Ba năm đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán) với chính sách phong tỏa xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã khiến nền kinh tế Trung Quốc suy thoái mạnh. Giờ đây ĐCSTQ tuyên bố chiến lược thúc đẩy kích cầu nội địa, nhưng với tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục và thói quen tiêu dùng của người dân Trung Quốc thay đổi… khiến mục tiêu này là không khả thi.

shutterstock 2313075323
Trung tâm mua sắm ở Thượng Hải, ngày 01/06/2023 (Ảnh: August_0802 / Shutterstock)

Nền kinh tế Trung Quốc những tuần gần đây cho thấy nhiều dấu hiệu chững lại; các tổ chức tài chính hàng đầu như Goldman Sachs, Bank of America, Standard Chartered Bank, JPMorgan Chase và Nomura Holdings… đều hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc.

Trong dịp Tết Đoan ngọ vừa qua, chi tiêu du lịch của Trung Quốc thấp hơn mức trước khi bùng phát COVID-19, cho thấy thực trạng suy giảm trong chi tiêu. Theo một tuyên bố từ Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, doanh thu du lịch nội địa trong cùng kỳ là 37,3 tỷ nhân dân tệ (5,2 tỷ USD), bằng 94,9% so với năm 2019 trước khi dịch bệnh bùng phát; lượng khách du lịch nội địa là 106 triệu lượt, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Ngoài ra, Hiệp hội xe khách Trung Quốc ước tính doanh số bán xe khách của Trung Quốc trong tháng 6 dự kiến ​​giảm 5,9%.

Tại Lễ hội mua sắm 18/6, một sự kiện thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc vừa diễn ra, tờ Nikkei (Nhật Bản) dẫn nhiều ý kiến của người Trung Quốc cho biết họ không còn bị cám dỗ bởi các chương trình khuyến mãi trên nền tảng thương mại điện tử. Mặc dù ĐCSTQ kiên định mục tiêu thúc đẩy nhu cầu trong nước, nhưng mục tiêu đó hoàn toàn khác nhu cầu thực của người dân. Nhiều chuyên gia cho rằng người tiêu dùng Trung Quốc đang trở nên tiết kiệm hơn do ảnh hưởng của COVID-19, bất động sản suy yếu và tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao.

Người tiêu dùng mất niềm tin

Nhiệt tình tiêu dùng của người dân Trung Quốc không còn như trước, nhiều nhà kinh tế tin rằng tiêu dùng yếu là nhân tố chính kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống.

Tờ Nikkei dẫn lời CEO Chen Dong của Pictet Wealth Management (Thụy Sĩ) và là nhà kinh tế hàng đầu châu Á, cho biết tiền tích trữ trong dân của Trung Quốc ở mức cao trong lịch sử, điều này có nghĩa là mọi người không muốn dùng tiền trong tài khoản ngân hàng của họ để tiêu dùng hoặc mua bất động sản. Ông nói: “Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự thiếu tin tưởng chung của người tiêu dùng, không chỉ trong lĩnh vực bán lẻ”.

Nhà phân tích trưởng Zhang Yi của iiMedia Research có trụ sở tại Quảng Châu, cho biết hậu quả của COVID-19 vẫn đang ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng Trung Quốc, nhiều người vẫn thận trọng trong chi tiêu.

Khó đồng thuận về kích thích kinh tế khi bị chi phối bởi an ninh quốc gia

Tờ Nikkei đưa tin, ĐCSTQ đang cố gắng chuyển nền kinh tế Trung Quốc từ tăng trưởng dựa vào xuất khẩu và đầu tư bất động sản sang tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, nhưng tiêu dùng trong nước đã chậm lại trong ba năm qua. Trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài tiếp tục giảm và căng thẳng địa chính trị gia tăng, nhà chức trách Trung Quốc hơn bao giờ hết muốn kích thích nhu cầu trong nước để duy trì tăng trưởng.

Dù nền kinh tế Trung Quốc đang dần phục hồi, nhưng căn cứ dữ liệu dựa trên nền rất thấp, tức là dữ liệu sau ba năm bị thiệt hại nặng nề do dịch bệnh COVID-19. Đồng thời việc phục hồi diễn ra không đồng đều, trong quý đầu tiên chỉ có lĩnh vực dịch vụ được báo cáo tăng trưởng với tốc độ 5,4%, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP.

Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của công ty dịch vụ tài chính Nomura (Nhật Bản) là Lu Ting cho biết, sự phục hồi bất động sản chậm chạp của Trung Quốc, nền kinh tế toàn cầu chậm lại và xung đột địa chính trị gia tăng là những thách thức lớn đối với phục hồi kinh tế của Trung Quốc. Ông lập luận rằng, vì ĐCSTQ đặt vấn đề an ninh quốc gia lên trên vấn đề kinh tế nên những nhà hoạch định chính sách có thể gặp khó khăn trong việc đạt được sự đồng thuận về kích thích kinh tế.

Thị trường ‘siêu yếu’ do thất nghiệp cao kỷ lục

Người tiêu dùng Trung Quốc đang ở trong tình cảnh “chắt bóp chi tiêu”. Sau khi nền kinh tế hộ gia đình của Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19, thị trường việc làm không chắc chắn đã khiến triển vọng trở nên u ám. Theo dữ liệu kinh tế gần đây được ĐCSTQ công bố vào tháng 5, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên đã tăng lên mức cao kỷ lục hơn 20%, điều đó có nghĩa là 6,5 triệu người trong độ tuổi từ 16 – 24 ở Trung Quốc đang thất nghiệp.

Nhà kinh tế trưởng Wang Dan tại Ngân hàng Hang Seng của Trung Quốc chỉ ra rằng, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tăng trưởng thu nhập đã luôn tụt lùi do tăng trưởng kinh tế chậm lại và triển vọng bi quan trong vài năm tới, điều này cũng dẫn đến tiêu dùng giảm. Đồng thời, tình trạng mất an toàn việc làm cũng làm giảm hứng thú đầu tư vào nhà ở và giảm tiêu dùng trong dân.

Nguồn tin của Nikkei lưu ý rằng nhiều người tìm việc đã chuyển sang làm những công việc lặt vặt để kiếm sống qua ngày. Theo báo cáo của nền tảng giao đồ ăn Meituan lớn nhất Trung Quốc, số lượng lái xe đăng ký giao hàng của công ty vào năm 2022 tăng 1 triệu lên 6,24 triệu, trong khi mức tăng vào năm 2020 là 710.000 và năm 2021 là 570.000.

Số lượng tài xế đăng ký với công ty chia sẻ xe Ridesharing company cũng tăng lên đáng kể. Tính đến cuối tháng 4 đã có 5,41 triệu tài xế đăng ký, tăng 60% so với 2 năm trước, trong khi nhu cầu người gọi xe hầu như không tăng so với cùng kỳ năm trước.

Theo Reuters, các nhà phân tích cho rằng các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc đang cạnh tranh khốc liệt trong thương mại sau dịch bệnh COVID-19, đua nhau giảm giá sâu để thu hút người tiêu dùng. Về vấn đề này, giám đốc điều hành của thương mại điện tử Kungfu Data là Josh Gardner cho biết: “Trong hoạt động, để tranh giành thị trường nên các nền tảng đều đưa ra những chính sách kích thích với những ưu đãi khổng lồ, cuối cùng thành thị trường bán lẻ siêu rớt giá”.

Ngày 18/6, Goldman Sachs đưa ra một báo cáo chỉ ra hàng loạt vấn đề kinh tế vĩ mô mà Trung Quốc đang phải đối mặt. Báo cáo cho biết: “Khi hiệu quả chấn hưng từ mở cửa xã hội trở lại nhanh chóng mất dần, những thách thức trung hạn (medium-term) như cơ cấu nhân khẩu [già hóa], vấn nạn bất động sản, vấn đề nợ tiềm ẩn của chính quyền địa phương và căng thẳng địa chính trị… có thể khiến triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc không ngừng u ám”.