loạt ý kiến không đồng tình, trong đó có việc chuyển đổi hình thức đầu tư chưa được báo cáo, xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 52/2017/QH14, Chính phủ chỉ được đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư của dự án khi không lựa chọn được nhà đầu tư.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án hiện vẫn có 7/8 dự án thành phần đã có ít nhất 2 nhà đầu tư tham gia sơ tuyển, chỉ có một dự án không có nhà đầu tư tham gia sơ tuyển.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng dự án đã hủy sơ tuyển một lần, nếu tiếp tục hủy sơ tuyển sẽ ảnh hưởng không tốt đến uy tín của Nhà nước, đến dư luận, tâm lí của nhà đầu tư và người dân, ảnh hưởng đến công tác quản lí và triển khai các đoạn tiếp theo của toàn tuyến sau này, nhất là trong bối cảnh Quốc hội đang xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư theo phương thức PPP.

Ngoài ra, lý do không đồng thuận việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam còn xuất phát từ việc thu ngân sách khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thêm nữa, các dự án đầu tư công thời gian qua đã xảy ra tình trạng chậm tiến độ, đội vốn, chất lượng công trình không đảm bảo, trong khi các dự án của các nhà đầu tư tư nhân có chất lượng tốt hơn.

Với việc không tán thành với phương án chuyển đổi đầu tư 8 dự án thành phần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chuẩn bị lại Tờ trình để báo cáo lần 2 về những dự án này tại đợt 3 của phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (dự kiến tổ chức trong thời gian diễn ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa 14).

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý tờ trình mới phải theo nguyên tắc: Đề xuất chuyển đổi sang hình thức đầu tư sử dụng 100% vốn đầu tư công đối với dự án không có nhà đầu tư tham gia đấu thầu và số ít dự án thật sự cấp bách, quan trọng có nhà đầu tư tham gia nhưng khó có khả năng huy động vốn tín dụng và khả năng đấu thầu không thành công.

Trong buổi làm việc chiều 16/5, Bộ trưởng Bộ GTVT và Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đồng quan điểm rằng cần thiết phải chuyển đổi hình thức đầu tư để đẩy nhanh tiến độ con đường huyết mạch Bắc – Nam.

Trình bày trong tờ trình của Chính phủ, Bộ GTVT cho biết sau hơn 2 năm triển khai các dự án thành phần này theo hình thức đầu tư PPP phát sinh vấn đề, chủ yếu liên quan tới tính khả thi huy động vốn dự án. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nêu ví dụ tại Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, số vốn cần huy động 6.000 tỷ đồng nhưng cũng phải thông qua 4 ngân hàng thu xếp trong vài năm.

Ngoài ra, kết quả sơ tuyển 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông cho thấy các nhà đầu tư qua sơ tuyển phần lớn là doanh nghiệp thi công trong lĩnh vực giao thông, không có tập đoàn lớn tham gia. Do đó, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu 8 dự án này chuyển sang đầu tư công và khởi công vào cuối năm nay sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ tăng GDP sau dịch COVID-19.

Dự án cao tốc Bắc-Nam dài 654 km, chia làm 11 dự án thành phần; 3 dự án thành phần được triển khai theo hình thức đầu tư công đã khởi công trên thực địa. 8 dự án còn lại đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP).

11 dự án cao tốc Bắc Nam có tổng mức đầu tư khoảng 118.000 tỷ đồng, 55.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách đầu tư cho 3 dự án đầu tư công; hỗ trợ toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng và góp một phần vốn xây dựng công trình.

Tổng mức đầu tư 8 dự án thành phần đầu tư PPP khoảng 99.493 tỷ đồng. Trong đó:

  • Chi phí xây dựng, thiết bị: 67.923 tỷ đồng.
  • Chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư: 15.435 tỷ đồng.
  • Chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác: 7.781 tỷ đồng.
  • Chi phí dự phòng: 8.354 tỷ đồng.

Hết năm 2019, 10/11 dự án thành phần được cấp hơn 5.100 tỷ đồng vốn cho công tác giải phóng mặt bằng, đã giải ngân hết. Năm 2020, 8/11 dự án được bố trí trên 4.700 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân hơn 40%.

Sơn Nguyên