Bộ Xây dựng trích dẫn trong bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản (BĐS) quý 2/2023 vừa được phát hành, cho biết số lượng doanh nghiệp BĐS đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước.

chung cu du an bat dong san ha noi bat dong san 204373546
HoREA nhận định thị trường BĐS năm 2023 sẽ là năm quyết định ‘sống còn’. (Ảnh minh họa: Ovu0ng/Shutterstock)

Thông tin trên được Bộ Xây dựng trích dẫn trong bản công bố thông tin về nhà ở và thị trường BĐS quý 2/2023, cho biết số lượng doanh nghiệp BĐS đã giải thể tăng khoảng 30,4% so cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp BĐS thành lập mới cũng giảm khoảng 61,4% so cùng kỳ năm 2022.

Bộ Xây dựng nhận định hiện nay doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn.

Trong đó, việc tiếp cận vốn của nhóm doanh nghiệp này khó khăn hơn trước và không thể huy động vốn trên thị trường trái phiếu, vốn có nhiều hệ lụy từ các vụ lừa đảo quy mô lớn, niềm tin suy giảm chưa thể phục hồi.

Ngoài ra, nhóm doanh nghiệp BĐS còn phải trả nợ vay và gốc của các lô trái phiếu đã phát hành đến hạn.

Theo thống kê từ đầu năm 2023, có hơn 80 doanh nghiệp BĐS đã trễ hạn trả nợ vay, gốc trái phiếu với tổng giá trị hơn 183.000 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành khoảng 65.250 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái, đây được cho là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường khi lượng giá trị phát hành giảm mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây.

Trong nửa đầu năm 2023, kỳ hạn bình quân gia quyền của các trái phiếu huy động là 3,79 năm, lãi suất huy động bình quân 10,1%, cao hơn so với mức 7,9% lãi suất trung bình của năm 2022.

Trong vài năm liên tục, bất động sản và ngân hàng là 2 nhóm ngành chiếm tỷ lệ phát hành trái phiếu cao nhất toàn thị trường.

Nửa đầu năm nay, bất động sản vẫn là nhóm ngành có tỷ trọng phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, chiếm hơn 50% tổng giá trị trái phiếu phát hành tính từ đầu năm.

Trọng Minh