Được sản xuất với đa chủng loại hình dáng và màu sắc, bông tắm đã trở nên vật dụng cần thiết trong nhà. Đối với các chị em phụ nữ yêu thích sạch sẽ và làm đẹp thân thể, đây là thứ không thể thiếu trong phòng tắm gia đình.

(Ảnh: Penguincakes/Flickr)
(Ảnh: Penguincakes/Flickr)

Trong những năm gần đây, sữa tắm cũng được nhiều người ưa chuộng hơn là bánh xà phòng, nhưng liệu có ai biết được miếng bông tắm mình dùng hằng ngày lại đi ngược lại với công dụng vốn có, nó đôi khi chính là ổ vi khuẩn và có thể trở thành nguyên nhân gây bệnh da liễu, nhẹ thì gây mẩn đỏ và mụn ở lưng, nặng hơn có thể gây nhiễm trùng.

Vào năm 1994, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng miếng bông tắm thiên nhiên làm từ xơ mướp chính là nơi trú ẩn vô cùng lí tưởng cho các loại vi khuẩn. Nghiên cứu này được đăng trên Tạp chí Clinical Microbiology (tạm dịch: Tạp Chí Vi sinh Lâm sàng), trong đó có nói rằng bông tắm có thể lây truyền các loại khuẩn nấm lên da và trong một số trường hợp nó thậm chí gây nhiễm trùng.

(ảnh: Varin36/Getty)
(ảnh: Varin36/Getty)

Trong quá trình tắm, bông tắm có tác dụng tẩy đi các tế bào da chết. Tuy nhiên, da chết ấy bị mắc kẹt lại trong những mắt lưới hoặc chui sâu vào những lỗ hổng của bông tắm. Cộng với độ ẩm, kém vệ sinh của môi trường trong phòng tắm, các loại vi khuẩn sẽ sinh sôi nảy nở một cách nhanh chóng.

Đối với các loại bông tắm làm từ chất liệu thiên nhiên, ví dụ xơ mướp, đây chính là nguồn dinh dưỡng khiến vi khuẩn phát triển, và mỗi lần miếng bông tắm không được làm khô đúng cách thì tập đoàn những vi khuẩn nấm mốc này lại càng nhiều hơn.

Trung bình 1 năm, toàn thân thể người có khoảng 4kg da chết được đào thải (Ảnh: Amy.Diede/FOAP)
Trung bình 1 năm, toàn thân thể người có khoảng 4kg da chết được đào thải (Ảnh: Amy.Diede/FOAP)

Đáng buồn thay, việc sử dụng các chất kháng khuẩn và rửa sạch miếng bông tắm sau mỗi lần sử dụng cũng không mấy hiệu quả nếu bạn không thường xuyên khử trùng bông tắm.

>> Tâm lý ngụy biện: Khi nạn nhân trở thành… thủ phạm

Các bác sĩ da liễu cũng khuyến cáo rằng việc sử dụng bông tắm thực ra không tốt cho da. Cho dù bạn đã rửa chúng thật sạch, và chúng được làm bằng chất liệu nhựa hay tự nhiên thì chắc chắn bạn vẫn đang vô tình làm da mình bị tổn hại.

Trả lời phỏng vấn tờ Huffington Post, Bác sĩ da liễu Michele Green cho biết nếu càng sử dụng bông tắm thì bạn thậm chí có thể khiến tình trạng làn da trở nên tồi tệ hơn. “Bạn đang bôi chính lớp vi khuẩn dính lại từ lần trước mà mình đã cố gắng tắm thật sạch để loại bỏ đi”, “Miếng bông tắm chứa đầy những chất bẩn trên cơ thể của bạn từ lần tắm trước.”

Sử dụng bông tắm không sạch sẽ gây tổn hại da, nhẹ thì gây mụn, nặng hơn sẽ bị nhiễm trùng (Ảnh: WiseGeek)
Sử dụng bông tắm không sạch sẽ gây tổn hại da, nhẹ thì gây mụn, nặng hơn sẽ bị nhiễm trùng (Ảnh: WiseGeek)

Thực tế, mặc cho bạn sử dụng loại sữa tắm hương lavender, hay là sữa tắm dưỡng da thiên nhiên tinh chất lô hội, nếu bạn vẫn tiếp tục dùng đi dùng lại một miếng bông tắm thì kết quả da của bạn cũng chẳng khá hơn.

Vậy thế nào mới được xem là bông tắm sạch?

Các bác sĩ da liễu khuyến cáo: chúng ta nên thay bông tắm thường xuyên, ít nhất là 3 tuần 1 lần, đặc biệt là khi thấy bông tắm có tình trạng đổi màu. Ngoài ra, để giảm thiểu vi khuẩn phát triển, bạn cũng nên vệ sinh miếng bông tắm của mình bằng cách phơi nơi khô ráo thoáng mát sau mỗi lần tắm, tránh môi trường ẩm ướt. Một cách khác nữa là bạn có thể bỏ chúng vào lò vi sóng trong 20 giây (không sử dụng cho chất liệu nhựa), ngâm trong nước sôi hoặc chất tiệt trùng.

Còn hiện tại, có lẽ chúng ta nên bỏ ngay bông tắm đã sử dụng lâu ngày của mình, mua miếng mới và giữ chúng sạch sẽ bằng những cách trên để bảo vệ làn da đúng cách nhất.

>> Vì sao người Trung Hoa xưa phải tắm trước khi thi?

Ý Linh tổng hợp