Theo Bộ Tài chính, có tới 55% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo lỗ trong năm 2021, tương đương gần 14.300 doanh nghiệp, tổng giá trị lỗ hơn 168.330 tỷ đồng. Tổng tài sản của khối doanh nghiệp này tăng nhưng chủ yếu đến từ nguồn vay nợ, ít đến từ nguồn vốn của chủ đầu tư.

ngành dệt may việt nam nhà máy dệt may công nhân xuất khẩu dệt may dạt 4 tỷ usd
Việc doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung ở công đoạn đơn giản, khâu lắp ráp cuối của chuỗi, dẫn đến mức chuyển giao công nghệ hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa thấp. (Ảnh: moit.gov.vn)

Bộ Tài chính vừa có Báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của khối doanh nghiệp FDI. Theo đó, tình hình tài chính của khối này có sự tăng trưởng so với năm 2020, cụ thể:

– Tổng tài sản khoảng 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 1,02 triệu tỷ đồng (tăng 13%).

– Vốn chủ sở hữu đạt 3,6 triệu tỷ đồng, tăng gần 358.260 tỷ đồng (tăng 12,3%).

– Nợ phải trả là 5,26 triệu tỷ đồng, tăng hơn 666.870 tỷ đồng (tăng 14,7%).

Bộ Tài chính cho rằng quy mô tài sản mặc dù tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ các khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư.

Về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2021, có tới 55% doanh nghiệp của khối FDI báo lỗ, tương đương khoảng 14.293 doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020 với tổng lỗ hơn 168.330 tỷ đồng.

Số doanh nghiệp lỗ mất vốn chủ sở hữu là 4.402 doanh nghiệp (chiếm 17%), tăng 15% so với năm 2020 với giá trị là 162.233 tỷ đồng.

“Tỷ trọng doanh nghiệp lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn doanh nghiệp báo lãi và có tốc độ tăng khá cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn các doanh nghiệp FDI chưa đạt hiệu quả”, báo cáo Bộ Tài chính cho biết.

Trong số doanh nghiệp FDI báo lãi, tổng giá trị lợi nhuận sau thuế đạt 83.585 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm 2020.

Ngành có đóng góp lợi nhuận lớn nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; vận tải kho bãi; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí…

Xét theo lĩnh vực kinh doanh, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục dẫn đầu về doanh thu với 82% tổng doanh thu của doanh nghiệp FDI, bỏ xa vị trí thứ 2 của lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy, v.v…

Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có đối tác truyền thống như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… đầu tư tại Việt Nam và thu hút được nhiều dự án lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Intel, Microsoft, Samsung, LG, Canon, Honda…

Tổng nợ của khối doanh nghiệp FDI lên đến 5,26 triệu tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh nợ phải trả của doanh nghiệp FDI năm 2021 cũng tăng tới 14,7% so với năm 2020, lên 5,26 triệu tỷ đồng. Sự tăng trưởng nguồn vốn của doanh nghiệp FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài.

Theo Bộ Tài chính, các sản phẩm mà nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu là hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.

Cụ thể, các sản phẩm xuất khẩu với giá trị xuất siêu là hàng dệt may (20,54 tỷ USD); giày dép các loại (14,52 tỷ USD); phương tiện vận tải và phụ tùng (8,98 tỷ USD); đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận (2,79 tỷ USD),… chủ yếu là sản phẩm thâm dụng nhiều lao động với nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất chiếm tỷ trọng cao.

Việc doanh nghiệp FDI chủ yếu tập trung ở công đoạn đơn giản, khâu lắp ráp cuối của chuỗi, dẫn đến mức chuyển giao công nghệ hạn chế, tỷ lệ nội địa hóa thấp.

Về địa điểm đầu tư, khu vực thu hút nguồn vốn FDI tập trung chủ yếu tại các vùng có điều kiện thuận lợi như vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng và một số tỉnh thành phố lớn, như TP.HCM (khoảng 1,7 triệu tỷ đồng), Hà Nội (khoảng 916.800 tỷ đồng), Bình Dương (khoảng 687.600 tỷ đồng), Hải Phòng (khoảng 533.600 tỷ đồng),…

Các địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn chưa thực sự hấp dẫn vốn đầu tư FDI như: Điện Biên (15 tỷ đồng); Hà Giang (18 tỷ đồng); Kon Tum (158 tỷ đồng), Bắc Kạn (269 tỷ đồng),… dẫn đến tình trạng phát triển không đồng đều giữa các vùng và địa phương.

Bộ Tài chính đánh giá đóng góp cho ngân sách nhà nước của khối doanh nghiệp FDI còn thấp, chưa tương xứng với quy mô đầu tư.

Đức Minh