Dù dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên toàn thế giới nhưng thống kê, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách các nước nhận kiều hối nhiều nhất năm 2020.

USD
Việt Nam nhận 16 tỷ USD kiều hối trong năm 2020. (Ảnh: Shutterstock)

Truyền thông nhà nước hôm 18/1 thống kê cho biết người Việt Nam ở nước ngoài trong 10 tháng đầu năm 2020 đã gửi về nước tổng cộng 15,7 tỷ USD (thấp hơn 7% so với năm 2019), nhưng vẫn giúp Việt Nam duy trì tên trong danh sách các nước nhận kiều hối nhiều nhất trong năm 2020.

Tính trong 5 năm, tổng kiều hối gửi về Việt Nam đạt 71 tỷ USD, tăng trung bình 6%/năm, trong đó năm 2018 và 2019 đạt lần lượt là 16 và 16,7 tỷ USD.

Việt Nam là quốc gia nhận kiều hối lớn thứ 9 thế giới năm 2020, xếp thứ ba khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, sau Trung Quốc và Philippines.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, hiện có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Nguồn kiều hối của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào một số quốc gia – nơi mà có người dân Việt Nam sống chủ yếu (như Mỹ, Anh, Canada) và những quốc gia có thị trường xuất khẩu lao động nhiều như Nhật Bản, Đài Loan…

Theo báo cáo của các doanh nghiệp trong nước, trong 11 tháng đầu năm 2020, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 54.307 lao động, đạt 77,6% (năm 2020, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi điều chỉnh là 70.000 lao động), và bằng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái (11 tháng năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.802 lao động).

Trong đó, thị trường Nhật Bản: 27.325 lao động (11.151 lao động nữ), Đài Loan: 23.403 lao động (8.688 lao động nữ), Hàn Quốc: 1.077 lao động (44 lao động nữ), Romania: 481 lao động (89 lao động nữ), Trung Quốc: 464 lao động nam, Singapore: 341 lao động nam, Uzbekistan: 227 lao động nam, Algeria: 150 lao động (1 lao động nữ) và các thị trường khác.

Trước đó, hồi năm 2004, Bộ Chính trị Việt Nam cho ra đời nghị quyết số 36 về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, nhằm mục đích “tuyên truyền, giúp cho người Việt Nam ở nước ngoài hiểu đúng tình hình đất nước và chính sách của Đảng và Nhà nước…”, rằng đất nước ta đã phát triển về mọi mặt kinh tế – xã hội, rất cần có sự đóng góp của kiều bào ở nước ngoài thuộc đủ mọi ngành nghề, sẽ rất có lợi cho Tổ quốc.

Hồi năm 2019, ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định Ủy ban sẽ tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực nhằm kêu gọi kiều bào đóng góp nhiều hơn nữa.

Lê Hoàn