Mới đây, theo sau quyết định nâng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản, đây được xem là mức tăng mạnh nhất kể từ 1989.

pexels pixabay 164527 scaled
Đồng bảng Anh mất giá 2% so với đô la Mỹ sau quyết định nâng lãi suất của BoE. (Ảnh minh họa: Pexels.com)

Theo đó, với mức tăng này, lãi suất cơ bản của Anh đã đạt 3%. Đây là lần tăng lãi suất thứ 8 liên tiếp của BoE.

Quyết định được đưa ra sau khi 9 thành viên Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) bỏ phiếu với kết quả 7-2.

Trong đó, một ủy viên chọn mức tăng 0,5 điểm phần trăm, một người muốn tăng 0,25 điểm phần trăm, trong khi còn lại quyết định ủng hộ tăng 0,75 điểm phần trăm.

Đồng bảng Anh mất giá khoảng 2% so với USD sau quyết định của BoE, giao dịch quanh mức 1,116 USD, trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Anh tăng.

Hugh Gimber, Chiến lược gia thị trường toàn cầu tại JPMorgan Asset Management, đánh giá BoE có “ít sự lựa chọn” nên phải nâng lãi suất 75 điểm cơ bản để đáp ứng kỳ vọng của thị trường.

“Một mức tăng lớn như vậy có thể không hợp lý vì các dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh tế của Anh đã thu hẹp. Nhưng cũng có rất ít bằng chứng cho thấy việc chậm tăng lãi suất lại có đủ khả năng chế ngự được lạm phát”, Gimber bình luận.

Ngoài ra, một mức tăng khiêm tốn hơn trong bối cảnh lạm phát hai con số và sau hành động tích cực từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), sẽ có nguy cơ “đặt ra những câu hỏi về uy tín của BoE và sự biến động hơn nữa trên thị trường đồng bảng Anh”.

Một ngày trước (2/11), Fed đã tăng lãi suất quỹ liên bang chuẩn thêm 75 điểm cơ bản, lên phạm vi mục tiêu từ 3,75% – 4%, đây là mức cao nhất từ năm 2008 đến nay.

Trong một cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhắc lại nhiều lần trong suốt bài phát biểu của mình rằng đã đến lúc làm chậm tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới.

Tuy nhiên, khi Powell nói với các phóng viên rằng cuộc thảo luận về việc tạm ngừng các nỗ lực thắt chặt của ngân hàng trung ương là “quá sớm”.

“Còn rất sớm để suy nghĩ về việc tạm dừng”, ông Powell nói và cho biết thêm rằng vẫn còn có thể thắt chặt chính sách. Nhưng ông đã không tiết lộ về việc lãi suất chính sách sẽ ra sao vào năm tới.

Cùng với việc nâng lãi suất, BoE cũng đưa ra cảnh báo về một triển vọng “rất thách thức” với tăng trưởng và mục tiêu đưa lạm phát trở lại mức 2%. GDP của Anh được dự đoán giảm khoảng 0,75% trong nửa cuối năm 2022, do tác động bởi giá năng lượng và hàng hóa thương mại.

Do được điều chỉnh bởi xu hướng nâng lãi suất, tăng trưởng trong suốt năm 2023 và nửa đầu năm 2024 dự kiến cũng tiếp tục giảm do “giá năng lượng cao và điều kiện tài chính thắt chặt hơn đè nặng lên chi tiêu”, theo BoE. Tỷ lệ thất nghiệp dự kiến tăng lên 6,5% vào năm 2025.

Lạm phát ở Anh đã tăng vọt lên 10,1% trong tháng 9 và dự kiến tăng lên 11% trong quý 4. Trong khi đó, lãi suất vay thế chấp đã tăng mạnh, gây thêm căng thẳng cho các hộ gia đình.

Tại Mỹ, theo một báo cáo của ấn phẩm tài chính cá nhân WalletHub, việc tăng lãi suất tháng 11 này sẽ bổ sung thêm 5,1 tỷ USD lãi suất thẻ tín dụng.

Điều này đồng nghĩa lãi suất thẻ tín dụng tăng thêm hàng chục tỷ USD thông qua các nỗ lực thắt chặt chính sách của Fed.

Với khoản nợ thẻ tín dụng hơn 1.000 tỷ USD, bất kỳ quy mô điều chỉnh lãi suất nào cũng có thể gây tốn kém cho người tiêu dùng, Jill Gonzalez, một nhà phân tích của WalletHub cho biết.

“Khi Cục Dự trữ Liên bang tăng lãi suất mục tiêu, lãi suất trên hầu hết các thẻ tín dụng cũng tăng. Hầu hết các thẻ tín dụng đều có lãi suất thay đổi gắn liền với lãi suất mục tiêu của Fed. Xem xét rằng người Mỹ nợ chung hơn 1.000 nghìn tỷ USD cho các công ty thẻ tín dụng, ngay cả những đợt tăng lãi suất nhỏ cũng rất tốn kém”, cô Gonzalez nói.

Điều này có ý nghĩa tại sao một phần ba người Mỹ khó chịu về việc Fed tăng lãi suất, vì gần một phần năm (18%) không chuẩn bị cho việc tăng lãi suất nhiều hơn.

Đức Minh (t/h)