Theo Bộ Công thương, nhu cầu than cho sản xuất điện năm 2024 tại Việt Nam là hơn 74,3 triệu tấn, nhưng nguồn trong nước chỉ đáp ứng được 65%.

nam 2024 viet nam nhap khau khoang 26 trieu tan than de san xuat dien
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. (Ảnh: vinhtantpc.com.vn)

Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 3111/QĐ-BCT phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024.

Theo đó, chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp hơn 74,3 triệu tấn than để cấp cho sản xuất điện năm 2024.

Trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26 triệu tấn. Các loại than cấp cho từng nhà máy thực hiện theo hợp đồng mua bán than năm 2024.

Lý do, nguồn than trong nước cung ứng từ Tập đoàn Than, khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty than Đông Bắc chỉ cung ứng được hơn 48,2 triệu tấn than.

Các chủ đầu tư được giao đa dạng nguồn than nhập khẩu, mua bù đắp lượng than mà TKV, Tổng công ty than Đông Bắc không thể đáp ứng, trừ các nhà máy điện BOT dùng than trong nước được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cấp than. Hàng tháng, doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý việc cung ứng, dự trữ than cho điện.

Bộ Công thương yêu cầu các nhà máy phải “chịu trách nhiệm toàn diện trong thu xếp nguồn than hợp pháp, thông số kỹ thuật phù hợp công nghệ của nhà máy (trừ các nhà máy BOT)”.

Việt Nam đang tính nhập khẩu than từ Lào, ngoài Australia, Indonesia.

Theo bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực than Việt Nam – Lào ký hồi tháng 7, Việt Nam sẽ nhập khoảng 20 triệu tấn than mỗi năm từ Lào, tùy điều kiện thực tế thị trường, nhu cầu mỗi bên.

Hiện điện từ Lào nhập về Việt Nam được truyền tải qua đường dây 220 kV. Cuối tháng 9, EVN rót hơn 1.100 tỷ đồng đầu tư đường dây 500 kV Monsoon – Thạnh Mỹ (đoạn trên lãnh thổ Việt Nam), dài 45 km để kéo điện từ Lào về Việt Nam. Hồi tháng 9, Tập đoàn này từng đề nghị Bộ Công Thương tính toán, cho phép đẩy nhanh nhập điện từ Lào.

Theo Quy hoạch điện VIII và Hiệp định hợp tác giữa Việt Nam và Lào năm 2019, Việt Nam sẽ mua 3.000 MW điện từ Lào đến 2025 và khoảng 5.000 MW vào 2030 và có thể tăng lên 8.000 MW nếu điều kiện cho phép. 6 nhà máy điện được Thủ tướng chấp thuận chủ trương nhập khẩu điện từ Lào, tổng công suất 449 MW.

Việc nhập thêm điện từ Lào còn do giá cạnh tranh so với một số nguồn trong nước. Chẳng hạn, giá điện mua từ Lào với các nhà máy thủy điện là khoảng 6,95 cent một kWh. Mức này thấp hơn 2-30% so các nguồn trong nước.

11 tháng, tổng lượng điện nhập khẩu (Lào, Trung Quốc) gần 4 tỷ kWh, chiếm 1,5% sản lượng toàn hệ thống.

Theo kế hoạch cung cấp, vận hành điện năm 2024 của Bộ Công Thương, sản lượng điện sản xuất, nhập khẩu gần 306,26 tỷ kWh, trong đó mùa mưa chiếm 52%, còn lại mùa khô.

Điện than, thủy điện và tuabin khí vẫn giữ vai trò quan trọng trong đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống quốc gia năm sau. Trong khi đó, năng lượng tái tạo (điện gió, mặt trời) được huy động theo nhu cầu sử dụng và khả năng hấp thụ của lưới điện.

Minh Long