Philippines (thị trường mà Việt Nam xuất khẩu gạo nhiều nhất) vừa áp trần giá gạo để hạn chế tình trạng đầu cơ leo thang giá lương thực. Tuy giá thế giới bắt đầu giảm nhiều nhưng giá lúa gạo tại thị trường nội địa Việt Nam vẫn quá cao. Điều này khiến doanh nghiệp tạm thời ngừng mua bán gạo để chờ thị trường ổn định hơn, vì nếu mua hàng gấp để xuất khẩu sẽ nguy cơ gánh lỗ.

xuat khau gao thu hoach lua lua gao viet nam 2334934745
Việt Nam đối mặt nguy cơ giá gạo trong nước liên tục leo thang trong thời gian qua. (Ảnh minh họa: CravenA/Shutterstock)

Dữ liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam trong phiên ngày 6/9 quay đầu giảm mạnh 10 USD/tấn.

Đến phiên 7/9, gạo 5% tấm và 25% tấm tiếp tục giảm thêm 5 USD/tấn, lần lượt về mức 628 USD tấn và 613 USD/tấn.

Tương tự, gạo Thái Lan và Pakistan cùng chung xu hướng giảm ở tất cả mặt hàng. Theo đó, ngày 7/9 giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm 10 USD/tấn, còn 618 USD/tấn; gạo 25% tấm của của nước này giảm 12 USD/tấn, về mức 563 USD/tấn.

Cùng ngày, gạo Pakistan đồng loạt giảm 5 USD/tấn, lần lượt về mức 608 USD/tấn với gạo 5% tấm và 538 USD/tấn với gạo 25% tấm.

Ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết giá gạo trên thị trường thế giới thời gian qua tăng “dựng đứng” một phần do hiệu ứng tâm lý sau khi Ấn Độ và một số quốc gia áp lệnh cấm xuất khẩu mặt hàng này, báo Việt Nam Net đưa tin.

Bước ngoặt có chút thay đổi khi Philippines áp trần giá bán lẻ gạo trong nước (tác động đến giá trần nhập khẩu gạo) – động thái nhằm bình ổn giá gạo, tránh tình trạng thao túng, đầu cơ tích trữ.

Được biết, Philippines là nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam. Việc áp mức giá trần thấp hơn nhiều so với giá gạo thế giới, đồng nghĩa các quốc gia khó có thể xuất bán vào thị trường này do chênh lệch giá.

Điều đó kéo giá gạo trên thị trường thế giới giảm trong những phiên gần đây, ông Bình cho hay.

Ở khía cạnh khác, giá gạo giảm doanh nghiệp sẽ dễ tiếp cận với các nhà nhập khẩu. Philippines, Indonesia hay các quốc gia nhập khẩu gạo 5% tấm của Việt Nam đều chịu mức giá cao, gần như không thể mua giá cao hơn.

Tuy nhiên, giá lúa gạo tại thị trường nội địa vẫn quá cao. Đây là bất cập khiến doanh nghiệp mắc kẹt, không dám mua bán gạo, vì nếu mua hàng để xuất khẩu sẽ gánh lỗ nặng.

“Giá lúa trong nước đã hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, trên dưới 8.000 đồng/kg – tương đương giá gạo 5% tấm xuất khẩu phải ở ngưỡng 680-690 USD/tấn”, ông Bình tính toán.

Ông Bình dự đoán giá gạo thế giới không thể giảm sâu. Mấy phiên gần đây, giá có xu hướng giảm, song chỉ giảm ở phần tăng trước đó do tâm lý. Tuy nhiên, để hoạt động xuất khẩu gạo diễn ra bình thường, giá lúa tại thị trường nội địa phải giảm về mức 7.000-7.200 đồng/kg.

Tại thị trường nội địa, theo thống kê từ VFA, giá lúa gạo tuần cuối tháng 8 (từ 25-31/8) đã được điều chỉnh tăng.

Theo đó, giá lúa bình quân tại ruộng tăng lên 8.079 đồng/kg, lúa tại kho giá 9.242 đồng/kg, gạo lứt loại 1 giá 12.646 đồng/kg, gạo xát trắng loại 1 ở mức 14.750 đồng/kg, gạo 5% tấm 14.564 đồng/kg, gạo 15% tấm 14.333 đồng/kg, loại 25% tấm giá 14.033 đồng/kg,…

Ngày 8/9, giá lúa ở ĐBSCL dao động ở mức 7.800-8.400 đồng/kg, giá gạo từ 11.950-14.200 đồng/kg.

Các doanh nghiệp cho biết tạm thời xuất khẩu gạo sang Philippines sẽ chậm lại, nhưng nhu cầu mua gạo của Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và châu Phi vẫn cao.

Do đó, họ cho rằng giá gạo xuất khẩu có thể sớm tăng trở lại trong thời gian tới.

Tại các đại lý gạo ở TP HCM, theo báo Vnexpress, giá gạo hôm 7/9 của nhiều cửa hàng được điều chỉnh thêm 500 đồng mỗi kg so với tuần trước đó. Gạo thơm hoa sữa từ 17.500 đồng một kg lên 18.000 đồng, nở xốp cơm mềm lên 22.500 đồng, sơ ri cũ lên 16.000 đồng…

Ông Nguyễn Văn Thành, đại lý gạo ở quận Bình Tân cho biết nguồn gạo hiện không khan hiếm nhưng giá tăng mỗi ngày khiến hoạt động kinh doanh khó khăn vì luôn phải điều chỉnh.

Tuấn Minh